Từ khi có hiệu lực thi hành vào ngày 1/1/2021, Luật PPP đã dừng thực hiện dự án đầu tư mới theo loại hợp đồng BT (xây dựng - chuyển giao).
Dự án cầu Trần Hưng Đạo qua sông Hồng dự kiến đầu tư theo phương thức BT đối ứng cho nhà đầu tư 120 ha đất, sau đó chuyển sang phương thức PPP tổng mức đầu tư dự kiến hơn 16.374 tỷ đồng. |
Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư việc dừng thực hiện dự án BT xuất phát từ một số bất cập của việc thực hiện loại hợp đồng này. Trước đây, một số dự án không có mục tiêu đầu tư phù hợp, không cần thiết; giá trị công trình BT được xác định không chính xác, đa số dự án có suất đầu tư cao hơn so với dự án sử dụng vốn đầu tư công. Bên cạnh đó, việc lựa chọn nhà đầu tư chủ yếu được thực hiện thông qua hình thức chỉ định thầu không cạnh tranh, công tác giám sát bị xem nhẹ dẫn đến chất lượng công trình không bảo đảm...
Mặc dù tồn tại những bất cập trên nhưng theo đánh giá của nhiều Bộ, ngành, địa phương, các dự án BT vẫn có đóng góp nhất định trong việc hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng tại các địa phương, huy động được nguồn lực của khu vực tư nhân, giúp giảm áp lực về vốn đầu tư công. Các dự án đối ứng được thanh toán đầu tư cũng góp phần đáng kể cho việc cải thiện cơ sở hạ tầng về nhà ở, dịch vụ, hình thành các đô thị mới, khu dân cư mới…
“Do vậy, nếu mô hình này được nghiên cứu kỹ lưỡng để đổi mới toàn diện, khắc phục tối đa những bất cập của giai đoạn trước thì vẫn có thể phát huy được hiệu quả”, Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhận định.
Hiện nay, Quốc hội đã cho phép 3 địa phương được thí điểm triển khai loại hợp đồng BT tuy nhiên, cách thức áp dụng còn chưa thống nhất. TP HCM được áp dụng cơ chế BT thanh toán bằng tiền từ ngân sách thành phố); Nghệ An được thanh toán bằng tiền từ ngân sách nhà nước hoặc tiền thu từ đấu giá tài sản công, đấu giá quyền sử dụng đất; Hà Nội được áp dụng cơ chế BT thanh toán bằng tiền ngân sách thành phố hoặc thanh toán bằng quỹ đất.
Trong bối cảnh việc huy động nguồn vốn đầu tư từ ngân sách ngày càng khó khăn và nhu cầu đầu tư cho phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng tăng mạnh, căn cứ quá trình thực hiện cơ chế này trong từng thời kỳ, cần xem xét tiếp tục áp dụng loại hợp đồng BT theo hướng đổi mới, hoàn thiện cơ chế thực hiện loại hợp đồng này.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề xuất 3 hướng áp dụng loại hợp đồng BT như sau:
Với hợp đồng thanh toán cho nhà đầu tư bằng quyền thực hiện dự án tại vùng phụ cận với các điểm kết nối giao thông và các tuyến giao thông có tiềm năng phát triển theo mô hình TOD, cơ quan có thẩm quyền căn cứ quy hoạch để xác định công trình giao thông có tiềm năng phát triển đô thị và các quỹ đất phụ cận công trình này. Sau đó, xác định giá trị của quỹ đất phụ cận tại thời điểm giao đất, cho thuê đất (thời điểm trước khi hình thành công trình giao thông) và cơ chế chia sẻ, phân phối lại phần giá trị tăng thêm từ đất tại thời điểm nhà đầu tư khai thác, kinh doanh các dự án tại vùng phụ cận (thời điểm sau khi đã có công trình giao thông), làm cơ sở lập dự án theo mô hình này. Sau khi chuyển giao công trình cho Nhà nước, căn cứ yêu cầu của từng loại công trình và điều kiện cụ thể của từng địa phương, cơ quan có thẩm quyền được áp dụng kết hợp loại hợp đồng BT với các loại hợp đồng khác để giao nhà đầu tư vận hành, bảo trì, bảo dưỡng công trình BT.
Đối với hợp đồng thanh toán cho nhà đầu tư bằng tài sản công theo quy định của pháp luật về quản lý, tài sản công, cơ quan có thẩm quyền xác định cụ thể công trình BT và quỹ đất dự kiến thanh toán (về diện tích, về giá trị) tại các thời điểm lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, lập báo cáo nghiên cứu khả thi, tổ chức đấu thầu và ký kết hợp đồng, bảo đảm công trình BT và quỹ đất dự kiến thanh toán có giá trị tương đương. Trên cơ sở đó, khi thanh quyết toán, được áp dụng cơ chế bù trừ phần chênh lệch khi giá trị quỹ đất thực tế vượt giá trị cam kết tại hợp đồng.
Trong cả 2 mô hình nêu trên, nhà đầu tư chỉ được giao đất khi đã hoàn thành 50% khối lượng công trình BT và chỉ được kinh doanh, khai thác khi hoàn thành công trình BT.
Đối với hợp đồng BT thanh toán cho nhà đầu tư bằng tiền, cơ quan có thẩm quyền căn cứ thiết kế kỹ thuật để xác định tổng mức đầu tư của công trình BT (trong đó gồm chi phí lãi vay sau thời gian xây dựng và lợi nhuận hợp lý của nhà đầu tư), làm cơ sở để tổ chức đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư. Sau khi công trình hoặc hạng mục công trình được nghiệm thu theo quy định, cơ quan có thẩm quyền thanh toán cho nhà đầu tư từ nguồn vốn đầu tư công (tiến độ thanh toán phù hợp với kế hoạch đầu tư công trung hạn và hằng năm) hoặc từ nguồn đấu giá quỹ đất, tài sản công (tiền thu được từ đầu giá được chi trả trực tiếp cho nhà đầu tư dự án BT).
Bên cạnh đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng cần xem xét bổ sung loại hợp đồng BT áp dụng đối với trường hợp nhà đầu tư đề xuất đầu tư xây dựng công trình và chuyển giao cho Nhà nước quản lý, sử dụng mà không yêu cầu thanh toán chi phí đầu tư xây dựng.
Theo đó, nhà đầu tư đề xuất dự án kèm báo cáo nghiên cứu khả thi, hồ sơ năng lực của nhà đầu tư và dự thảo Hợp đồng. Cơ quan có thẩm quyền tổ chức thẩm định và phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi theo quy định của pháp luật về xây dựng. Hợp đồng được ký kết sau khi dự án được phê duyệt. Nhà đầu tư tổ chức thi công và chuyển giao công trình cho nhà nước sau khi hoàn thành. Cơ quan có thẩm quyền chịu trách nhiệm giám sát để bảo đảm chất lượng công trình và tiếp nhận, quản lý, sử dụng công trình.
Lý do lựa chọn các giải pháp trên, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, mô hình BT thanh toán bằng ngân sách nhà nước và bằng tài sản công đã được Quốc hội cho phép áp dụng tại một số địa phương theo Luật, Nghị quyết đặc thù. Giải pháp này kế thừa các quy định này, đồng thời bổ sung, hoàn thiện nhằm bảo đảm tính khả thi trong thực tiễn.
Đỗ Kiều