Sau sầu riêng, gạo, tiếp đến là mặt hàng cà phê, tiêu, heo… đang nóng bỏng về giá trong những tháng đầu năm 2024. Giá heo đang bước vào chu kỳ tăng mới với mức thu mua trong khoảng 64.000 – 68.000 đồng/kg. Đây là mức giá giúp nông dân, DN có lời, cũng là mức giá mà ngay cả những DN chăn nuôi lớn cũng khó có thể tin rằng giá heo hơi đạt được.
Nông dân và doanh nghiệp trúng giá
Giá heo tăng đã giúp nhiều DN chăn nuôi xoay chuyển tình thế kinh doanh như Tập đoàn Dabaco Việt Nam ghi nhận lãi trở lại gần 73 tỷ đồng trong quý đầu năm nay, xoay chuyển so với con số lỗ 321 tỷ đồng cùng kỳ. Dabaco hưởng trái ngọt nhờ vào quyết định đầu tư táo bạo nhập về 10.000 con heo giống trong giai đoạn cả ngành khó khăn. Nếu không mạnh dạn nhập heo năm ngoái, DN này có thể thất thu.
Giá gạo xuất khẩu cao, nhu cầu thế giới lớn, điều này giúp trong quý I/2024, doanh thu của Công ty CP Tập đoàn Lộc Trời đạt 3.849 tỷ đồng, tăng 57% so với cùng kỳ năm 2023. |
Trong khi đó, ông Đoàn Nguyên Đức, Chủ tịch Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai (HAGL) bày tỏ tiếc nuối vì đã không tái đàn vào cuối năm 2023 nên hiện không có nhiều heo để xuất chuồng. Song Chủ tịch HAGL tin rằng chu kỳ tăng giá của ngành heo thường diễn ra trong 2 năm, chu kỳ trước mắt dự kiến kéo dài từ năm 2024 đến 2025.
"HAGL kỳ vọng sẽ "ăn trọn" lợi nhuận mảng heo trong năm tới giữa bối cảnh dịch bệnh tả heo châu Phi diễn biến phức tạp, chỉ có DN lớn đã đáp ứng điều kiện an toàn dịch bệnh mới có thể tái đàn…", Chủ tịch HAGL tự tin.
“Ông lớn” nuôi heo tăng đàn nhưng người chăn nuôi nhỏ lẻ lại khá cân nhắc bởi một quyết định sai lầm có thể khiến gia đình bị lâm cảnh nợ nần như tình trạng đã từng xảy ra, đó là “heo ăn hết sổ đỏ” của bà con.
Bên cạnh mặt hàng heo, Bộ Công Thương cho biết trong 4 tháng đầu năm 2024, nhóm hàng nông sản kéo dài đà tăng trưởng từ năm 2023 đến nay, tổng kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng này ước đạt 11,98 tỷ USD, tăng 26% so với cùng kỳ năm 2023, chiếm 9,69% tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước.
Do giá xuất khẩu tăng nên hầu hết mặt hàng trong nhóm này đạt tốc độ tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu cao ở mức hai con số so với cùng kỳ năm trước tăng như: cà phê tăng 57,9%; gạo tăng 36,5%; chè các loại tăng 25,5%; rau quả tăng 32,1%; nhân điều tăng 21,2%; sắn và các sản phẩm từ sắn tăng 19,2%
Ở Đắk Lắk, ông Trần Đình Trọng, Giám đốc HTX nông nghiệp và Dịch vụ Công Bằng Eatu, cho biết nhiều nông dân trồng tiêu, cà phê đều trúng giá, trong khi với mặt hàng sầu riêng năm nay vẫn chờ… Cụ thể, với mỗi ha cà phê, năm nay người nông dân có thể thu về 200 – 300 triệu đồng.
Về câu hỏi trong lúc này có nên mở rộng diện tích không? Ông Trọng cho biết giá tăng nhưng cần hết sức cân nhắc bởi sản xuất phải gắn với chất lượng, chưa kể hiện nay diện tích đất không có nhiều, vì vậy muốn mở rộng lại phải chặt cây trồng khác để trồng cà phê. Liệu rằng đến khi thu hoạch, giá còn neo ở mức cao.
