Ghi nhận vào thượng tuần tháng 10/2024 từ Bộ phận phân tích thuộc Công ty chứng khoán SSI thông qua hội thảo gặp gỡ doanh nghiệp (DN) Việt Nam do GS và SSI tổ chức, đó là các nhà đầu tư chủ yếu lo ngại về triển vọng phục hồi đơn hàng của CTCP Sợi Thế Kỷ (STK) do công ty này có tốc độ phục hồi chậm hơn so với các công ty may mặc trong nước khác.
Còn nhiều khó khăn đeo bám
Theo SSI, phía STK chia sẻ rằng tính đến tháng 8/2024 công ty mới chỉ hoàn thành 6% kế hoạch lợi nhuận sau thuế năm 2024, trong khi đơn hàng năm 2025 vẫn chưa có. Ban lãnh đạo STK giải thích rằng điều này là do vấn đề với dây chuyền kiểm tra sản phẩm tự động vẫn chưa được khắc phục, trong khi mức tồn kho của các thương hiệu thời trang thể thao chưa giảm.
Vẫn còn nhiều khó khăn đeo bám các DN công nghiệp chế biến, rất cần thêm những giải pháp “tiếp sức” hiệu quả hơn. |
Cần nhắc thêm, hồi quý 2/2024, STK đã lỗ trước thuế hơn 55 tỷ đồng. Tình trạng thua lỗ trầm trọng được cho là vì doanh số bán thấp giữa bối cảnh nhu cầu thị trường còn yếu, trong khi giá vốn có xu hướng tăng mạnh, ảnh hưởng trực tiếp đến lợi nhuận.
Trong khi đó, một công ty sợi khác là CTCP Đầu tư và Thương mại Vũ Đăng (Sợi Vũ Đăng) trong tháng 10/2024 này đang có dự định “lấn sân” sang lĩnh vực bất động sản sau thời gian gặp khó khăn với mảng kinh doanh cốt lõi là sản xuất sợi (chuyên về sản xuất và cung cấp các loại sợi OE cho thị trường trong và ngoài nước). Hồi năm rồi công ty này ghi nhận mức lỗ sau thuế kỷ lục gần 37 tỷ đồng, còn nửa đầu năm nay lãi sau thuế đạt gần 963 triệu đồng.
Với ngành Sợi, theo giới quan sát, các DN vẫn còn bất lợi do phải đối mặt với sự trồi sụt của giá bông và chưa có sự cải thiện về giá bán sợi. Như chia sẻ của ông Cao Hữu Hiếu, Tổng giám đốc Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex), trong 9 tháng đầu năm 2024, mặc dù đã giảm lỗ 80-85% so với năm 2023, nhưng các DN vẫn gặp nhiều khó khăn.
Bên cạnh vấn đề của DN ngành Sợi, với nhóm ngành dệt may nói chung, vẫn còn nhiều áp lực phải đối mặt dù sắp sửa bước vào mùa tiêu dùng cuối năm. Đó là khó khăn việc tiếp cận nguồn vốn để duy trì sản xuất và mở rộng hoạt động kinh doanh (các DN đang rất cần các chính sách giảm lãi suất cho các khoản vay trung hạn và hỗ trợ tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi), áp lực về thời gian giao hàng, đơn giá chưa cải thiện, chất lượng sản phẩm yêu cầu khắt khe hơn, sức tiêu dùng chưa cải thiện nhiều.
Trên thực tế, cùng với nhóm ngành dệt may thì khó khăn vẫn còn đeo bám nhiều lĩnh vực khác nếu nhìn vào những bất ổn, biến động trong nội bộ hoặc trong chiến lược sản xuất kinh doanh của các DN. Chẳng hạn như mới đây CTCP tập đoàn Lộc Trời có đề nghị cơ quan có thẩm quyền thực hiện biện pháp ngăn chặn đối với ông Nguyễn Duy Thuận, nguyên Tổng giám đốc với cáo buộc có hành vi gian dối, có dấu hiệu vi phạm pháp luật, gây thất thoát tài sản.
Điều đáng nói, đến tháng 10/2024 nhưng Lộc Trời vẫn chưa công bố báo cáo tài chính quý 2/2024, báo cáo tài chính bán niên 2024. Trước đó, DN này đã lỗ 96 tỷ đồng trong quý 1/2024 và gặp khó khăn về dòng tiền.
