Nhu cầu tiêu dùng tăng trở lại, tuy nhiên, Việt Nam không chịu áp lực quá lớn lạm phát trong năm nay. |
Theo đánh giá của các chuyên gia phân tích tại Công ty Chứng khoán Vietcombank (VCBS), áp lực lạm phát hiện nay không nhiều, chủ yếu đến từ giá dầu và giá nguyên vật liệu xây dựng. Trong khi đó, khi ca nhiễm Covid-19 xuất hiện trong cộng đồng, kéo theo làn sóng thứ 4, dẫn đến nhu cầu tiêu dùng chưa thể hồi phục và nhu cầu di chuyển, du lịch suy giảm. Ngoài ra, giá lương thực, thực phẩm có xu hướng ổn định cùng khả năng cung ứng tốt.
Theo đó, VCBS dự báo lạm phát tháng 5 giảm 0,1% so với tháng 4, tương ứng tăng 2,62% so với cùng kỳ năm trước do sức tiêu dùng phần nào bị tác động bởi làn sóng dịch mới nhất xâm nhập vào Việt Nam.
Báo cáo mới đây của TS. Cấn Văn Lực và nhóm tác giả Viện Đào tạo và nghiên cứu BIDV đã chỉ ra nhiều dấu hiệu, cho thấy áp lực lạm phát hiện tại là không quá lớn.
Theo đó, nhóm Nghiên cứu dự báo CPI bình quân 6 tháng đầu năm của Việt Nam sẽ tăng 1,85-2% so với cùng kỳ 2020 và CPI bình quân cả năm 2021 tăng khoảng 3,4-3,6% so với năm 2020 (thấp hơn so với dự báo 3,9% của IMF...), nhưng cao hơn so với mức dự báo tăng 3% của Citi Research.
Có 4 yếu tố giúp lạm phát tại Việt Nam được duy trì ở mức thấp trong năm nay. Đó là, chính sách điều hành tỷ giá ngày càng linh hoạt, chủ động đã và đang giúp tỷ giá cơ bản ổn định; Cùng với quan hệ cung - cầu ngoại tệ khá ổn, thị trường vàng được kiểm soát tốt hơn.
Bên cạnh đó, sự phối hợp chính sách, nhất là giữa chính sách tiền tệ, chính sách tài khóa và giá cả ngày càng ăn nhịp hơn.
Cuối cùng nhờ sự điều hành giá cả các mặt hàng thiết yếu ổn định, hầu như không xảy ra cú sốc giá đột biến. Chẳng hạn tình trạng giá thịt lợn tăng cao đã được kiểm soát, giảm dần từ cuối năm 2020; một số đợt sốt giá ngắn vào các thời điểm dịch Covid-19 bùng phát nhưng đã và sẽ được kiểm soát kịp thời.
Đánh giá về áp lực lạm phát trước biến động của giá xăng dầu và một số nguyên vật liệu nhập khẩu liên tục tăng, ông Trương Văn Phước, thành viên chuyên trách Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng cho rằng, trong năm 2021, theo dự báo của các chuyên gia, kinh tế thế giới sẽ tăng trưởng dương ít nhất 5,5%. Sau khi tăng trưởng âm trên 4% vào năm 2020, điều này có nghĩa nhu cầu về mọi thứ sẽ cao hơn, không ế ẩm như trước.
Dự báo giá hàng hóa, nguyên vật liệu trên thế giới cả năm tăng trung bình khoảng 20%. Riêng giá dầu, trong 3 tháng qua đã tăng gần 30%, giá thép tăng trên 12%...
Với kinh tế Việt Nam, thành công trong chống dịch Covid-19 đã giúp cho kinh tế tăng trưởng 2,93% trong năm 2020, tạo ra niềm hy vọng lớn để có thể có tăng trưởng theo dự báo ít nhất là 6,5% trong năm 2021 và lạm phát có thể kiểm soát quanh mức 4%.
Trước lo ngại giá cả mặt hàng xăng dầu và nguyên liệu trên thế giới tăng trong thời gian gần đây, có nguy cơ dẫn đến lạm phát trong nước tăng. Ông Phước cho rằng, ngay cả những nền kinh tế phát triển, dự báo mức tăng lạm phát cũng chỉ ở 1,3%, trong đó đã tính tới mức tăng của nhiều mặt hàng tăng giá nhanh trong thời gian qua như xăng dầu, sắt thép, nông sản...
"Vì vậy, dù xăng dầu có tăng nhưng tôi cho rằng Việt Nam không chịu áp lực quá lớn về hiện tượng "nhập khẩu" lạm phát trong năm nay. Mối quan tâm hàng đầu của nhiều quốc gia trên thế giới là kiểm soát được dịch bệnh và phục hồi kinh tế chứ không phải lạm phát”, ông Phước cho hay.
Hoàng Hà