Kể từ khi gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) vào năm 2007 tới nay, Việt Nam đã tham gia đàm phán và ký kết 16 FTA, gồm 13 FTA đã ký kết và 3 FTA đang đàm phán.
Giật mình với con số nhập siêu 63 tỷ USD
Tổng kim ngạch xuất khẩu (XK) của Việt Nam sang các thị trường có FTA năm 2019 là 123,11 tỷ USD, trong khi năm 2004, Việt Nam mới có 2 đối tác FTA là ASEAN và Trung Quốc với tổng kim ngạch XK gần 7 tỷ USD.
Xét về tốc độ tăng trưởng XK bình quân sang các thị trường đối tác FTA kể từ khi có FTA thì Ấn Độ đạt bình quân 35,7%/năm, Hàn Quốc: 29,2%/năm, Chile: 28,9%/năm, Trung Quốc: 20,9%/năm...
Hiệp định EVFTA được kỳ vọng sẽ cải thiện tình hình nhập siêu từ các thị trường có FTA với Việt Nam. |
Tổng kim ngạch nhập khẩu (NK) của Việt Nam từ các thị trường đối tác FTA năm 2019 là 186 tỷ USD, trong khi năm 2004, tổng kim ngạch NK từ 2 đối tác FTA là ASEAN và Trung Quốc mới đạt 12,4 tỷ USD.
"Như vậy, về tổng thể, Việt Nam vẫn nhập siêu từ các thị trường có FTA , với con số năm 2019 là 63 tỷ USD", Bộ Công Thương cho biết.
Nhiều cơ hội từ các FTA đang bị bỏ lỡ, điển hình như Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP). Ông Ngô Chung Khanh, Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách Thương mại đa biên phân tích, thị trường Canada mỗi năm NK 11,7 tỷ USD hàng dệt may, trong đó nhập từ Việt Nam 0,81 tỷ USD, chiếm 6,9% tổng nhập khẩu. Mỗi năm, nước này nhập điện thoại và linh kiện trị giá 10,8 tỷ USD, nhưng từ Việt Nam chỉ là 0,62 tỷ USD, chiếm tỷ trọng 5,7%... Điều đó cho thấy, hàng Việt Nam vẫn đang còn nhiều dư địa để tăng trưởng ở thị trường Canada.
Sau một năm Hiệp định CPTPP có hiệu lực, mới chỉ có 40 tỉnh, thành phố có phát sinh hoạt động xuất nhập khẩu với các nước CPTPP như Malaysia, Singapore, Nhật Bản, Úc, New Zealand - đều là những nước đã có các FTA với Việt Nam. Còn các nước chưa có FTA với Việt Nam trước khi CPTPP có hiệu lực như Mexico, Canada, thì tỷ lệ XK rất hạn chế.
Theo chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan, dù có nhiều cơ hội khi tham gia FTA, song thách thức đặt ra với Việt Nam cũng không hề nhỏ. Tình trạng nhập siêu liên tục tăng lên, một phần do công nghiệp phụ trợ của Việt Nam kém phát triển.
"Nếu nhập khẩu máy móc, thiết bị để tái cơ cấu sản xuất thì không phải là chuyện đáng bàn. Song, nhập nguyên, phụ liệu để làm hàng xuất khẩu, nhập hàng tiêu dùng cạnh tranh trực tiếp với hàng Việt Nam trên "sân nhà" thì là điều đáng tiếc. Doanh nghiệp (DN) Việt Nam không thu về được nhiều lợi ích", bà Lan nói.
Bà Lan cảnh báo, nếu tham gia Hiệp định EVFTA mà Việt Nam không khắc phục được những điểm yếu này, nguy cơ "hụt hơi" chắc chắn sẽ xảy ra.
Trong khi đó, ông Trương Văn Cẩm, Phó Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam cho biết, dệt may là ngành được lợi lớn từ hoạt động hội nhập kinh tế. Nếu như năm 1999, XK dệt may chỉ đạt 1,75 tỷ USD, thì đến năm 2019 đã tăng lên 39 tỷ USD, đứng thứ 3 thế giới sau Trung Quốc, Bangladesh.
Tuy nhiên, khâu yếu nhất của ngành dệt may là phụ thuộc nguyên phụ liệu nhập khẩu. Hiệp định CPTPP và EVFTA đều yêu cầu rất chặt chẽ về quy tắc xuất xứ. Vì vậy, DN dệt may kiến nghị Chính phủ, các bộ ngành và địa phương tạo điều kiện để DN có thể chủ động sản xuất vải, sợi. Có như vậy, ngành dệt may mới được hưởng nhiều hơn lợi ích từ các FTA.
"Đây là vấn đề mà chúng tôi đã kiến nghị nhiều lần, đến giờ vẫn tha thiết mong Chính phủ hỗ trợ cho các DN dệt may ở khâu nguyên phụ liệu", ông Cẩm nói.
Trông chờ vào Hiệp định EVFTA
Bên cạnh đó, trong điều kiện khó khăn, để khai thác các thị trường mà Việt Nam đã ký kết FTA, ngành dệt may mong muốn các hệ thống về tham tán thương mại ở các nước là cầu nối cho DN dệt may có thể khai thác tốt thị trường. Đặc biệt là các vụ, cục của Bộ Công Thương vào cuộc tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện thương mại, kết nối giao thương...