Thực tế, nhiều nông dân đã tiếc "đứt ruột" khi năm ngoái chặt bỏ tiêu, cà phê để trồng sầu riêng khi thấy giá mặt hàng này cao chót vót.
Nhắc lại bài học đa giá trị
Theo ông Phạm Quang Anh, Giám đốc Trung tâm tin tức hàng hóa Việt Nam, trong khi các mặt hàng nông sản có tính thời vụ, không thể bổ sung nguồn cung ngay lập tức. Vì vậy, kể cả khi không tăng thêm, ông cho rằng giá nông sản sẽ tiếp tục neo ở vùng giá cao trong ngắn và trung hạn, ít nhất là đến hết quý II năm nay.
“Đó là trong ngắn và trung hạn, còn tính đường dài, việc tăng giá trị cho hàng nông sản vẫn phải tính đến các phương án bền vững hơn”, ông Anh lưu ý.
Điều đáng nói, đón sóng tăng giá cũng không tránh khỏi "bỏng tay" như câu chuyện của ngành lúa gạo thể hiện qua kết quả kinh doanh không mấy sáng sủa của nhiều DN lớn.
Giá gạo xuất khẩu cao, nhu cầu thế giới lớn, điều này giúp trong quý I/2024, doanh thu của Công ty CP Tập đoàn Lộc Trời đạt 3.849 tỷ đồng, tăng 57% so với cùng kỳ năm 2023. Tuy nhiên, do biên lợi nhuận giảm cùng với chi phí tài chính tăng khiến lợi nhuận trước thuế của DN ghi nhận âm 86,4 tỷ đồng, cao hơn mức âm 77,2 tỷ đồng của quý I năm trước.
Chủ tịch Tập đoàn Lộc Trời vừa phải xin lỗi nông dân vì “sự cố” nợ tiền mua lúa. Theo Lộc Trời, việc chậm thanh toán là do các yếu tố khách quan như: chậm dòng tiền từ khách hàng và ngân hàng dù công ty đã có nhiều nỗ lực, chấn nhận bán lúa khô với giá thấp để có tiền mặt.
Hay một doanh nghiệp lúa gạo lớn khác là Công ty CP Nông nghiệp công nghệ cao Trung An cũng gặp tình trạng tương tự. Trong quý I, doanh thu thuần của DN đạt 715 tỷ đồng, giảm 23% so với cùng kỳ năm trước. Sau khi trừ các chi phí, Công ty CP Nông nghiệp công nghệ cao Trung An báo lãi sau thuế là 2,7 tỷ đồng, giảm mạnh 67% so với cùng kỳ năm trước. Nguyên nhân được DN cho biết do chi phí sản xuất tăng cao hơn cùng kỳ mọi năm.
Trước đà tăng giá của nhiều mặt hàng nông sản, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan nêu quan điểm rằng giá cả đầu ra luôn là điều chúng ta không quyết định được, bởi quy luật cung cầu. Nhưng có một điều mà chúng ta quyết định được là giảm chi phí đầu vào, kéo giảm đầu vào một đồng, tức là thu nhập tăng thêm một đồng. Muốn giảm chi phí, giảm rủi ro về giá đầu ra phải có tư duy hợp tác.
Theo Bộ trưởng Hoan, bà con nông dân cần vào HTX để mua chung nguyên vật tư đầu vào. Nhìn thực tế, chúng ta đều thấy rằng, rủi ro về giá hầu hết là người nông dân không vào HTX, không tiếp cận được các nguồn lực hỗ trợ…
Do vậy, khi chúng ta nhìn ra cấu trúc ngành hàng, thì cần nhìn ra trên một đơn vị diện tích sẽ tăng bao nhiêu giá trị, chứ đừng nghĩ rằng hạt gạo hôm nay giá bao nhiêu.
“Tôi nói với bà con nông dân Đồng Tháp rằng, giá lúa lên đến một mức nào đó cũng sẽ dừng, vậy nên nông dân cần biết cách phát triển trên một đơn vị diện tích này có thể trồng thêm cây này, nuôi thêm vật kia để gia tăng thêm giá trị”, ông Hoan nói.
Nhật Linh