Vào thời điểm đầu tháng 3/2020, các doanh nghiệp trong ngành dệt may, da giày, điện tử, ô tô... rơi vào cảnh đứt nguồn nhập khẩu nguyên liệu do chuỗi cung ứng bị đứt gẫy vì dịch COVID-19. Đến nay, nhiều doanh nghiệp lại rơi vào cảnh khốn khổ vì giá nguyên liệu nhập khẩu "leo thang".
'Khát' nguyên liệu
Ông Lê Tiến Trường, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) phản ánh việc giá sợi tăng mạnh đang gây khó khăn cho các doanh nghiệp trong ngành. Nguyên nhân giá sợi tăng cao là do mùa vụ bông vừa qua của thế giới cho sản lượng thu hoạch thấp, tồn kho bông toàn thế giới cũng giảm. Nếu không chủ động được nguồn nguyên liệu trong nước hoặc từ các nước trong khối, các doanh nghiệp dệt may sẽ không tận dụng được ưu đãi thuế quan từ các Hiệp định CPTPP, EVFTA.
Ngành dệt may vẫn đang phụ thuộc lớn vào nguyên phụ liệu nhập khẩu. |
Tình trạng khan hiếm nguyên liệu cũng diễn ra với ngành gỗ tưởng chừng không liên quan. Ông Nguyễn Chánh Phương, Tổng thư ký Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TP.HCM (HAWA) cho biết, giá nguyên vật liệu tăng mạnh, loại vật tư tăng giá nhẹ nhất so với thời điểm trước khi dịch COVID-19 xảy ra cũng vào khoảng 50%, khiến các doanh nghiệp phải dè chừng trong việc nhận đơn hàng.
Nguyên nhân là do những nước cung cấp nguyên liệu cho Việt Nam bị ảnh hưởng COVID-19, nên nguồn cung hạn chế. Mặt khác, ngành gỗ Việt Nam đang phát triển nóng, nhu cầu lớn dẫn đến chính các doanh nghiệp trong ngành phải tranh giành nguyên liệu với nhau, từ đó đẩy giá lên cao.
Theo thống kê từ Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam, ngành gỗ đang mở rộng trong bối cảnh nguồn cung gỗ nguyên liệu trong nước không đủ đáp ứng cho nhu cầu chế biến phục vụ xuất khẩu và tiêu dùng nội địa. Hàng năm, Việt Nam nhập khẩu khoảng 4-5 triệu m3 gỗ quy tròn; lượng nhập khẩu ngày càng có xu hướng tăng.
Hay với ngành công nghiệp điện tử, thời gian gần đây, khủng hoảng chip bán dẫn cũng đã ảnh hưởng rất nhiều tới các doanh nghiệp. Ông Nguyễn Tử Quảng, CEO Bkav cho biết, trong báo giá gần nhất từ các nhà sản xuất chip cho Công ty, nhiều linh kiện có thời gian giao hàng tiêu chuẩn lên đến mức phi lý là... 10 tháng!
"Để khắc phục tình trạng này, các nhà sản xuất sản phẩm công nghệ như chúng tôi phải gom hàng, nỗ lực tìm kiếm trên khắp thế giới những đối tác thay đổi kế hoạch kinh doanh và vì thế họ dư ra những lô linh kiện không dùng đến. Việc mua bán này đang diễn ra rất nhộn nhịp và xảy ra hiện tượng tranh mua", ông Quảng cho biết.
CEO Bkav cũng lo ngại tình trạng đó sẽ còn "diễn ra hàng ngày và còn dài dài", có thể sang đến cả năm sau.
Cần giải pháp đột phá
Các ngành trên chỉ là những điển hình trong rất nhiều ngành công nghiệp của Việt Nam đang phụ thuộc nguồn nguyên liệu nhập khẩu. Việc phụ thuộc này là vấn đề không mới, nhưng làm sao để chấm dứt thì chắc chắn không phải là câu hỏi dễ trả lời.
Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, tính đến hết ngày 15/4/2021, giá trị kim ngạch của một loạt mặt hàng nguyên nhiên liệu nhập khẩu vào Việt Nam tăng khá mạnh so với cùng kỳ năm 2020. Cụ thể, bông các loại có giá trị nhập tăng 82 triệu USD; xơ, sợi các loại tăng 115 triệu USD; vải các loại tăng hơn 510 triệu USD; nguyên liệu dệt may, da giày tăng hơn 300 triệu USD; điện thoại linh kiện tăng 1,7 tỷ USD và linh kiện ô tô tăng hơn 450 triệu USD...
Ông Đỗ Xuân Lập, Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam cho biết, các doanh nghiệp trong ngành gỗ đều biết giải pháp phát triển bền vững nhất là liên kết với nông dân trồng rừng có chứng chỉ. Hiệp hội đã đưa ra chương trình làm việc cụ thể kiến nghị lên Bộ NN&PTNT là phải phát triển kinh tế rừng dựa trên tư bản hoá đất rừng, dựa trên cổ phần hóa công ty lâm nghiệp, thu hút nhà đầu tư nước ngoài vào phát triển rừng Việt Nam.
"Vừa qua, Hiệp hội có giới thiệu 2 tập đoàn lớn trên thế giới chuyên về trồng rừng tham gia đầu tư vào mảng này ở Việt Nam. Tuy nhiên, tất cả mới chỉ bắt đầu, bởi con đường ở phía trước còn rất dài, một phần chậm trễ do còn nhiều vướng mắc", ông Lập chia sẻ.
Trong khi đó, với ngành dệt may, ông Thân Đức Việt, Tổng giám đốc Tổng công ty CP May 10 bày tỏ, doanh nghiệp ngành may vẫn luôn kỳ vọng các địa phương có cái nhìn công bằng với ngành dệt nhuộm, đừng vì lo sợ rủi ro ô nhiễm môi trường mà "thẳng tay" từ chối dự án. Các hiệp định thương mại tự do như EVFTA, CPTPP được kỳ vọng sẽ giúp nhiều nhà đầu tư nước ngoài đầu tư và lấp đầy "mảng trống" của chuỗi cung ứng dệt may của Việt Nam.
Theo chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan, dịch COVID-19 đã làm lộ rõ những bất cập ở nhiều ngành công nghiệp của Việt Nam khi lệ thuộc nguyên phụ liệu vào một số thị trường bên ngoài như Trung Quốc, Hàn Quốc, ASEAN.
"Điều đó không chỉ đặt hàng hóa của Việt Nam trước những thách thức như bị trừng phạt thương mại vì nghi tiếp tay cho hàng trốn thuế, mà chúng ta cũng sẽ là bên chịu thiệt khi phía nước ngoài hưởng nhiều giá trị gia tăng nhất. Đã đến lúc cần sự phối kết hợp giữa bộ ngành, địa phương với doanh nghiệp nhằm khắc phục tình trạng này", bà Lan nhấn mạnh.
Trong khi đó, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho rằng, chưa nói tới việc tận dụng cơ hội từ làn sóng FDI dịch chuyển, mà mục tiêu trước mắt là muốn phát triển được công nghiệp thì cần phải phát triển được công nghiệp hỗ trợ đi kèm.
Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải thông tin, Chính phủ cũng đã yêu cầu Bộ Công Thương thực hiện thành lập 5 trung tâm nhằm đẩy mạnh phát triển công nghiệp hỗ trợ. Bộ Công Thương đang tích cực thực hiện nhiệm vụ này, để tạo ra các chuỗi giá trị phục vụ nội ngành.
Lê Thúy