Chia sẻ mới đây của ông Trần Quốc Mạnh, Phó Chủ tịch Hiệp hội Xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ (Vietcraft) rất đáng lưu tâm khi cho rằng, Nhà nước cần có hỗ trợ cho các doanh nghiệp (DN) trong việc xây dựng kho hàng tập trung tại các quốc gia trọng điểm để DN có thể trực tiếp cung cấp vào hệ thống phân phối của các nước.
“Mắt xích” không thể thiếu
Bởi lẽ, để xây dựng được kho hàng ở các nước sẽ cần chi phí ban đầu rất lớn. Trong khi đó, rất nhiều quốc gia, trong đó có Trung Quốc, đã triển khai việc này từ lâu. Theo đó, các DN phối hợp với hiệp hội ngành hàng và Nhà nước hỗ trợ một phần kinh phí để xây dựng kênh phân phối này. Đây sẽ là hỗ trợ rất ý nghĩa cho DN trong điều kiện khó khăn hiện nay.
Cần có sự hỗ trợ xây dựng kho hàng tập trung cho hàng Việt xuất khẩu ở những thị trường trọng điểm để tăng sức cạnh tranh. |
Nếu làm được điều này, theo ông Mạnh, lợi ích của DN sẽ tăng lên, sức cạnh tranh cũng tăng lên và DN có thể chiếm lĩnh thêm thị phần, mở rộng thị trường dễ hơn trước rất nhiều.
Vị Phó Chủ tịch Vietcraft cũng chỉ rõ lợi nhuận thu về từ việc xuất khẩu (XK) hiện ở mức trung bình khoảng 5%. Nhưng nếu có hệ thống kho hàng tại các nước, lợi nhuận có thể tăng lên gấp 3 lần.
Thực ra, việc đề xuất xây dựng kho hàng tập trung cho hàng Việt ở những thị trường trọng điểm đã từng được một số hiệp hội DN đề cập từ nhiều năm trước. Đây được xem là “mắt xích” không thể thiếu khi đưa hàng Việt vào các kênh phân phối ở nước ngoài. Thế nhưng mọi chuyện vẫn nằm trong kế hoạch, trong những cuộc bàn thảo và vẫn chưa thể triển khai được khi còn thiếu sự hỗ trợ.
Trong khi đó, đứng ở góc nhìn của một doanh nhân Việt kiều, hồi năm trước, ông David Dương, với cương vị là Chủ tịch Hiệp hội doanh nhân Việt Mỹ (VABA), đã từng chỉ rõ nếu có nhà kho tại Mỹ thì các DN của Việt Nam không chỉ cạnh tranh được về giá mà còn quảng bá được sản phẩm. Không chỉ vậy, người cần nhập hàng bán cũng lấy hàng nhanh hơn và việc đổi trả hàng cũng sẽ nhanh hơn.
Như lưu ý của ông Dương, trong khi nhiều quốc gia như Thái Lan, Trung Quốc đã có những kho trữ hàng rộng lớn ở Mỹ thì chưa có kho hàng nào chuyên trữ hàng hóa của Việt Nam. Hàng hóa Việt Nam khó cạnh tranh với hàng hóa của các quốc gia khác vì mới chỉ được trữ trong kho ở chợ của người Việt ở Mỹ trong khi giá cả phụ thuộc vào đơn vị vận chuyển, giao hàng.
Giới chuyên gia cho rằng, nếu các DN Việt Nam và một số hiệp hội ngành hàng có được sự hỗ trợ của Nhà nước để xây dựng được hệ thống kho hàng, kho ngoại quan ở những thị trường trọng điểm ở nước ngoài thì sẽ giúp cho hàng Việt càng có được nhiều thuận lợi hơn trong XK.
Chẳng hạn như với các thị trường chủ lực như Mỹ, EU, Trung Quốc, Nhật Bản…, một khi các DN Việt xây dựng được kho ngoại quan tại đây sẽ giúp cho hàng Việt chủ động dự trữ được nguồn hàng khi giá xuống thấp và chờ giá lên cao rồi bán.
