Bộ Công Thương vừa có thông cáo báo chí phản hồi về văn bản của Bộ Tài chính gửi Thủ tướng nói Bộ này không tiếp thu góp ý về xuất khẩu gạo.
Bộ Công Thương phản hồi ý kiến Bộ Tài chính nói không tiếp thu góp ý xuất khẩu gạo (Ảnh: Internet) |
Theo đó, Bộ Công Thương cho biết đã nhận được văn bản của Bộ Tài chính báo cáo Thủ tướng Chính phủ về công tác quản lý tài chính đối với mặt hàng gạo.
Bộ Công Thương khẳng định: Phương án điều hành xuất khẩu gạo trình Thủ tướng Chính phủ đã được Bộ 2 lần xin ý kiến các Bộ, ngành. Ý kiến tham gia của các Bộ, ngành đã được Bộ Công Thương tổng hợp, tiếp thu, giải trình đầy đủ trong báo cáo gửi Thủ tướng Chính phủ ngày 6/4/2020.
Các ý kiến mới, đưa ra sau khi Thủ tướng Chính phủ đã kết luận và có ý kiến chỉ đạo về vấn đề xuất khẩu gạo sẽ được Bộ Công Thương tổng hợp, phân tích và báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 25/4/2020.
"Tất cả các báo cáo của Bộ Công Thương về vấn đề xuất khẩu gạo trình Thủ tướng Chính phủ và các hướng dẫn sau đó của Bộ Công Thương đều được công bố kịp thời, công khai, minh bạch để báo chí, các cơ quan, tổ chức liên quan biết, thực hiện và đưa tin", Bộ này khẳng định.
Kiến nghị cho tiếp tục xuất khẩu gạo nếp Liên quan tới xuất khẩu gạo nếp, Bộ Công Thương cho biết nhận được văn bản của Bộ NN&PTNT kiến nghị tiếp tục cho xuất khẩu gạo nếp. Theo đánh giá của tỉnh Long An và An Giang, người dân trong nước chủ yếu tiêu dùng gạo tẻ, không dùng nhiều nếp cho nhu cầu lương thực và gạo nếp hiện được sản xuất chủ yếu phục vụ xuất khẩu. Danh mục hàng lương thực dự trữ quốc gia chỉ bao gồm thóc tẻ, gạo tẻ, không bao gồm thóc nếp, gạo nếp và tấm nếp. Tức là ngay cả khi đột xuất và cấp bách, gạo nếp cũng không thuộc diện huy động vào dự trữ quốc gia. Do đó, Bộ Công Thương kiến nghị Thủ tướng, Phó Thủ tướng xem xét, cho phép tiếp tục xuất khẩu nếp theo nhu cầu và không tính vào lượng hạn ngạch được phép xuất khẩu trong tháng 4/2020 và trong thời gian tới nếu tiếp tục duy trì hạn ngạch. |
Lê Thúy