Các doanh nhân cũng đều khẳng định vai trò không nhỏ của báo chí trong việc thúc đẩy phát triển doanh nghiệp và mong muốn trở thành bạn đồng hành, song các doanh nhân cũng nêu ra không ít “nỗi đau” mà báo chí đã gây ra cho họ, cả vô tình và hữu ý.
Cuộc đối thoại giữa doanh nhân với nhà báo nhân dịp kỷ niệm 91 năm ngày báo chí cách mạng Việt Nam vừa qua được xem là đặc biệt, bởi chưa bao giờ nhà báo và doanh nhân cùng thẳng thắn nhìn nhận vào những tác động qua lại lẫn nhau, kể cả mặt tích cực lẫn tiêu cực.
“Tiếng chuông”thúc đẩy cải cách
Ông Thuận Hữu – Ủy viên Trung ương Đảng – Tổng biên tập Báo Nhân Dân, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam, nhận xét: Báo chí và Doanh nghiệp có mối quan hệ hai chiều, gắn bó và hỗ trợ lẫn nhau.
“Doanh nghiệp cần có báo chí, truyền thông để có thông tin phục vụ sản xuất kinh doanh và để đưa thông tin, quảng bá thương hiệu, sản phẩm, dịch vụ của mình, để động viên, khích lệ những thành quả lao động sáng tạo. Ngược lại, báo chí coi doanh nghiệp, doanh nhân là nguồn đề tài phong phú, đa dạng, là nguồn cảm hứng để sáng tạo tác phẩm”, ông Thuận Hữu khẳng định.
Đặc biệt, trong bối cảnh nền kinh tế hội nhập, báo chí cũng dần xoá bỏ bao cấp thì doanh nghiệp luôn là nguồn hỗ trợ tài chính to lớn và không thể thiếu đối với hoạt động của các cơ quan báo chí.
Chủ tịch Hội nhà báo Việt Nam nhấn mạnh: “Những sự kiện chính trị-xã hội lớn do báo chí cả nước tổ chức, đều có sự hỗ trợ, đồng hành mạnh mẽ của các doanh nghiệp, doanh nhân”. Dưới góc nhìn của người đại diện cho cộng đồng doanh nghiệp, Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc nhìn nhận cộng đồng doanh nghiệp sẽ không có được sự phát triển như ngày hôm nay nếu không có sự đồng hành của nhà báo.
Ông Lộc chia sẻ báo chí bảo vệ doanh nghiệp từ những vụ việc đơn lẻ tưởng chừng không quan trọng, nhưng qua báo chí đã trở thành “tiếng chuông” cảnh báo rất quan trọng để thúc đẩy cải cách thể chế.
Từ ví dụ vụ quán cà phê Xin Chào, ông Lộc khẳng định, nếu không có báo chí thì ý kiến của doanh nghiệp, các quan điểm của cộng đồng không thể đến được với nhân dân và các cơ quan công quyền. Và nếu không có các nhà báo thì số phận của ông chủ và cả quán cà phê Xin Chào có thể đã rẽ sang hướng khác.
Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển đánh giá cao mối quan hệ giữa doanh nhân và nhà báo. Ông Hiển khẳng định đây là hai lực lượng có vai trò đặc biệt quan trọng trong quá trình xây dựng và phát triển đất nước, là người bạn đồng hành thân thiết, tương trợ lẫn nhau để cùng phát triển. “Báo chí chính là cầu nối hữu hiệu giữa doanh nghiệp với nhà nước và cộng đồng”, ông Hiển nói.
Hoạt động đúng hướng và sự tận tâm, chuyên nghiệp của những người làm báo sẽ thúc đẩy sự phát triển của doanh nghiệp, còn hành xử không đúng của nhà báo cũng mang lại nỗi đau cho doanh nghiệp
“Kim chỉ nam” cho doanh nghiệp
Thực tế, trong tiến trình cải cách thể chế thời gian qua, báo chí đã tạo ra cả áp lực và động lực để cả Chính phủ và doanh nghiệp cùng chuyển động. Bên cạnh những ý kiến đồng tình rằng báo chí đã hỗ trợ doanh nghiệp trong quá trình xây dựng và phát triển thì cũng có nhiều hiểu lầm, thậm chí có những điều hai bên chưa thực sự chia sẻ và cảm thông cho nhau.
