Khảo sát thị trường ngày 8/8 cho thấy, giá DAP trên thị trường đã “nhảy” lên mức 1,5 – 1,9 triệu đồng/tấn (tức tăng 1.500 – 1.900 đồng/kg). Là nguyên liệu chính sản xuất phân NPK (gồm Urê, DAP và Kali), DAP đã đẩy giá của loại phân này tăng lên 300.000 – 500.000 đồng/tấn, tùy theo công thức hàm lượng phối trộn.
Giá phân bón “tăng nhiệt”
Ông Trần Văn Châu – Tổng Giám đốc công ty Xuất Nhập khẩu phân bón Âu châu (Long An) – cho biết: “Mới cách đây một tuần, giá DAP dao động ở mức 9.500 – 10.000 đồng/kg, nay đã tăng lên 11.800 – 12.000 đồng/kg. Hôm 6/8, tôi có đặt mua lại hơn 30 tấn phân DAP 18 – 46 vàng tan nhanh tại Liễu Châu (Trung Quốc) với giá 11.800 đồng/kg, tăng khoảng 1.900 đồng/kg so với trước đó”.
Theo các nhà phân phối, giá các loại DAP đã bắt đầu rục rịch tăng từ đầu tháng 8/2017. Hiện tại, giá DAP 18 – 46 của Hàn Quốc vào khoảng 12.500 đồng/kg; DAP của Nga có giá 9.500 đồng/kg; DAP 18 – 46 của Trung Quốc khoảng 9.000 đồng/kg, DAP 16 – 44 là 8.800 đồng/kg; DAP 16 – 45 của hai đơn vị Đình Vũ và Lào Cai khoảng 8.000 đồng/kg.
“Giá DAP đã bắt đầu tăng từ 1.500 đồng/kg trở lên nhưng do yếu tố mùa vụ, thời tiết (chưa vào vụ bón phân) nên thị trường chưa hút hàng mạnh. Giá phân bón sẽ ‘nhảy múa’ khi vào cao điểm, bắt đầu vào đầu tháng Chín”, chị Minh Huyền – chủ một đại lý phân bón – nhận định.
Theo các chuyên gia, việc áp thuế tự vệ tạm thời sẽ làm cho lượng phân bón DAP, MAP nhập khẩu giảm và giá nhập khẩu các sản phẩm này tăng lên. Như vậy, giá bán các loại phân bón có DAP là thành phần chính trên thị trường nội địa sẽ tiếp tục bị đẩy lên trong thời gian tới.
![]() |
Thuế tự vệ có thể đẩy giá phân bón lên cao, gây ảnh hưởng tiêu cực đến người nông dân
Chủ tịch HĐQT công ty Phân bón Hà Lan – ông Trần Dũng – nhận định, dù hàng nhập khẩu tăng giá do thuế, các công ty sản xuất phân bón cũng khó có thể chuyển sang mua DAP nội địa vì DAP nội chỉ sản xuất được một số mặt hàng, còn lại vẫn phải mua nguyên liệu nhập để bảo đảm chất lượng.
“Hiện vụ mùa đã hết, giai đoạn tiêu thụ phân bón không lớn nên giá bán tạm thời vẫn giữ nguyên. Nhưng thời gian tới, chúng tôi buộc phải tính toán tăng giá theo mức tăng của nguyên liệu. Nếu cộng thêm thuế tự vệ, giá phân DAP sẽ tăng khoảng 1.900 đồng/kg, phân NPK (40% DAP tăng gần 800 đồng/kg”, ông Dũng cho biết.
Ai lợi, ai thiệt?
Quyết định áp thuế tự vệ tạm thời với phân DAP và MAP nhập khẩu với mức thuế gần 1,86 triệu đồng/tấn đang trở thành “cứu cánh” cho các doanh nghiệp phân bón nội địa. Trong hơn hai tháng, từ 12/5 đến 4/8 (khoảng thời gian ra quyết định điều tra cho đến khi áp dụng thuế tự vệ), cổ phiếu của các doanh nghiệp phân bón liên tục “tạo sóng”.
