Báo cáo với tiêu đề "Bùng nổ FDI vào ASEAN" vừa được HSBC công bố cho thấy, Việt Nam và Indonesia là hai thị trường nhận nhiều FDI nhất. Trong khi Việt Nam đang chuyển mình thành trung tâm sản xuất công nghệ, Indonesia lại tập trung vào chuỗi cung ứng xe điện. Việt Nam đã chuyển đổi thành công thành trung tâm sản xuất mới nổi của toàn cầu.
Hướng Việt Nam thành trung tâm sản xuất công nghệ
Báo cáo của HSBC đánh giá, khi nghĩ đến những câu chuyện thành công về các nền kinh tế được thúc đẩy bởi FDI, Việt Nam là một ví dụ nổi bật. Theo đó, Việt Nam đã chuyển mình thành một ngôi sao đang lên trong chuỗi cung ứng toàn cầu, chiếm được thị phần toàn cầu đáng kể trong nhiều lĩnh vực, bao gồm dệt may, giày dép và điện tử tiêu dùng.
Boeing đang có kế hoạch đầu tư và biến Việt Nam thành trung tâm hàng không của khu vực. |
Theo HSBC, sự thành công của Samsung đã thúc đẩy những người khổng lồ công nghệ khác như Google và LG chuyển chuỗi cung ứng của họ đến Việt Nam. Xu hướng này càng phát triển mạnh mẽ hơn trong giai đoạn căng thẳng thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc, không chỉ nâng cao sản lượng xuất khẩu của Việt Nam mà còn gia tăng dòng chảy FDI vào trong nước.
Mặc dù, quá trình này phần nào bị gián đoạn do COVID-19, FDI vào Việt Nam vẫn rất ổn định, cụ thể trong những khu vực sản xuất liên cung ứng cho Apple... Hai nhà cung ứng Đài Loan của Apple là Pegatron và Foxconn và hai nhà lắp ráp Trung Quốc đại lục là Luxshare và Goertek vừa công bố các kế hoạch đầu tư lớn nhằm tăng cường năng lực sản xuất tại Việt Nam.
Từ quan sát thực tế, bà Đỗ Thị Thúy Hương, Phó Chủ tịch Hiệp hội Công nghiệp Hỗ trợ Việt Nam (VASI), Uỷ viên Ban Chấp hành Hiệp hội Doanh nghiệp Điện tử Việt Nam (VEIA), chia sẻ xu hướng chuyển dịch chuỗi cung ứng tiếp tục rõ nét. Các hãng lớn trên thế giới đã và đang dịch chuyển nhà máy, chuỗi sản xuất từ Trung Quốc sang các nước xung quanh.
Trong đó, các nhà sản xuất trong chuỗi cung ứng toàn cầu của những hãng lớn đang dần tập trung vào Việt Nam như Apple đã chuyển 11 nhà máy của các doanh nghiệp Đài Loan (Trung Quốc) trong chuỗi cung ứng của hãng này sang Việt Nam; đồng thời nhiều hãng khác như Foxconn, Luxshare, Pegatron, Wistron cũng mở rộng cơ sở sản xuất sẵn có tại Việt Nam... Samsung xây dựng trung tâm nghiên cứu và phát triển lớn nhất của Tập đoàn tại khu vực Đông Nam Á trị giá 220 triệu USD tại Hà Nội và cũng đang có kế hoạch tiếp tục mở rộng nhà máy tại Bắc Ninh, Thái Nguyên.
Cũng liên quan tới câu chuyện trên, bà Bùi Kim Thùy, Đại diện Cấp cao của Hội đồng Kinh doanh Hoa Kỳ - ASEAN (USABC), Thành viên Hội đồng Cố vấn Harvard - Asia Pacific, chia sẻ: Cách đây 1 tháng, chúng ta vui mừng vì Apple đã và đang chuẩn bị các khâu sản xuất yếu tố đầu vào tại Việt Nam. Tuy nhiên, ở một diễn biến liên quan, cách đây nửa tháng, Apple cũng cho rằng quy chuẩn mới do Bộ TT&TT ban hành - cụ thể là Vụ Khoa học và Công nghệ xây dựng có thể cản trở việc Apple nhập khẩu máy nguyên chiếc, thiết bị linh kiện của bất kỳ sản phẩm nào nếu các quy chuẩn này có hiệu lực từ 1/7 tới đây.
Apple phản ánh họ không có thời gian chuẩn bị, trong khi các thiết bị Apple đáp ứng tiêu chuẩn toàn cầu, họ cho rằng Việt Nam là thị trường duy nhất họ không đáp ứng được. "Rất may mắn, Bộ TT&TT đã hỗ trợ kịp thời, sẽ có văn bản hướng dẫn phù hợp từ ngày 1/7 tới để Apple vẫn tiếp tục nhập khẩu được thiết bị để đảm bảo kinh doanh", bà Thùy cho biết.
Chuẩn bị giải pháp khi áp thuế tối thiểu toàn cầu
Không chỉ Apple, bà Thùy cho hay các doanh nghiệp Mỹ đánh giá cao những chính sách thu hút FDI của Việt Nam. Vì vậy Boeing - Tập đoàn này cho biết sẽ có cuộc trao đổi với các cơ quan chức năng để tháng 8 tới đây sẽ tổ chức hội nghị kinh doanh lớn mở đầu cho chiến lược biến Việt Nam thành trung tâm hàng không của khu vực và phát triển công nghiệp phụ trợ phục vụ công nghiệp hàng không.