Ông Phạm Đình Đoàn – Chủ tịch Tập đoàn Phú Thái, chia sẻ thẳng thắn: “Cộng đồng doanh nghiệp nhìn chung đang phải đối mặt với nhiều khó khăn. Làm kinh doanh ở Việt Nam rất khó, như “tham gia giao thông”, phải lạng lách, gặp nhiều rủi ro, làm đúng chưa chắc đã an toàn. Do vậy, nếu doanh nghiệp được báo chí ủng hộ sẽ có thêm nhiều tâm huyết để hoạt động”.
Ông Đoàn mong muốn các nhà báo cố gắng hợp tác với các hiệp hội, các chuyên gia để có những bài báo như kim chỉ nam cho DN, làm cầu nối giữa cộng đồng DN với Nhà nước và xã hội…
Tuy nhiên, ông Đoàn cũng thừa nhận rằng hiện nay, nhiều doanh nghiệp rất sợ gặp báo chí. Ông Đoàn đặt vấn đề sòng phẳng trong mối quan hệ giữa báo chí và doanh nhân: Nếu báo chí đưa thông tin sai, gây thiệt hại cho doanh nghiệp thì cũng cần phải chịu trách nhiệm, kể cả là trách nhiệm vật chất.
Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển cũng thừa nhận những khó khăn của doanh nghiệp cũng không tránh khỏi là có tác động của giới truyền thông.
Ông Hiển cũng nhấn mạnh, nhà báo và doanh nhân cần đồng hành, cần là bạn, nhưng là bạn thì cần góp ý những điều đúng để phát huy và chỉ ra cái sai để khắc phục.
“Rất nhiều doanh nghiệp làm ăn tốt cần được tôn vinh, nhưng cũng có nhiều doanh nghiệp trốn thuế, gây ảnh hưởng đến môi trường… thì báo chí nêu là rất đúng đắn”, ông Hiển nói.
Thanh Hoa
Ông Nguyễn Xuân Dương - Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Hưng Yên, Chủ tịch HĐQT Công ty May Hưng Yên Ông cha ta có câu "Lời nói gói vàng” nhưng cũng có câu khác là “Lời nói đọi máu”. Mối quan hệ giữa báo chí và doanh nghiệp phải sòng phẳng, phải cất tiếng vì mục đích chung. Không thể để tình trạng doanh nghiệp ngại báo chí, báo chí lại không tiếp cận doanh nghiệp để có thông tin đầy đủ, hai chiều. Tránh để xảy ra thêm một Vietfood nữa, vì chỉ cần thông tin không chuẩn xác, doanh nghiệp có thể sẽ bị phá sản.Chúng tôi muốn mối quan hệ giữa nhà báo – doanh nghiệp phải được vun đắp trên tinh thần đó. Ông Nguyễn Mạnh Thản - Chủ tịch Hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa tỉnh Phú Thọ, Giám đốc công ty cổ phần Ao Vua Chúng tôi thường nói rằng phóng viên là người dũng cảm. Họ đi vào những điểm nóng nhất, khó khăn nhất để có thông tin cho những người ngồi ở nhà, trong văn phòng vẫn biết các chuyển động trên thế giới. Chúng tôi sẵn sàng hỗ trợ để báo chí phát huy tính chiến đấu, để báo chí lột tả những cái xấu, tuyên truyền những cái tốt, nhưng nguyên tắc rõ ràng là khách quan và minh bạch. Khi chúng ta cùng xây dựng văn hóa trong báo chí, trong doanh nghiệp, văn minh trong doanh nhân, nhà báo, thì chúng ta sẽ cùng phát triển. Ông Nguyễn Văn Đệ - Chủ tịch Hiệp hội Bệnh viện tư nhân Việt Nam, Chủ tịch HĐQT Công ty Hợp Lực (Thanh Hóa) Tôi muốn nhắc lại cam kết của Thủ tướng Chính phủ là không hình sự hóa các quan hệ kinh tế – dân sự. Báo chí cũng phải tuân thủ thực hiện cam kết này cùng với Chính phủ. Báo chí không được hình sự hóa các vấn đề kinh tế, các hoạt động của doanh nghiệp. Nếu không làm rõ vấn đề này, nhiều khi báo chí sẽ làm nhụt chí của các doanh nhân. |