Cụ thể, giá cổ phiếu QBS của công ty Cổ phần Xuất Nhập khẩu Quảng Bình đã tăng 50% (từ 7.090 đồng lên 10.700 đồng); giá cổ phiếu DDV của công ty Cổ phần DAP – VINACHEM tăng hơn 27% (từ 6.300 đồng lên 8.000 đồng). Kết thúc phiên giao dịch ngày 7/8, giá cổ phiếu QBS đã tăng trần, đóng cửa ở mức 11.400 đồng, còn cổ phiếu DDV tăng từ 7.800 đồng lên 7.900 đồng.
Ngoài ra, giá cổ phiếu của hai doanh nghiệp có tốc độ tăng trưởng lợi nhuận dẫn đầu ngành là Phân bón Dầu khí Cà Mau và Supe Phốt phát và Hóa chất Lâm Thao cũng có những chuyển biến tích cực.
Như vậy, việc áp thuế tự vệ này có lợi cho doanh nghiệp nhưng bất lợi cho người nông dân và sản xuất nông nghiệp.
Ông Vũ Duy Hải – Tổng Giám đốc công ty Cổ phần Vinacam (Tp.HCM) – nhận định: “Các công ty nhập khẩu sẽ cộng thuế vào giá nhập và tăng giá bán. Nhiều doanh nghiệp còn hàng tồn sẽ được lợi do được hưởng giá mới. Cuối cùng, chỉ nông dân chịu thiệt vì phải mua phân bón giá cao”.
Cùng quan điểm, chuyên gia kinh tế Bùi Trinh cho rằng việc áp thuế tự vệ với các sản phẩm đầu vào của ngành nông nghiệp không chỉ tác động trực tiếp tới nông nghiệp mà còn tác động lan tỏa đến cả nền kinh tế.
“Áp thuế tự vệ với phân bón có thể làm chi phí trung gian tăng lên, giá thành sản phẩm tăng, giảm sức cạnh tranh, nông dân mất lãi và quan trọng là giá trị gia tăng của toàn bộ nền kinh tế giảm đi”, ông Trinh phân tích.
Trong công văn gửi Bộ Công Thương ngày 24/5 về việc điều tra áp dụng biện pháp tự vệ đối với mặt hàng phân bón DAP trước khi bộ ban hành quyết định chính thức, Vinacam cho rằng việc áp dụng thuế tự vệ phân bón sẽ gây thiệt hại cho nông dân nên cơ quan quản lý cần phải tính toán kỹ.
Những dự báo về khả năng phân bón sẽ “nhảy múa” từ đầu tháng 9/2017 đang khiến người nông dân hoang mang. Ông Hồ Đắc Uy (Mộc Hóa, Long An) chia sẻ: “Chúng tôi đang gồng mình với lũ, giờ lại nghe phân bón sắp tăng giá. Phân bón chiếm tới 25% chi phí sản xuất, nếu tăng thêm còn lời lãi gì nữa”.
Ông Phan Minh Đức – Chủ nhiệm HTX Đức Hòa (Tiền Giang) – bức xúc: “Việc áp thuế chắc chắn sẽ đẩy giá phân tăng lên, nông dân lại gánh phần thiệt thòi. Chi phí sản xuất tỷ lệ thuận với các loại vật tư, phân bón, nếu thời gian tới, giá lúa không tăng, nông dân sẽ lâm vào cảnh thua lỗ nặng”.
Thực tế, DAP và MAP là thành phần sản xuất các loại phân bón chính được sử dụng hiện nay nên khi sản phẩm này tăng giá sẽ ảnh hưởng lớn đến nông dân và sản xuất nông nghiệp. Vì vậy, các bộ, ngành, cơ quan quản lý cần cân nhắc để hài hòa lợi ích của doanh nghiệp và quyền lợi người nông dân.
Văn Nguyễn