Học Trung Quốc ngay trên “sân nhà”
Điều này cũng cần học hỏi cách thức mà hàng hóa Trung Quốc đang làm thông qua kênh thương mại điện tử (TMĐT) ngay tại “sân nhà” của Việt Nam với việc khai thác thế mạnh về kho hàng. Những phản ánh trên truyền thông mới đây cho thấy vào thời điểm cuối năm, thông qua các sàn TMĐT, nhiều người tiêu dùng tại Việt Nam đã mua hàng Trung Quốc nhiều hơn là hàng hóa trong nước mà một trong những nguyên do là giá rẻ, giao nhanh và có cước vận chuyển thấp hơn.
Điều này là do thời gian các DN Trung Quốc đã triển khai xây dựng các tổng kho gần biên giới với Việt Nam. Cho nên khi có đơn hàng, họ có thể xuất kho đưa hàng về Việt Nam chỉ trong vòng 8 giờ.
Hoặc như Cainiao Network - một công ty logistics thuộc Tập đoàn Alibaba (Trung Quốc) hồi năm trước đã cho xây trung tâm kho vận của họ ở tỉnh Long An của Việt Nam với diện tích rộng 110.000m2, nằm ngay nút giao Quốc Lộ 1A với Cao tốc Trung Lương.
Nhìn vào cách thức mà Trung Quốc đang làm với đầu tư vào kho hàng như vậy rất đáng để cho các DN Việt học hỏi khi đưa hàng hóa của Việt Nam “xuất ngoại”. Nhất là cần có sự đồng hành của các DN nội địa trong lĩnh vực logistics, dịch vụ phân phối trong việc đầu tư vào lĩnh vực kho hàng ở nước ngoài.
Thực tế hiện nay cho thấy các DN Việt Nam phát triển hệ thống phân phối sang các nước chủ yếu là các DN sản xuất và thiếu vắng các DN trong lĩnh vực logistics và dịch vụ phân phối. Điều này khiến cho hàng Việt gặp hạn chế trong việc huy động nguồn hàng về quy mô và cơ cấu hàng hóa.
Điều này có nguyên nhân chủ yếu là do năng lực tài chính của các DN Việt Nam vẫn còn yếu và thiếu sự hỗ trợ cần thiết từ Nhà nước trong khâu kho vận. Ngược lại, như ở Trung Quốc, mỗi vận đơn của các DN nước này xuất đi đều được Chính phủ hỗ trợ chi phí. Lượng chi phí này thậm chí còn đủ bù đắp để cho họ miễn phí vận chuyển hàng về Việt Nam. Và đó là lý do người tiêu dùng ở Việt Nam đặt đồ Trung Quốc qua kênh TMĐT hơn cả hàng Việt.
Có thể nói dù hàng Việt tiêu thụ ở trong nước hay “xuất ngoại” thì điều không thể thiếu là phải có sự yểm trợ của mảng kho vận, được xem như ‘cánh tay nối dài’. Chính vì vậy, như chia sẻ của vị Phó Chủ tịch Vietcraft về việc hỗ trợ đầu tư kho hàng cho hàng Việt ở một số thị trường trọng điểm là điều mong mỏi rất chính đáng của các doanh nghiệp XK.
Điều đó đòi hỏi các cơ quan quản lý không thể trì hoãn hơn nữa mà nên có sự quan tâm đúng mực đến vấn đề này. Đặc biệt là cần khuyến khích, tạo điều kiện cho các DN thành lập kho ngoại quan, kho hàng ở nước ngoài để cung ứng hàng hóa kịp thời cho các hệ thống phân phối nước ngoài.
Cụ thể là cần sớm khảo sát, xác định địa điểm phù hợp để thành lập kho hàng tập trung hàng hóa Việt Nam ở các khu vực thị trường trọng điểm dựa trên các yếu tố về chính sách ưu đãi, tiềm năng thị trường, khoảng cách tới các địa bàn lân cận, vị trí địa lý trên các tuyến đường vận tải quốc tế. Có như vậy sẽ giúp nâng cao khả năng cung ứng hàng Việt kịp thời, thuận lợi vào hệ thống phân phối ở nước ngoài.
Thế Vinh