“Hiện, nhiều thương hiệu lớn trên thế giới đang đòi hỏi các doanh nghiệp (DN) Việt Nam phải chào mẫu thiết kế, thay vì cách làm như trước đây là họ cung cấp sẵn mẫu để chúng ta gia công”, theo ông ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt May Việt Nam (Vitas), Chủ tịch HĐQT Việt Tiến. Nếu thực hiện tốt điều này sẽ giúp DN hiện thực khát vọng xây dựng thương hiệu.
Thương hiệu còn manh mún trong nước
Theo Chủ tịch Vitas, ngành thời trang Việt Nam đang đứng ở top khá trên bản đồ thế giới. Công nghiệp thời trang ở châu Âu có Ý, Pháp; ở châu Á có Trung Quốc, Hàn Quốc, và Việt Nam… “nếu ngành công nghiệp thời trang của Việt Nam không chủ động thiết kế 3D thì sẽ không có số liệu xuất khẩu như vậy”. Tất nhiên, để xây dựng thương hiệu toàn cầu, thì chưa đạt kỳ vọng, và thời gian có thể lên tới hàng trăm năm.
Việt Nam đang đứng ở top quốc gia xuất khẩu dệt may hàng đầu thế giới nhưng thiếu thương hiệu. |
43 năm gắn bó nghề may mặc, ông Vũ Đức Giang – Chủ tịch Vitas đồng thời cũng là Chủ tịch HĐQT Việt Tiến thừa nhận, đúng là chiến lược phát triển thương hiệu thời trang của Việt Nam không chỉ bây giờ mới đặt ra mà được nêu từ cách đây hơn 10 năm trước.
Theo ông Giang, trong ngành công nghiệp thời trang hiện nay, nhãn hàng nào có thương hiệu sẽ nắm cuộc chơi toàn cầu như Nike, Adidas, Louis Vuitton… quyết định xu hướng.
Thực tế, thời gian qua, nhiều doanh nghiệp dệt may trong nước đã tung các thương hiệu thời trang phục vụ người Việt như May 10 cho ra đời nhiều nhãn hiệu thời trang công sở như May 10 Expert, May 10 Classic, Eternity GrusZ… Đức Giang đưa ra thị trường các thương hiệu nữ Paul Downer, DGC, S.Pearl, HeraDG, Forever Young…
“Việt Nam đã có một số thương hiệu như May Việt Tiến, May 10, An Phước nhưng còn manh mún ở trong nước”, ông Giang dẫn chứng. Việt Tiến có tổng đại lý ở Lào, Myanmar nhưng nhỏ. Hay một số bạn trẻ thiết kế thời trang có thương hiệu và bán ra thế giới nhưng quy mô nhỏ. Vì vậy, thách thức của ngành dệt may Việt Nam trong giai đoạn tới là làm chủ cuộc chơi, đa dạng hóa thị trường.
Hơn nữa, thiết kế là một xu hướng mà ngành dệt may Việt Nam bắt buộc phải đi khi lợi thế nhân công giá rẻ dần không còn. Theo nghiên cứu mới công bố tháng 7 năm nay của Hiệp hội Thời trang Hoa Kỳ (USFIA), kết quả khảo sát 30 CEO các hãng thời trang lớn nhất ở Mỹ thực hiện từ tháng 4 đến tháng 6/2023 cho thấy, có 5 yếu tố tạo nên năng lực cạnh tranh của quốc gia xuất khẩu dệt may vào Mỹ bao gồm: tốc độ giao hàng, giá, tính linh hoạt và đáp ứng nhanh yêu cầu, rủi ro tuân thủ các quy định lao động và xã hội, rủi ro tuân thủ các quy định môi trường. Mexico và khu vực Trung Mỹ có lợi thế cạnh tranh ở tốc độ giao hàng vượt trội do yếu tố vị trí địa lý với 4,0/5 điểm.
Việt Nam và Trung Quốc mặc dù được đánh giá cao trong tính linh hoạt và nhanh nhẹn trong đáp ứng yêu cầu đơn hàng (4.0/5 điểm) nhưng giá cả lại là trở ngại tại thị trường Mỹ khi chỉ đạt 2,5/5 điểm.
Bắt đầu từ khâu đào tạo
Theo ông Nguyễn Trọng Phi, Chủ tịch Giovanni Group, thương hiệu quốc tế luôn có lợi thế về hình ảnh và truyền thông. Họ đã có hàng chục năm và lâu hơn thế về kinh nghiệm xây dựng thương hiệu, trong khi đó các thương hiệu Việt Nam mới chỉ phát triển trong những năm trở lại đây. Dù đầu tư mạnh bạo đến thế nào, chúng ta vẫn là những người đi sau các thương hiệu quốc tế.
