Về chiến lược phát triển ngành ô tô trong năm 2024, Bộ Công Thương cho biết, khẩn trương hoàn thiện và trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Chiến lược phát triển ngành công nghiệp ô tô trong giai đoạn mới (đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045). Trong đó đặc biệt là nội dung phát triển các dòng xe thế hệ mới, xe thân thiện với môi trường phù hợp với lộ trình chuyển đổi năng lượng và phát triển bền vững của quốc gia.
Dàn ô tô điện của liên doanh GM (Mỹ) - HongGuang MiniEV. |
Bên cạnh đó, cơ quan này sẽ phối hợp chặt chẽ với các Hiệp hội, doanh nghiệp để tiếp tục tháo gỡ khó khăn trong hoạt động sản xuất, kinh doanh của ngành ô tô; phối hợp với các cơ quan liên quan tiếp tục nghiên cứu, đề xuất các chính sách hỗ trợ, ưu đãi cho ngành (như về lệ phí trước bạ, thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế nhập khẩu linh phụ kiện phục vụ sản xuất lắp ráp ô tô trong nước…) để duy trì hoạt động của các doanh nghiệp ô tô nội địa trong trường hợp sản lượng tiêu thụ của ngành ô tô tiếp tục giảm.
Đặc biệt, Bộ tiếp tục hỗ trợ các địa phương tìm kiếm, thu hút đầu tư FDI các Tập đoàn sản xuất ô tô và linh kiện ô tô lớn trên thế giới. Đồng thời, triển khai có hiệu quả các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ ngành ô tô để hình thành được hệ thống các nhà cung cấp nội địa nguyên vật liệu và sản xuất linh kiện quy mô lớn thông qua việc hợp tác - liên kết và chuyên môn hoá giữa các doanh nghiệp trong sản xuất - lắp ráp ô tô và sản xuất phụ tùng linh kiện trong và ngoài nước.
Phối hợp với Bộ Tài chính và các cơ quan liên quan nghiên cứu, hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật về ưu đãi, hỗ trợ cho các dòng xe ô tô điện theo nguyên tắc áp dụng các mức ưu đãi khác nhau cho mỗi dòng xe điện hóa trên cơ sở mức phát thải CO2 ra môi trường.
Ngoài ra, Bộ Công Thương sẽ phối hợp với các cơ quan liên quan nghiên cứu xây dựng, hoàn thiện hệ thống tiêu chuẩn, qui chuẩn trong ngành ô tô – đặc biệt là ô tô điện và linh kiện, phụ tùng cùng hệ thống hạ tầng cho ngành ô tô điện (như trạm sạc, cổng sạc…).
Năm 2023 có thể được xem là “năm xe Trung Quốc tại Việt Nam”, khi hàng loạt các hãng từ Trung Quốc chính thức gia nhập sân chơi trong nước với nhiều phân khúc xe khác nhau, từ xe điện giá rẻ đến xe tiền tỷ, cả xe xăng lẫn xe điện và xe hybrid.
Nổi bật là dàn ô tô điện của liên doanh GM (Mỹ) - HongGuang MiniEV được xuất xưởng tại nhà máy xe điện tại tỉnh Hưng Yên của Công ty Cổ phần ô tô TMT.
Cùng với đó, Tập đoàn Geleximco và công ty TNHH Ô tô Omoda & Jaecoo thuộc Tập đoàn Chery cũng ký kết hợp đồng nguyên tắc về dự án đầu tư xây dựng nhà máy lắp ráp, sản xuất ô tô tại Thái Bình.
Theo Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương), cả nước hiện có 377 doanh nghiệp ô tô, trong đó có 169 doanh nghiệp FDI, chiếm tỷ lệ 46,43%. Số lượng nhà sản xuất, cung ứng trong ngành công nghiệp ô tô còn khá khiêm tốn. Tổng số sản phẩm trong ngành này là 1.221, trong đó đa số là sản phẩm công nghiệp hỗ trợ, hàm lượng công nghệ trung bình và thấp, có giá trị nhỏ trong cơ cấu giá trị của một chiếc ô tô.
Mặt khác, tỷ lệ sở hữu ôtô của Việt Nam ở mức 23 chiếc/1.000 người dân, chỉ bằng 1/10 của Thái Lan và 1/20 của Malaysia. Tuy nhiên, thị trường ô tô Việt Nam lại có tốc độ tăng trưởng xếp thứ hai Đông Nam Á. Ngành công nghiệp ôtô tại Việt Nam được nhận định vừa có thách thức, vừa là cơ hội cho các nhà đầu tư.
Thy Lê