Như phản ánh, gần một tháng nay, thương lái Trung Quốc ngưng thu mua trong khi hàng trăm hecta chuối của nông dân tại các huyện Trảng Bom, Thống Nhất (Đồng Nai) đang vào vụ thu hoạch khiến người dân điêu đứng.
Hậu quả là một số hộ nông dân đã phải cắt bỏ chuối chín rục trên cây rồi tận dụng làm thức ăn cho dê, bò. Mặc dù đại diện các hội nông dân có liên hệ tìm đầu ra qua thị trường Nhật Bản nhưng vẫn chưa thấy tín hiệu khả quan.
Tự phát, thiếu tổ chức
Những năm trước, Trung Quốc nhập chuối mạnh, do đó, người dân đổ xô đầu tư trồng chuối cấy mô khiến diện tích chuối này tăng vọt mà không để ý đến quy luật cung cầu.
Không khác mấy là tình trạng người chăn nuôi heo, nhất là ở vùng Đông Nam bộ và Đồng bằng sông Cửu Long, cũng trở nên khốn đốn vì giá sụt giảm mạnh khi heo thị ùn ứ do thương lái ngừng hoặc chậm mua.
Nguyên nhân cũng vì Trung Quốc gần đây đã trở thành thị trường tiêu thụ gần như toàn bộ heo thịt xuất khẩu của Việt Nam, tới hàng triệu con mỗi năm. Đến khi các thương lái Trung Quốc đột ngột ngưng mua thì người chăn nuôi heo trong nước trở nên bị động, khó đường xoay xở, ngấp nghé bờ vực phá sản.
Trong khi đó, tổng số heo của cả nước tháng 1/2017 vẫn tăng 4,7 – 5,2% so với cùng kỳ năm 2016 do người chăn nuôi mở rộng quy mô đàn vào những tháng cuối năm 2016 để xuất khẩu.
Rõ ràng, vấn đề của quả chuối hay con heo hay một số nông sản, vật nuôi khác mang điệp khúc quen thuộc vì “thương lái Trung Quốc ngừng mua” không phải chuyện mới mẻ gì, báo chí cảnh báo cũng rất nhiều, nhưng vì sao nông dân vẫn loanh quanh rơi vào vòng xoáy này?
Thực tế cho thấy, phần lớn người nông dân tự sản xuất ra sản phẩm và bán ra thị trường thông qua hệ thống phân phối bán lẻ hoặc bán cho thương lái mà chưa kết nối với các cơ sở sản xuất, chế biến nông sản nên lợi nhuận thu được rất thấp, đời sống khó khăn.
![]() |
Khi sản xuất, trồng trọt, nông dân tự quyết định một cách phiêu lưu,
không biết ai sẽ mua, mua bao nhiêu?
Ngoài ra, nông dân ít được tiếp cận với thông tin thị trường nên sản xuất còn tự phát, dễ dẫn đến tình trạng “được mùa mất giá” và “được giá mất mùa”.
Theo Gs.Ts Võ Tòng Xuân, đầu ra tiêu thụ sản phẩm của nông dân luôn bấp bênh vì cả nhà nước và doanh nghiệp (DN) đều chưa bảo đảm tìm hoặc mở được thị trường nông sản một cách ổn định. Khi sản xuất, nông dân tự quyết định một cách phiêu lưu, không biết ai sẽ mua, mua bao nhiêu?
Ông Võ Tòng Xuân cho rằng sự nghèo nàn của đa số nông dân ta không những vì Nhà nước và DN chưa làm tốt vai trò như đã nói trên đây, mà còn do chính bản thân người nông dân gây ra. Điều đó đòi hỏi phải chấm dứt hiện trạng “tự phát – sản xuất thiếu tổ chức”.
Đi ngược quy luật
Hiện nay, Nhà nước thả lỏng để nông dân tự do trồng, đến khi ứ đọng hàng bán không đuợc lại tự do chặt bỏ. Làm ăn riêng lẻ, tự phát, đã trở thành tập quán của bà con nông dân, nhất là khi phong trào hợp tác hóa kiểu cũ (trước năm 1981) bị bãi bỏ chuyển sang thời kỳ “Đổi mới” với Khoán 100 và Khoán 10.
Với cách phát triển nông nghiệp vô tổ chức như vậy, không ngạc nhiên khi thấy nông dân Việt Nam vẫn mãi lao đao lận đận trong suốt 40 năm qua.
Cũng theo Gs.Ts Võ Tòng Xuân, không chỉ các công ty và DN tư nhân mà ngay cả những công ty lớn của Nhà nước cũng mua nguyên liệu nông sản qua thương lái là chính, hiếm khi mua trực tiếp của nông dân.
Nông dân được “hô hào” nên trồng lúa giống này, không trồng giống kia… nhưng khi thu hoạch bán chẳng được; vậy nên, họ phải tự quyết định nuôi con gì, trồng cây gì, kỹ thuật nào để dễ bán, ít bị rủi ro nhất.
Trong khi đó, đội quân thương lái đến tận ruộng, vườn, ao cá, vuông tôm mua hàng của nông dân để sơ chế rồi bán lại cho DN nên chất lượng không đồng đều, nguồn gốc không truy nguyên được. Như vậy, làm sao DN có thể chế biến thành sản phẩm có thương hiệu mạnh, giá trị cao?
Riêng về lĩnh vực chăn nuôi, Ts Nguyễn Thanh Sơn, Viện trưởng Viện Chăn nuôi, lưu ý các địa phương cần xây dựng quy hoạch chi tiết cho những vùng phát triển sản xuất chăn nuôi phù hợp với quy hoạch nông nghiệp tổng thể. Hỗ trợ, tạo điều kiện pháp lý thông thoáng để thu hút các DN đầu tư phát triển chăn nuôi, đặc biệt là chăn nuôi khép kín theo chuỗi.
Điều đó đòi hỏi cần khuyến khích người chăn nuôi nhỏ phải liên kết chặt chẽ với nhau trong chuỗi, liên kết theo từng nhóm gia trại, trang trại. Các DN chăn nuôi phải đảm nhiệm vai trò tổ chức sản xuất, cung ứng tiến bộ khoa học kỹ thuật và thị trường tiêu thụ.
Hình thức này đảm bảo cho các tác nhân tham gia trong chuỗi giá trị sản xuất có thể chia sẻ quyền lợi và trách nhiệm với nhau, đảm bảo việc điều tiết cung cầu thị trường cũng như truy xuất nguồn gốc sản phẩm thực phẩm.
Hiện nay, xu hướng phát triển của chuỗi giá trị nông nghiệp được bắt đầu từ thị trường tiêu thụ sản phẩm đến công nghệ chế biến, bố trí, tổ chức sản xuất phù hợp với yêu cầu của thị trường.
Tuy nhiên, đa số sản phẩm nông nghiệp của Việt Nam đang được thực hiện theo hướng ngược lại, tức là xuất phát từ chọn giống, bố trí sản xuất, thu gom, chế biến ra thành phẩm rồi mới quảng bá, tìm kiếm thị trường tiêu thụ.
Do đó, sản phẩm nông nghiệp chưa làm chủ được thị trường mà đang chịu sự chi phối hoàn toàn từ thị trường tiêu thụ. Điều này cho thấy, sự kết nối các khâu trong chuỗi giá trị nông nghiệp chưa được chặt chẽ và thiếu bền vững.
Thế Vinh