Bên cạnh đó, Việt Nam cũng chưa có đủ đội ngũ nhân sự được đào tạo bài bản về lĩnh vực thời trang. Chúng ta phải dùng nhân sự của những ngành khác cho nhu cầu của một công ty thời trang.
Chính vì vậy, khi đứng cạnh những thương hiệu thời trang quốc tế được đầu tư bài bản và hùng hậu về kiến thức, kinh nghiệm, thương hiệu Việt Nam không khỏi lúng túng để tìm cho mình một lối đi vừa giữ được tinh thần của riêng mình, vừa đuổi kịp những thương hiệu quốc tế.
Đáng lo, hiện nay các DN trong ngành dệt may Việt Nam vẫn còn thiếu liên kết, không khép kín được chuỗi cung ứng trong nước do đó vẫn bị phụ thuộc nhiều vào nhập khẩu nguyên liệu đầu vào ở nhiều khâu trong quy trình sản xuất.
Theo bà Trần Thu Quỳnh, Tham tán Thương mại, Thương vụ Việt Nam tại Canada, sản xuất thương hiệu riêng của Việt Nam cần hướng vào phân khúc thu nhập trung bình thấp của giới trẻ, chịu khó thay đổi và sẵn sàng tiêu dùng, vì đây vẫn còn là các thị trường ngách nhiều tiềm năng, có biên độ lợi nhuận cao. Ngoài ra, cũng có thể tính đến chuyên môn hoá vào các sản phẩm thời trang chuyên dụng để có thị trường và thương hiệu riêng uy tín, tránh phụ thuộc vào các đơn hàng gia công và các điều kiện của đối tác vì Việt Nam sẽ sớm không còn ưu thế về giá nhân công (Nike đang chuyển dần tỷ trọng sản xuất sang Indonesia là một ví dụ).
Để phát triển thương hiệu thời trang của Việt Nam, Vitas đặt mục tiêu xây dựng 2 trung tâm thời trang là TP.Hà Nội và TP.HCM, từ đó đưa ra giải pháp chiến lược cho một số thương hiệu, nhãn hiệu Việt Nam ra thế giới.
Tại sao đến giờ này, ngành dệt may Việt Nam vẫn còn trăn trở ở câu chuyện thương hiệu? Chủ tịch Vitas Vũ Đức Giang, cho rằng do không thành công vì hệ thống đào tạo, trường đào tạo cho công nghiệp thời trang chưa mang tầm chiến lược toàn ngành. “Chúng ta muốn làm gì thì cũng phải có nguồn lực nên Vitas định hướng đào tạo nguồn nhân lực gắn với công nghiệp thời trang”. Việt Nam là nước có công nghiệp thời trang phát triển nhưng chưa đạt quy mô, tổ chức chuyên nghiệp, bên cạnh đó cũng cần tạo sân chơi trình diễn cho các nhà thiết kế.
Ông Trương Văn Cẩm Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas) Ngành dệt may đang có những hạn chế nhất định, đó là vẫn sản xuất theo hình thức gia công, giá trị gia tăng thấp, tỷ lệ xuất khẩu qua trung gian cao, hiệu quả thấp; rất ít DN xuất khẩu bằng thương hiệu riêng… Điều này đòi hỏi sự nỗ lực của mỗi DN vì trong giai đoạn khó khăn chung của thế giới, nếu DN không nắm bắt được cơ hội sẽ là người về sau. Ông Trần Ngọc Quân Tham tán thương mại, Thương vụ Việt Nam tại Bỉ và EU Xây dựng thương hiệu dệt may là một vấn đề cần quan tâm tại thị trường EU, khi hiện nay DN Việt Nam rất khó có thương hiệu riêng. Thị trường EU yêu cầu các DN có thương hiệu phải xây dựng được chuỗi cửa hàng, chuỗi thu mua, xử lý, sửa chữa sản phẩm trong quá trình khách hàng sử dụng. Đây là vấn đề cản trở sự phát triển thị phần. Bà Vũ Thị Thu Thủy CEO Lamer Nhiều sản phẩm may mặc của chúng tôi đang được xuất khẩu trực tuyến qua kênh Amazon. Những ngày đầu, sản phẩm thường nhận review là size quá nhỏ do hình thể khác biệt giữa người Mỹ và người Việt. Sau đó, chúng tôi bổ sung thêm nhiều kích cỡ sản phẩm từ XL đến 4XL, tương ứng với size XL của khách hàng Mỹ. Chúng tôi cũng chọn phát triển sản phẩm theo phong cách thoải mái, phóng khoáng và nhận được tín hiệu tích cực từ khách hàng. Tôi tin rằng những thế hệ tiếp theo hoàn toàn có thể đem nhiều thương hiệu Việt hơn nữa ra thế giới. Qua đó, giúp chúng ta khẳng định người Việt không chỉ thành công nhờ tay nghề giỏi, mà còn có tầm nhìn và tư duy kinh doanh nhạy bén. |
Nhật Linh