Những thông tin gần đây cho thấy thị trường Ba Lan (thị trường lớn nhất trong số các quốc gia thành viên mới của EU và lớn thứ 6 trong EU) đang ngày càng gia tăng nhập khẩu các mặt hàng cá tra, tôm từ Việt Nam. Và các doanh nghiệp (DN) thuỷ sản được khuyến khích nên đẩy mạnh khai thác thị trường này, như một “cửa ngõ” quan trọng thâm nhập sâu hơn thị trường EU.
“Cửa ngõ” từ thị trường Ba Lan
Theo ông Piotr Harasimowicz, Trưởng Văn phòng đại diện Cục Đầu tư và thương mại Ba Lan tại Tp.HCM, mặt hàng thuỷ sản của Việt Nam đang có nhiều cơ hội để thâm nhập tốt hơn tại thị trường Ba Lan khi phù hợp thị hiếu người tiêu dùng.
![]() |
Nhu cầu tiêu thụ của thị trường Ba Lan khá lớn là cơ hội để các DN XK nông sản Việt thâm nhập. |
Để các DN thuỷ sản Việt Nam giữ vững và tiếp tục gia tăng XK vào thị trường Ba Lan cũng như EU, ông Piotr Harasimowicz có lưu ý là cần kiểm soát tốt chất lượng hàng thủy sản XK đáp ứng yêu cầu của EU, yếu tố quyết định là DN phải đảm bảo chất lượng và an toàn vệ sinh thực phẩm cùng mức giá hợp lý.
Chia sẻ thêm tại hội thảo do Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư Tp. HCM (IPTC) tổ chức ngày 28/1 để bàn về triển vọng XK hàng hóa vào EU trong năm 2021 thông qua “cửa ngõ” Ba Lan nhằm tận dụng Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA), ông Piotr nhận định với 71% thuế quan được EU gỡ bỏ ngay lập tức đối với hàng hóa XK của Việt Nam và phần còn lại sẽ được gỡ bỏ trong vòng 7 năm, sẽ tạo điều kiện thuận lợi để hàng hóa Việt Nam chinh phục thị trường Ba Lan nói riêng và EU nói chung trong thời gian tới.
Trong năm 2020, XK của Việt Nam sang Ba Lan đạt gần 1,774 tỷ USD, tăng 18,4% so với năm trước đó. Những mặt hàng Việt Nam XK nhiều vào Ba Lan gồm: Máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện, máy móc, thiết bị, dụng cụ phụ tùng, hàng dệt may, cà phê, giày dép các loại…
Ngoài ra, theo ông Piotr, Ba Lan đang có nhu cầu nhập khẩu các mặt hàng nông lâm thuỷ sản của Việt Nam như: gạo, cá, tôm, dầu ăn, thực phẩm hữu cơ, sản phẩm tốt cho sức khỏe…
EVFTA được cho là đem lại nhiều lợi thế và cơ hội đẩy mạnh giao thương giữa Việt Nam và Ba Lan. Để nước này trở thành một “cửa ngõ” của hàng Việt thâm nhập sâu thị trường EU, giới chuyên gia cho rằng điều đó đòi hỏi các DN XK của Việt Nam quan tâm nhiều hơn, kết nối tốt hơn ở thị trường này. Nhất là khi các DN Việt còn hạn chế trong việc phân phối rất nhiều mặt hàng nông lâm thuỷ sản mà thị trường Ba Lan có nhu cầu lớn.
Như chia sẻ của ông Trần Phú Lữ, Phó Giám đốc ITPC, đây là một thị trường quan trọng và năng động nằm ở trung tâm của Trung Âu, có dân số đông (hơn 38 triệu dân), môi trường kinh doanh thân thiện, triển vọng tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ và vị trí thuận lợi cho phép tiếp cận với thị trường 500 triệu dân của EU.
Không quên các rào cản
Chia sẻ với các DN XK ở các tỉnh, thành phía Nam về việc XK vào thị trường Ba Lan nói riêng và EU nói chung, ông Đặng Thái Thiện, Phó phòng Giám sát Quản lý, Cục Hải quan Tp. HCM, đã dẫn lại đánh giá của Bộ Kế hoạch và Đầu Tư cho thấy XK của Việt Nam vào EU được dự báo sẽ tăng 42,7% trong năm 2021 và 44,37% năm 2022.
Tuy vậy, theo ông Thiện, để tận dụng hiệu quả lợi thế từ EVFTA đem lại, đẩy mạnh XK vào thị trường EU, thì các DN cần thực hiện đồng bộ các giải pháp.
Cụ thể là cần nghiên cứu kỹ thị trường, tiếp đến là DN cần đầu tư đổi mới, phát triển sản phẩm đáp ứng đầy đủ các tiêu chuẩn và thị hiếu người tiêu dùng của nước nhập khẩu. Ngoài ra, các DN cần nâng cao trình độ thương mại chuyên nghiệp để xác lập vững chắc niềm tin của bạn hàng.
Hơn thế nữa, các DN nên cẩn trọng về một số rào cản đối với hàng hóa Việt Nam vào thị trường này. Chẳng hạn như sản phẩm XK cần đáp ứng các tiêu chuẩn về kiểm dịch và vệ sinh an toàn thực phẩm (SPS). Theo đó, EVFTA quy định mỗi bên cần thiết lập danh sách các DN XK hàng hóa nông sản, thực phẩm đáp ứng yêu cầu vệ sinh an toàn thực phẩm theo mã hàng hóa xuất khẩu để gửi cho bên còn lại.
Theo ông Thiện, EVFTA cũng quy định linh hoạt đối với biện pháp SPS do EU ban hành mà Việt Nam khó đáp ứng. Việt Nam được lựa chọn 1 trong 3 giải pháp sau nếu gặp khó khăn trong việc đáp ứng một biện pháp SPS của EU.
Thứ nhất, EU dành cho Việt Nam một khoảng thời gian chuyển đổi để tuân thủ biện pháp này; Thứ hai, Việt Nam đề xuất một biện pháp SPS tương đương và đề nghị EU xem xét công nhận; Thứ ba, EU dành hỗ trợ kỹ thuật để giúp Việt Nam đáp ứng được biện pháp SPS.
Ông Thiện cho biết thêm, hiện EU đang áp dụng một số biện pháp phòng vệ thương mại như thuế tự vệ, thuế chống trợ cấp, thuế chống bán phá giá và hạn ngạch thuế quan.
Thời gian gần đây, như lưu ý của vị Phó phòng Giám sát Quản lý thuộc Cục Hải quan Tp. HCM, EU cũng tăng cường kiểm tra dư lượng thuốc trừ sâu đối với một số loại rau thơm, trái thanh long...
"Mới đây nhất, năm 2020, EU tiến hành điều tra đối với mặt hàng lốp xe tải, xe khách và xe đạp điện của Việt Nam. Vì vậy, các DN cần hết sức thận trọng và có sự chuẩn bị kỹ khi XK sang thị trường này", Vị đại diện Cục Hải quan Tp. HCM nhấn mạnh.
Thế Vinh