Sáng 25/3, Thứ trưởng Trần Quốc Khánh đã trao đổi với báo chí về việc Bộ Công Thương kiến nghị Thủ tướng tạm dừng quyết định cấm xuất khẩu gạo, mặc dù trước đó Bộ này đã tham mưu cho Chính phủ phương án cấm xuất khẩu gạo nhằm đảm bảo an ninh lương thực quốc gia.
Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh |
Giải thích kiến nghị trên, Thứ trưởng Bộ Công Thương cho biết, sau khi có chỉ đạo của Tổng cục Hải quan, Bộ đã nhận được ý kiến của một số doanh nghiệp và địa phương. Có thể có độ vênh nhất định giữa số liệu mà Bộ Công Thương có được và số liệu mà các doanh nghiệp và địa phương nắm được, đặc biệt là sản lượng thóc vụ Đông Xuân tại Đồng bằng sông Cửu Long.
Đại diện Bộ Công Thương trần tình, trước đây, Bộ này nắm rất chắc lượng gạo còn tồn trong dân cũng như trong các doanh nghiệp, đặc biệt là dự trữ 5% các doanh nghiệp xuất khẩu gạo có nghĩa vụ thực hiện. Bên cạnh đó, do có cơ chế rõ ràng nên nắm rất chắc thông tin về lượng gạo xuất, lượng ký hợp đồng và lượng tồn kho thông qua Hiệp hội Lương thực Việt Nam.
"Tuy nhiên, từ khi thực hiện điều hành xuất khẩu gạo theo Nghị định 107, chúng tôi không còn những số liệu này nữa, các doanh nghiệp không đăng ký hợp đồng, không phải thông báo về số lượng đã ký hợp đồng, cũng như số lượng gạo xuất khẩu và tồn kho. Chính vì vậy đã xuất hiện độ vênh về số liệu", ông Khánh cho biết.
Vì thế, Bộ Công Thương đã báo cáo lại với Thủ tướng Chính phủ cho phép kiểm tra lại lần nữa lượng tồn kho trong dân, lượng tồn kho trong các doanh nghiệp có thể không lớn như dự kiến. Thủ tướng Chính phủ hiện đang xem xét đề nghị của Bộ Công Thương.
Còn về các kịch bản trong thời gian tới, đại diện Bộ Công Thương cho biết đã có tính toán rõ ràng. Trong điều kiện dịch bệnh kéo dài, đã có dự trữ quốc gia (điều này Thủ tướng Chính phủ có chỉ đạo trong Thông báo số 121 về việc Bộ Tài chính chịu trách nhiệm tăng cường dự trữ quốc gia).
Cùng với đó, Nghị định 107 yêu cầu các doanh nghiệp phải dự trữ lưu thông 5% lượng xuất khẩu trước đó, nếu các doanh nghiệp thực hiện nghiêm túc thì có một lượng dự trữ nữa trong các doanh nghiệp.
Đồng thời, Bộ Công Thương đã chuẩn bị tất cả các kịch bản về lưu thông, phân phối hàng hoá để không xảy ra việc thiếu gạo cục bộ ở bất kỳ địa phương, khu vực nào.
Tuy nhiên, về tốc độ xuất khẩu, Thứ trưởng Bộ Công Thương cho rằng vẫn cần có các giải pháp kiểm soát nhất định. Nếu như tiếp tục xuất khẩu với tốc độ như 2 tháng đầu năm, sẽ đứng trước rủi ro thiếu gạo. Trong lúc dịch bệnh này thì vấn đề bảo đảm an ninh lương thực phải được đặt lên hàng đầu.
Thy Lê