Bà Nguyễn Thị Cúc, Chủ tịch Hội Tư vấn thuế đưa ra đơn cử một trong những bất cập của Luật Thuế GTGT là quy định chưa rõ ràng, hợp lý khiến cho các sản phẩm có từ 51% giá trị (mà giá thành nằm trong đó gồm tài nguyên khoáng sản, năng lượng) khi xuất khẩu lại không được hoàn thuế GTGT.
Tận thu, trùng thuế?
Bên cạnh đó, vấn đề chứng từ chưa theo được luồng tiền, luồng hàng nên vẫn còn tình trạng DN gian lận, thành lập “DN ma” để kinh doanh hóa đơn chứng từ. Và các DN khác lại muốn có hóa đơn chứng từ để hợp thức hóa, dẫn đến tình trạng gian lận hóa đơn vẫn còn diễn ra.
Theo bà Nguyễn Thị Thu Hiền (giảng viên Khoa Luật Thương mại – Đại học Luật Tp.HCM), bất cập đang nằm ở việc tính thuế GTGT theo phương pháp trực tiếp là lấy doanh thu nhân với tỷ lệ phần trăm ấn định.
Thực chất chính là cách tính thuế doanh thu theo Luật Thuế doanh thu trước đây (đã hết hiệu lực thi hành từ ngày 31/12/1998) với rất nhiều hạn chế như mang tính tận thu, gây trùng thuế, cản trở chuyên môn hóa, chuyên nghiệp hóa sản xuất kinh doanh…
Thêm vào đó, phương pháp trực tiếp cũng không phù hợp với bản chất gián thu của thuế GTGT và đặc tính chỉ thu thuế khi hàng hóa, dịch vụ có giá trị tăng thêm phát sinh trong quá trình kinh doanh của loại thuế này.
Chia sẻ tại Hội nghị đối thoại quy định của pháp luật về thuế trong hoạt động quản lý, kinh doanh của DN do
Bộ Tư pháp tổ chức tại Tp.HCM ngày 13/12, bà Hiền lưu ý cách tính này không đảm bảo công bằng, bình đẳng giữa các cơ sở sản xuất, kinh doanh là người nộp thuế GTGT.
Hơn nữa, còn tạo khe hở cho sự xuất hiện cơ chế chuyển giao hàng hóa, dịch vụ giữa những người nộp thuế theo hai phương pháp thông qua hình thức hợp thức hóa bằng hóa đơn, chứng từ giả, gây khó cho quản lý thuế.
Nên biết rằng xét về cơ cấu thuế hiện nay, thuế GTGT đang trở thành nguồn thu thuế chính, vượt cả nguồn thu từ thuế thu nhập DN (CIT). Ba loại thuế CIT, GTGT và xuất nhập khẩu chiếm đến hơn 70% tổng nguồn thu ngân sách từ thuế và phí của Việt Nam. Thế nhưng, kể từ năm 2013, tỷ trọng nguồn thu thuế từ GTGT đã tăng lên.
Những năm qua, Việt Nam cũng đã có nhiều cải cách trong các chính sách thuế theo hướng giảm bớt gánh nặng cho DN, tiếp cận thông lệ quốc tế. Chẳng hạn với thuế GTGT, đã làm rõ hơn các lĩnh vực không phải chịu GTGT (các dịch vụ bảo hiểm, các loại giao dịch tài chính, ngân hàng, chứng khoán); áp dụng mức GTGT 5% đối với bán và cho thuê nhà ở xã hội.
![]() |
Cách tính thuế GTGT cần đảm bảo quyền lợi chính đáng, công bằng cho DN và hoạt động quản lý thuế
Nên bỏ tính thuế trực tiếp
Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện, Luật Thuế GTGT hiện hành cũng đã phát sinh nhiều vướng mắc về đối tượng không chịu thuế GTGT (phân bón; máy móc, thiết bị chuyên dùng phục vụ cho sản xuất nông nghiệp; tàu đánh bắt xa bờ; chuyển quyền sử dụng đất). Điều này đã gây khó khăn cho DN và công tác quản lý thuế.
Trao đổi với Thời báo Kinh Doanh, chủ một DN tư vấn thuế cho rằng phương pháp tính thuế trực tiếp trên GTGT của hàng hóa, dịch vụ hiện nay không phản ánh được bản chất và đặc thù của thuế GTGT.
Thuế GTGT là thuế gián thu, là một bộ phận cấu thành trong giá bán của hàng hóa, dịch vụ, và người tiêu dùng (NTD) khi mua hàng hóa hay sử dụng dịch vụ sẽ là người chịu thuế.
Các cơ sở kinh doanh nhận tiền thuế GTGT từ NTD và thay NTD nộp số tiền này vào ngân sách. Nói cách khác, việc thu thuế GTGT phải bảo đảm là các cơ sở kinh doanh không phải bỏ tiền của mình ra để đóng thuế.
Thuế GTGT đánh vào tất cả các khâu của quá trình sản xuất, phân phối hàng hóa, dịch vụ cho đến giai đoạn tiêu dùng. DN thay NTD nộp thuế GTGT, NTD được tách khỏi quá trình kê khai nộp thuế. DN vì thế đứng ở vị trí trung gian giữa NTD và cơ quan thuế.
Tuy nhiên, trong quá trình tiến hành thu thuế, cơ quan quản lý thuế thường có xu hướng lạm quyền vì mục tiêu tăng thu ngân sách, còn DN luôn muốn trốn tránh nghĩa vụ thuế để giảm giá thành sản phẩm, nâng cao lợi nhuận.
Từ những bất cập được chỉ rõ, giới chuyên gia đề nghị bãi bỏ phương pháp tính thuế trực tiếp, chỉ giữ lại phương pháp khấu trừ nhằm bảo đảm chỉ thu thuế GTGT khi hàng hóa, dịch vụ có GTGT, khắc phục hiện tượng trùng thuế trong phát sinh từ phương pháp tính trực tiếp trên GTGT. Từ đó giúp minh bạch môi trường kinh doanh, phát huy tính trung lập của thuế GTGT để thúc đẩy sản xuất kinh doanh phát triển.
Đồng thời, theo bà Hiền, nên sửa đổi lại các quy định về điều kiện để nộp thuế GTGT theo phương pháp khấu trừ. Cụ thể là quy định rõ điều kiện để được áp dụng phương pháp khấu trừ là cơ sở kinh doanh phải thực hiện đầy đủ chế độ kế toán, hóa đơn, chứng từ theo quy định pháp luật về kế toán, hóa đơn, chứng từ và đăng ký tự nguyện áp dụng phương pháp khấu trừ thuế.
Hơn nữa, cần bãi bỏ các điều kiện khác như điều kiện cơ sở kinh doanh có doanh thu hàng năm từ bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ từ 1 tỷ đồng trở lên. Đối với tất cả các thủ tục kinh doanh không đủ điều kiện để áp dụng phương pháp khấu trừ sẽ chuyển sang nộp thuế GTGT cố định, hay còn gọi là thuế khoán.
Thế Vinh