Trước phản ánh của DN về thông tin thị trường, bà Đỗ Thị Thu Hương, Tham tán Thương mại Việt Nam tại Canada cho biết, các tập đoàn, nhà nhập khẩu lớn của Canada đánh giá rất cao chất lượng hàng Việt Nam. Đặc biệt, hàng Việt Nam cũng đang có lợi thế về giá thành cạnh tranh do được cắt giảm thuế quan từ Hiệp định CPTPP, tuy nhiên yêu cầu đối với DN rất khắt khe. Đó là các sản phẩm hữu cơ, sử dụng nhiên liệu tự nhiên, ngay cả với các sản phẩm dệt may, da giày, đồ nội thất.
Tương tự, ông Harry Hoàn Trần, Giám đốc Công ty TNHH Midan - nhà nhập khẩu từ Anh khẳng định, nhiều mặt hàng nông sản Việt Nam sẽ có cơ hội lớn tại thị trường này. Hiện, các mặt hàng đang được NK vào Anh nhiều là cà chua, hành, dưa chuột... chủ yếu từ Hà Lan và Tây Ban Nha, song việc NK có thể bị gián đoạn khi nước này hoàn tất tiến trình Brexit. Đây là cơ hội để các loại nông sản đông lạnh của Việt Nam có thể tận dụng. Tuy nhiên, các DN phải biết đến xu hướng ưa chuộng sản phẩm bảo vệ sức khỏe, môi trường đang được các nhà NK chú trọng.
Theo lý giải của Bộ Công Thương, sở dĩ nhập siêu từ các thị trường có FTA với Việt Nam thời gian qua là do 2 thị trường NK lớn nhất hàng Việt Nam là Mỹ và EU đều chưa có FTA được đưa vào thực thi. Tuy nhiên, vấn đề này sẽ có cải thiện đáng kể khi Hiệp định EVFTA đã có hiệu lực từ tháng 8/2020.
Trong tháng 8/2020, kim ngạch XK của Việt Nam sang thị trường EU đã đạt 3,25 tỷ USD, tăng 4,65% so với tháng 7 và tăng 4,2% so với cùng kỳ năm trước. Sang tháng 9, kim ngạch XK sang thị trường này tiếp tục duy trì đà tăng mạnh, tăng khoảng 14,4% so với cùng kỳ.
Về tỷ lệ sử dụng giấy chứng nhận xuất xứ (C/O) ưu đãi theo các FTA, Bộ Công Thương cho biết, tổng kim ngạch XK sử dụng các loại C/O ưu đãi theo FTA năm 2019 đạt 47,55 tỷ USD, chiếm 37,2% tổng kim ngạch XK sang các thị trường Việt Nam đã ký FTA. Năm 2019, Việt Nam đã cấp hơn 1 triệu bộ C/O ưu đãi (bao gồm theo FTA và GSP) với trị giá 61,19 tỷ USD. Mức tỷ lệ sử dụng C/O ưu đãi 37,2%, phản ánh DN và hàng hóa XK từ Việt Nam đang dần nâng cao tỷ lệ tận dụng ưu đãi thuế quan tại các thị trường có FTA với Việt Nam.
Trong bối cảnh XK vẫn chịu bất lợi vì đại dịch COVID-19, Bộ Công Thương khuyến nghị DN theo dõi sát thị trường; cần thích ứng với yêu cầu của tình hình mới, hoàn thiện sản phẩm; đồng thời tăng cường XK qua kênh phân phối trực tiếp hoặc trực tuyến...
Ông Đỗ Thắng Hải Thứ trưởng Bộ Công Thương Bộ Công Thương sẽ nghiên cứu, đề xuất và có các biện pháp quyết liệt hơn nữa trong khai thác, tiếp cận các thị trường trọng điểm, duy trì và mở rộng, không để giảm thị phần, mất thị trường XK, nhất là đối với các mặt hàng XK chủ lực. Tập trung rà soát thủ tục hành chính về xuất nhập khẩu nhằm thúc đẩy XK, tạo thuận lợi và hỗ trợ hiệu quả cho các DN. Ông Nguyễn Trung Tiến Vụ trưởng Vụ Thống kê thương mại và dịch vụ (Tổng cục Thống kê) XK của Việt Nam vào các nước ký FTA vẫn duy trì xu hướng tăng nhưng mức độ thâm hụt cán cân thương mại ngày càng gia tăng do NK từ các nước đã ký kết FTA có xu hướng tăng cao hơn XK. Điều này cho thấy thực thi FTA vừa đem lại cơ hội là đẩy mạnh XK, nhưng cũng đem tới thách thức là NK tăng theo, khiến hàng hóa trong nước phải cạnh tranh ngay trên "sân nhà". Luật sư Trần Hữu Huỳnh Chủ tịch Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam Tham gia FTA, thắng trên "sân người" là vô cùng khó, nhưng "thua trên sân nhà" rất dễ. Điều này đòi hỏi sự nỗ lực không chỉ mỗi DN là đủ, mà Chính phủ cần đóng vai trò hỗ trợ. Chính phủ cần có một đầu mối về các FTA để cung cấp thông tin, xử lý vấn đề vướng mắc mà DN gặp phải. |
Lê Thúy