Tại Hội nghị phát triển ngành tôm Việt Nam, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định, về mặt quản lý và khoa học, ngành tôm có thể trở thành ngành mũi nhọn của đất nước với kim ngạch xuất khẩu 10 tỷ USD vào năm 2025.
Phát biểu của người đứng đầu Chính phủ cho thấy tương lai phát triển ngành tôm sẽ rất sáng sủa. Song theo các chuyên gia, để tận dụng được những lợi thế này, việc đầu tiên ngành tôm cần làm là giải “bài toán” cung ứng tôm giống đang còn nhiều hạn chế, giá thành tôm giống cao hơn so với các nước trong khu vực, chưa kể xu hướng bảo hộ mậu dịch của các nước có tác động bất lợi cho tôm của Việt Nam.
Phụ thuộc nhập khẩu
Đánh giá về thị trường tôm giống trong những năm gần đây, ông Trần Đình Luân, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản – Bộ NN&PTNT, cho biết, thống kê hiện nay có khoảng 1.800 cơ sở sản xuất tôm giống, với tôm thẻ chân trắng là 566 cơ sở và tôm sú trên 1.300 cơ sở. Công suất cơ bản đáp ứng đủ giống cho người dùng.
Tuy nhiên, nhận định bối cảnh chung, ông Luân thừa nhận, tôm thẻ chân trắng giống bố mẹ đang phụ thuộc nhập ngoại trên 90%, trong khi đó tôm sú dù không phụ thuộc nhập khẩu nhưng lại phụ thuộc vào nguồn đánh bắt tự nhiên.
“Các cơ sở sản xuất giống nhiều nhưng còn nhiều cơ sở nhỏ lẻ không đạt tiêu chuẩn vẫn tiếp tục sản xuất và cung ứng giống ra thị trường. Như vậy, vẫn cho thấy quản lý chất lượng chưa triệt để”, ông Luân nói.
Ông Lê Anh Xuân, Chủ tịch Hội đồng quản trị công ty N.G Việt Nam, đánh giá, số lượng cơ sở sản xuất tôm giống nói chung là đủ song còn ít về mặt chất lượng, ảnh hưởng tương đối nghiêm trọng tới công cuộc phát triển ngành tôm.
Ông Xuân nhận định, hạn chế lớn nhất của cơ sở sản xuất tôm giống hiện nay là nguồn tôm bố mẹ hầu hết được đánh bắt tại Vịnh Thái Lan và nhập khẩu từ nước ngoài.
Theo ông Xuân, nguyên nhân là do các cơ sở sản xuất hiện nay đều có hạ tầng kỹ thuật còn yếu kém, kỹ thuật mềm cùng khả năng tiếp thu ứng dụng công nghệ cao vẫn hạn chế. Dẫn đến, các cơ sở này chưa sản xuất được tôm giống chất lượng cao, đảm bảo quy mô nuôi trồng lớn.
Liên quan tới vấn đề này, trước đó, ông Đào Đức Huấn – Giám đốc Trung tâm Phát triển nông thôn (Bộ NN&PTNT), khẳng định chất lượng tôm bố mẹ hiện nay vẫn chưa ổn định dù đã được Chính phủ quan tâm đầu tư, song chưa mang lại kết quả mong muốn. Bên cạnh đó, chúng ta chưa làm chủ công nghệ chọn tạo, cung ứng giống, giá thành sản xuất tôm còn cao, phần lớn hạ tầng nuôi tôm chưa đảm bảo.
Đặc biệt, việc các chợ tôm giống có nguồn gốc, xuất xứ không rõ ràng, không đủ giấy tờ chứng minh nguồn gốc và kiểm dịch, chất lượng không đảm bảo gây rủi ro cho hoạt động nuôi trồng của người dân.
![]() |
Hạn chế lớn nhất của cơ sở sản xuất tôm giống hiện nay là nguồn tôm bố mẹ hầu hết được đánh bắt tự nhiên và nhập khẩu.
Cần có sự liên kết
Khảo sát trên thị trường hiện nay cho thấy, chất lượng tôm giống không đồng đều, thật giả lẫn lộn khiến người nuôi trồng dễ mua phải tôm giống kém chất lượng. Trong khi đó, theo nhiều nông hộ, giá thành xét nghiệm cho tôm còn cao, nhiều nơi hệ thống xét nghiệm chưa chuẩn hóa, dẫn đến kết quả không chính xác, đôi khi gây thiệt hại cho các nhà sản xuất giống.
Bình luận điều này, theo ông Xuân, quản lý nhà nước nên tăng cường kiểm tra cơ sở sản xuất thường xuyên và đột xuất. Có thể áp dụng các biện pháp kiểm tra cho ngay kết quả trong vòng 2 – 3 tiếng, sớm phân loại cơ sở sản xuất giống đạt chứng chỉ A hay B hay C để người dân phân biệt được chất lượng từng cơ sở và xem giá thành có tương ứng chất lượng không.