Cần thêm những giải pháp “tiếp sức” hiệu quả
Hay như trường hợp một DN trong ngành thép là CTCP Đầu tư thương mại SMC do gặp nhiều khó khăn trong hoạt động kinh doanh cốt lõi (trong bối cảnh giá thép duy trì ở mức thấp, nhu cầu thép trong nước chưa phục hồi) cho nên đã liên tục bán tài sản trong ba quý liên tiếp của năm 2024 để cứu nguy dòng tiền.
Những đánh giá mới nhất cho thấy ngành thép sẽ khó đạt mức tăng trưởng cao như kỳ vọng trong năm nay do lượng hàng tồn kho còn khá lớn. Nhất là tình trạng cung vượt cầu của nhiều sản phẩm thép trong nước cùng sự gia tăng thép nhập khẩu từ nước ngoài đang làm cho sự cạnh tranh về giá cả mặt hàng sắt thép thành phẩm nội địa trở nên khốc liệt. Không những thế, ngành này còn đối mặt với nhiều vụ kiện phòng vệ thương mại và những trường hợp cạnh tranh không lành mạnh. Tất cả khiến cho việc thoát khó của các DN thép trở nên đầy nặng nề.
Nhân tiện, cũng nên nhắc đến báo cáo xu hướng sản xuất kinh doanh ngành công nghiệp chế biến trong quý 3/2024 và dự báo quý 4/2024 do Tổng cục Thống kê thực hiện. Theo đó, khó khăn lớn nhất của DN là việc tìm kiếm và mở rộng thị trường đầu ra cho sản phẩm. Cụ thể, trong quý vừa qua, có 53% DN gặp khó khăn do nhu cầu thị trường trong nước vẫn ở mức thấp; 50,6% DN gặp khó khăn do sự cạnh tranh của các hàng hóa trong nước ngày càng cao và 31,6% DN gặp khó khăn do nhu cầu hàng hóa tại các thị trường quốc tế vẫn chưa hoàn toàn phục hồi trở lại.
Ngoài ra, đánh giá về các yếu tố đầu vào cho sản xuất kinh doanh thì dòng vốn vẫn là điểm nghẽn lớn nhất của DN với 27,5% DN gặp khó khăn về tài chính; 21,7% DN gặp khó khăn do lãi suất vay vốn cao. Để giảm áp lực chi phí đầu vào tăng cao trong thời gian tới, có 43,4% DN kiến nghị Nhà nước tiếp tục giảm lãi suất cho vay để DN có nguồn vốn cho sản xuất kinh doanh.
Xét về khó khăn dòng tiền, có thể liên hệ với các DN trong ngành đồ gỗ. Để DN có thêm thời gian xoay xở và duy trì hoạt động, theo kiến nghị của ông Nguyễn Liêm, Chủ tịch Hiệp hội Chế biến gỗ Bình Dương, Ngân hàng Nhà nước cần chỉ đạo các ngân hàng thương mại cơ cấu lại nợ và gia hạn thời gian thanh toán các khoản vay.
Ông Liêm cho rằng do tài sản bảo đảm của DN là bất động sản đã giảm giá trị nên hạn mức tín dụng cũng bị giảm, cộng với việc doanh thu và lợi nhuận sụt giảm nên càng khó tiếp cận vốn vay. Đáng lo là tình trạng tồn kho khiến nhiều DN bị đóng băng dòng tiền và không đủ khả năng thanh toán các khoản vay đến hạn. Không những vậy, các DN còn đối mặt cạnh tranh ngày càng gay gắt trên thị trường, cùng với các yêu cầu khắt khe, tăng chi phí sản xuất và giảm lợi nhuận.
Xét chung, trước áp lực vẫn còn đè nặng như vậy, để mùa tiêu dùng cuối năm sắp đến góp phần giúp cho “bức tranh” của các DN được tươi sáng hơn đang rất cần thêm những giải pháp “tiếp sức” hiệu quả. Nhất là cần tiếp tục có biện pháp kích cầu, tăng xúc tiến thương mại, tìm thị trường mới, đối tác mới, hỗ trợ DN tham gia sâu vào chuỗi sản xuất, tháo điểm nghẽn để DN tiếp cận vốn vay dễ dàng hơn với lãi suất thấp.
Thế Vinh