Bên cạnh đó, các doanh nghiệp Mỹ cũng quan tâm tới đầu tư vào hạ tầng logistics của Việt Nam. Nếu những chính sách về đầu tư thuận lợi hơn nữa.
Để thu hút thêm nhiều "đại bàng" công nghệ, bà Đỗ Thị Thúy Hương kiến nghị, chính sách của Chính phủ cần ưu đãi có chọn lọc, thu hút các tập đoàn lớn có công nghệ tốt, bảo vệ môi trường, phải làm ăn chuẩn chỉnh tại Việt Nam với cam kết không xả thải ra môi trường. Đặc biệt, doanh nghiệp Việt Nam có thể tham gia vào chuỗi cung ứng này, thay vì họ đem theo doanh nghiệp bản địa vệ tinh cung cấp linh phụ kiện. Bên cạnh đó, Chính phủ cũng cần có chính sách nâng cao trình độ lao động, nhất là lao động chất lượng cao.
Đặc biệt, một trong những vấn đề ảnh hưởng tới thu hút đầu tư nước ngoài tới đây sẽ là thuế tối thiểu toàn cầu. Ngày 8/10/2021, Diễn đàn hợp tác toàn cầu về Chương trình chống xói mòn cơ sở thuế và dịch chuyển lợi nhuận (BEPS), mà Việt Nam là một thành viên, đã ban hành tuyên bố về Khung giải pháp hai trụ cột để giải quyết các thách thức phát sinh từ nền kinh tế số với sự đồng thuận của 136 nước thành viên.
Trong đó, trụ cột 2 quy định về thuế suất thuế tối thiểu toàn cầu (15%) dự kiến được áp dụng từ năm 2023 đang được đặc biệt chú ý. Nguyên tắc này cho phép nước đầu tư đánh thuế tối thiểu 15% đối với thu nhập được miễn, giảm thuế tại nước nhận đầu tư.
Việc áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu 15% đặt Việt Nam vào một tình thế khó lường trong thu hút đầu tư nước ngoài. Việt Nam có thể thu được nhiều thuế hơn, nhưng cũng có thể đánh mất lợi thế dùng ưu đãi thuế thu hút các "đại bàng FDI". Vì vậy, các chuyên gia cho rằng Việt Nam cần sớm tính toán tác động và phản ứng nhanh để thay đổi chính sách thu hút FDI...
Ông Đậu Anh Tuấn, Phó Tổng Thư ký, Trưởng Ban Pháp chế Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), khuyến nghị Việt Nam nên chủ động áp dụng thuế suất tối thiểu toàn cầu khoảng 15%, cùng với đó sửa Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN), Luật Đầu tư để luật hoá cam kết này. Đồng thời, Việt Nam cần thành lập Tổ công tác gồm các cơ quan thuế, đầu tư, xây dựng, lao động và khoa học công nghệ để nghiên cứu, đề xuất chính sách, giải pháp phù hợp cho Việt Nam.
"Rõ ràng doanh nghiệp FDI góp phần vào phát triển kinh tế - xã hội rất lớn, nhưng với thuế tối thiểu toàn cầu này thì lợi thế cạnh tranh sẽ mất đi. Chúng ta cần lập ra uỷ ban hoặc nghiên cứu đánh giá, Singapore và Malaysia đã lập ra ban chỉ đạo nghiên cứu vấn đề này", ông Tuấn đánh giá.
Về vấn đề trên, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng cho biết Bộ KH&ĐT và Bộ Tài chính đang cùng nghiên cứu mức thuế tối thiểu toàn cầu. Thuế này là tốt, nhằm ngăn chặn trốn thuế, chống chuyển giá của doanh nghiệp FDI. Tuy nhiên, chúng ta cần phải nghiên cứu, xem xét kỹ để có giải pháp thu hút FDI mới.
Việt Nam có thể được hưởng lợi đón dòng vốn FDI dịch chuyển từ tác động chiến sự Nga - Ukraine Theo Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ KH&ĐT), tính đến 20/6/2022, tổng vốn đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần, mua phần vốn góp của nhà đầu tư nước ngoài đạt trên 14,03 tỷ USD, bằng 91,1% so với cùng kỳ năm 2021. Nhiều dự án sản xuất, chế tạo các sản phẩm điện tử, công nghệ cao được tăng vốn với quy mô lớn trong 6 tháng đầu năm. Cục Đầu tư nước ngoài cũng đánh giá: Cuộc xung đột Nga – Ukraine không có tác động trực tiếp đáng kể đối với đầu tư nước ngoài tại Việt Nam do đầu tư của Nga và Ukraine chỉ chiếm tỷ trọng nhỏ trong tổng vốn đầu tư vào Việt Nam (chiếm 0,23% tổng vốn đầu tư) mà tác động gián tiếp thông qua giá cả tăng cao và gây đứt gãy chuỗi cung ứng. Tuy nhiên, về trung và dài hạn, cuộc xung đột có thể dẫn đến xu hướng chuyển dịch đầu tư ra khỏi Nga và Ukraine sang các nước Châu Á. Trong đó Việt Nam cũng có thể được hưởng lợi từ dòng vốn đầu tư dịch chuyển này. Tuy nhiên, hiện nay xu hướng này vẫn chưa rõ ràng. |
Lê Thúy