Có thể thấy, sản lượng phân bón NK từ Trung Quốc thường chiếm tỷ trọng cao (từ 50% trở lên) và giá phân bón Trung Quốc thường thấp hơn giá ở Việt Nam 10 – 15% đã gây nhiều bất lợi cho ngành sản xuất phân bón trong nước.
Cách đây hơn một năm, Trung Quốc đã áp dụng chính sách thuế xuất khẩu (XK) mới đối với các mặt hàng phân bón, bao gồm không áp dụng thuế XK đối với sản phẩm Ure, DAP, TSP; cũng như giảm từ 30% xuống còn 20% thuế suất đối với NPK…
Sức ép từ hàng nhập khẩu
Tất cả những thay đổi trên đã tạo áp lực rất lớn đến các doanh nghiệp (DN) sản xuất phân bón trong nước về cạnh tranh giá bán. Đặc biệt khi DAP NK hiện đang chiếm 66% thị phần nội địa, trong đó 80% là nhập từ Trung Quốc.
Để bảo vệ các DN trong nước, Chính phủ đã ban hành một số biện pháp như tăng thuế NK ưu đãi đối với phân DAP nhập từ Trung Quốc từ 3% lên 5%. Tháng 8/2017, Bộ Công Thương đã ban hành Quyết định áp dụng biện pháp tự vệ tạm thời đối với sản phẩm phân bón DAP và MAP NK vào Việt Nam.
Cho đến khi kết luận điều tra cuối cùng cho thấy lượng phân bón DAP và MAP NK đã tăng cả tuyệt đối và tương đối trong giai đoạn điều tra. Kết luận điều tra cũng cho thấy hàng hóa NK đã gây ra tác động ép giá và kìm giá đối với hàng hóa sản xuất trong nước trong giai đoạn 2013 – 2016.
Điều này đã dẫn đến quyết định của Bộ Công Thương trong đầu tháng 3/2018 là áp dụng biện pháp tự vệ chính thức đối với sản phẩm phân bón DAP và MAP NK vào Việt Nam.
Như thông tin từ Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công Thương), mức chênh lệch giá gây thiệt hại cho ngành sản xuất trong nước (bằng mức chênh lệch giữa giá bán thực tế và giá bán trong điều kiện không có thiệt hại) là 1.855.790 đồng/tấn. Hiện tượng ép giá, kìm giá vẫn tiếp tục diễn ra trong năm 2017 nên giá bán của phân bón sản xuất trong nước vẫn thấp hơn chi phí sản xuất là 1.128.531 đồng/tấn.
Trong vụ việc này, mọi chỉ số về thiệt hại đều rõ ràng, cho thấy ngành sản xuất trong nước đã phải chịu thiệt hại nghiêm trọng. Hệ số sử dụng công suất của ngành sản xuất trong nước vẫn còn rất thấp, chưa đủ để đạt đến điểm hòa vốn.
Do đó, ngành sản xuất phân bón trong nước vẫn chưa thoát khỏi tình trạng thua lỗ. Kết quả điều tra cũng cho thấy có mối quan hệ “có nhân có quả” rõ ràng giữa gia tăng NK và thiệt hại của ngành sản xuất trong nước.
Từ đây, để bảo đảm hài hòa quyền lợi giữa ngành sản xuất trong nước và nông dân, Bộ Công Thương quyết định áp dụng mức thuế tự vệ chính thức bằng với mức chênh lệch giữa giá bán thực tế và giá bán tại điểm hòa vốn của ngành sản xuất trong nước là 1.128.531 đồng/tấn, tức là chỉ bằng 60% mức thuế mà Việt Nam được quyền áp dụng theo quy định của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) và pháp luật Việt Nam.
Để hài hòa lợi ích giữa ngành phân bón nội và nông dân cần những giải pháp từ gốc
Cần biện pháp từ “gốc”
Mức thuế này có thể sẽ làm chi phí trồng trọt tăng thêm, nhưng theo tính toán của Bộ NN&PTNT thì tối đa sẽ không quá 0,72%.
Mặc dù vậy, việc chi phí trồng trọt tăng thêm vẫn còn nhiều băn khoăn từ phía dư luận là nông dân phải trả giá cao hơn cho mỗi kilogram phân bón DAP khi các công ty NK phân bón tăng giá bán. Điều này phải chăng phần chịu thiệt thuộc về nông dân trong khi ngành phân bón nội lại đang cần “giải cứu”?
Nhất là khi “căn bệnh” còn tồn tại của nông dân là sử dụng quá nhiều vật tư nông nghiệp và họ coi việc sử dụng phân bón ngoại nhập như là cơ chế tự bảo hiểm năng suất cây trồng.
Cho nên, để có phân bón giá rẻ phục vụ nông dân và tình trạng khó khăn của DN phân bón nội địa hiện nay là cả bài toán nan giải với các nhà hoạch định chính sách, đòi hỏi những giải pháp “cứu nguy” từ gốc.
Để hài hòa lợi ích trong chuyện này, giới phân tích cho rằng Chính phủ nên tiếp tục có những thay đổi về chính sách để hỗ trợ và thúc đẩy tiêu thụ phân bón nội địa bằng cách thiết lập hàng rào bảo hộ thuế quan, đưa thêm các tiêu chí bảo hộ kỹ thuật, cùng với việc thắt chặt quản lý, hạn chế nạn phân bón giả và phân bón nhập lậu qua đường tiểu ngạch.
Song song đó, việc sửa đổi chính sách thuế giá trị gia tăng (GTGT) đang đòi hỏi cần phù hợp, khẩn trương hơn để giảm thiểu khó khăn cho ngành phân bón nội địa. Như khuyến nghị của Tổng công ty Phân bón và Hóa chất Dầu khí (PVFCCo), việc đưa phân bón trở thành đối tượng chịu thuế GTGT sẽ tháo gỡ khó khăn cho DN kinh doanh phân bón và nông dân.
Khi phân bón là đối tượng không chịu thuế GTGT đã dẫn đến toàn bộ thuế GTGT đầu vào phục vụ cho sản xuất và kinh doanh phân bón không được khấu trừ và phải hạch toán vào chi phí, dẫn đến khoản lợi nhuận trước thuế hàng năm sẽ giảm tương ứng nếu không hạch toán vào giá thành sản phẩm, điều chỉnh giá bán đầu ra để bù lại phần nào sự sụt giảm lợi nhuận do thuế GTGT đầu vào bị tính vào giá thành sản xuất.
Mặt khác, trong phương án mà Bộ Tài chính đưa ra là áp dụng mức thuế GTGT cho phân bón là 5% hoặc 10% trong khi nhiều DN sản xuất phân bón trong nước đều mong mỏi đưa mặt hàng phân bón vào diện chịu thuế GTGT ở mức 0% nhằm được khấu trừ thuế GTGT đầu vào. Việc này sẽ giúp tiết kiệm chi phí cho các DN từ hàng chục đến hàng trăm tỷ đồng mỗi năm.
Thế Vinh