Bên cạnh đó, ông Xuân cũng khuyến nghị, chi phí xét nghiệm này nên do Bộ Tài chính quy định, không thể để cơ sở xét nghiệm đơn phương đưa ra chi phí. Tuy nhiên, chi phí xét nghiệm tùy thuộc số lượng mẫu đưa ra xét nghiệm. Nếu xét nghiệm hàng trăm nghìn con, hàng triệu con, chi phí sẽ rất thấp. Còn bà con nhập giống với số lượng ít, 100.000 – 200.000 con, chi phí xét nghiệm sẽ cao.
Do đó, giải pháp là các hộ nuôi nên liên kết chặt với cơ sở sản xuất giống để người dân không mua phải giống trôi nổi. Như vậy, hợp tác xã đóng vai trò hết sức quan trọng để liên kết nhóm hộ cùng cơ quan quản lý chọn tôm chất lượng, giảm chi phí đầu vào. Đồng thời, cần áp dụng triệt để thành tựu khoa học công nghệ vào sản xuất theo hướng công nghiệp hóa trong điều kiện cho phép để nâng cao năng suất.
Về đề xuất hỗ trợ người nuôi tôm, theo ông Xuân, mặc dù giải pháp của cơ quan quản lý đã bao trùm nhiều nguyện vọng của DN nhưng vẫn còn nổi cộm hai nội dung vướng mắc. Cụ thể, việc đẩy nhanh quá trình gia hóa tôm bố mẹ tại Việt Nam nhằm tăng sản lượng và kháng bệnh tốt hơn dù đã được tiến hành nhưng phải chờ một thời gian nữa mới có hiệu quả, trong khi với công đoạn này, Mỹ và Thái Lan đi trước từ 15 – 20 năm.
Còn theo ông Luân, việc tạo được giống bố mẹ là công việc liên tục phải có sự chung tay giữa Nhà nước và DN, DN cần tiếp tục quá trình sản xuất, kinh doanh để duy trì chất lượng con giống năm sau tốt hơn năm trước.
Trên thực tế, để khắc phục tình trạng thiếu hụt nguồn tôm giống bố mẹ, Bộ NN&PTNT đã thành lập Ban Chỉ đạo về nghiên cứu chọn tạo giống tôm bố mẹ nước lợ xuất xứ tại Việt Nam. Hiện nay, ngoài các đơn vị nghiên cứu thuộc Bộ, Bộ đã tạo điều kiện hợp tác và đề ra những giải pháp rất thuận lợi để các DN lớn của Việt Nam tham gia vào nghiên cứu và chọn tạo.
“Hy vọng từ nay đến năm 2020, chúng ta cơ bản có thể chủ động được phần lớn giống tôm bố mẹ do Việt Nam nghiên cứu và sản xuất, đáp ứng được điều kiện”, đại diện Bộ NN&PTNT kỳ vọng. Đây cũng là phép thử đầu tiên nếu Việt Nam muốn đạt được kim ngạch xuất khẩu 10 tỷ USD vào năm 2025.
Lê Thúy
Ông Trần Đình Luân - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản, Bộ NN&PTNT Để xuất khẩu 10 tỷ USD vào năm 2025, vai trò tăng nguồn tôm giống rất quan trọng, tạo sức ép khiến chúng ta phải đề ra giải pháp. Sau chỉ đạo của Thủ tướng, ngành nông nghiệp đã xây dựng kế hoạch hành động phát triển ngành tôm đến năm 2025 và trình Chính phủ. Trong kế hoạch này có nhiều giải pháp nhằm tiếp tục chỉ đạo định hướng, nghiên cứu, gia hóa chọn tạo tôm bố mẹ, kiểm soát tốt nguồn tôm bố mẹ nhập để chủ động được 100% tôm giống có chất lượng. Nhờ đó, hệ thống sản xuất giống của các DN hoàn toàn có thể đáp ứng được nhu cầu, liên kết tốt giữa hiệp hội tôm giống với hộ nuôi của các địa phương. Ts. Nguyễn Hữu Ninh - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Nuôi trồng thủy sản III Việc có nguồn tôm bố mẹ trong nước giúp chúng ta chủ động được nguồn giống, đặc biệt giá thành mỗi cặp tôm bố mẹ chỉ khoảng 300.000 đồng, trong khi đó tôm chân trắng bố mẹ nhập ngoại hiện giá giá khoảng 50.000 USD/con giống. Ông Lê Anh Xuân - Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty N.G Việt Nam Để sản xuất được con giống chất lượng tốt, cơ sở sản xuất luôn phải tuân thủ các yếu tố: có nguồn tôm bố mẹ tốt, đảm bảo khả năng sản xuất giống tốt; trại giống đảm bảo điều kiện an toàn sinh học; nguồn nước phục vụ trước và trong sản xuất giống được xử lý nhiều cấp để có nguồn nước sạch trong quá trình sản xuất giống; thức ăn phục vụ tôm giống phải dùng thức ăn chất lượng cao, thức ăn tạo tươi… |