Một trong những câu chuyện tiêu biểu cho khó khăn này là Công ty TNHH Lập Phúc, một startup "thuần Việt" chuyên chế tạo khuôn mẫu tại TP. HCM. Từ một công ty nhỏ thành lập năm 1993 với khởi điểm là sản xuất khuôn mẫu cho đồng hồ và quạt máy, Lập Phúc đã vươn lên trở thành đối tác chiến lược của nhiều "ông lớn" trong lĩnh vực điện tử như Sanyo, Panasonic, Fujikura, Omron… Sau này, doanh nghiệp lấn sân sang khuôn mẫu ô tô, hàng loạt thương hiệu nổi tiếng như Whirlpool, Tesla, GM Motor… đã lần lượt trở thành đối tác chiến lược.
Doanh nghiệp Việt tham gia chuỗi cung ứng cho các 'ông lớn' ngành điện tử với vị thế nhỏ bé, đơn hàng bấp bênh. |
Yếu thế cạnh tranh trên “sân nhà”
Tuy nhiên, con đường đạt doanh thu xuất khẩu 4 triệu USD mỗi năm của Lập Phúc không hề bằng phẳng, cạnh tranh gay gắt với doanh nghiệp Trung Quốc tại Việt Nam là điều công ty vấp phải từ khi mới ''khai sinh".
Theo ông Nguyễn Văn Trí, người sáng lập Lập Phúc, doanh nghiệp của ông đã gặp rất nhiều khó khăn. "Khi mình mới bắt đầu, các nhà máy của Trung Quốc đã xây dựng được chỗ đứng vững chắc nên để chen chân vào được là cực khó", ông Nguyễn Văn Trí cho biết. Dù chất lượng sản phẩm tương đương, giá thành như nhau, khách hàng sẽ chọn nhà cung cấp Trung Quốc vì ưu tiên kinh nghiệm.
Điều này buộc Lập Phúc phải liên tục cải tiến dây chuyền, đầu tư máy móc thiết bị để sản phẩm có chất lượng cao hơn nhưng giá thành rẻ hơn, tăng lợi thế cạnh tranh. Tuy nhiên, không phải doanh nghiệp nào cũng may mắn có được vị trí như vậy. Hầu hết doanh nghiệp Việt đều chưa có nhiều cơ hội tham gia vào chuỗi cung ứng, nếu có thì vị thế bé nhỏ, không đóng góp được nhiều giá trị.
Thực tế cho thấy, hầu hết các doanh nghiệp Việt Nam khi tham gia vào chuỗi cung ứng ngành điện tử đều ở vị trí thấp, với đơn hàng không ổn định và giá trị gia tăng thấp. Bà Đỗ Thị Thúy Hương, Phó Chủ tịch Hiệp hội Công nghiệp hỗ trợ Việt Nam, đã thẳng thắn chỉ ra rằng, dù Việt Nam đã trở thành một trong những quốc gia xuất khẩu điện tử lớn nhất thế giới, nhưng hầu hết các thành tựu này đều nhờ vào các doanh nghiệp FDI. Chuỗi giá trị định hướng xuất khẩu vẫn chủ yếu do các công ty nước ngoài điều hành, trong khi doanh nghiệp Việt chỉ tham gia vào những công đoạn đơn giản như lắp ráp và gia công.
Bà Đỗ Thị Thúy Hương thừa nhận: “Trong chuỗi cung ứng của ngành công nghiệp điện tử, Việt Nam vẫn đang ở phần đáy của chuỗi với vị trí doanh nghiệp sản xuất nên giá trị gia tăng khá thấp”.
Nhận định của bà Hương trong một sự kiện mới đây cũng cho thấy bức tranh hiện thực về khả năng tham gia của các doanh nghiệp Việt vào chuỗi cung ứng điện tử toàn cầu: “Cùng một lượng đơn hàng nhưng doanh nghiệp FDI luôn được ưu tiên. Doanh nghiệp Việt khi có đơn hàng thì cũng là những đơn hàng “xương xẩu” nhất, thời hạn thanh toán và các yêu cầu thanh toán cũng chặt chẽ hơn”, bà thẳng thắn chỉ ra, doanh nghiệp Việt tham gia chuỗi cung ứng với vị thế đơn hàng bấp bênh, không ổn định, thậm chí bị chèn ép đơn hàng.
Không thể phủ nhận về những thành tựu của ngành công nghiệp điện tử Việt Nam trong những năm qua. Việt Nam thuộc nhóm các quốc gia xuất khẩu điện tử lớn nhất thế giới, đứng thứ 2 thế giới về xuất khẩu điện thoại di động, đứng thứ 5 về xuất khẩu máy tính và linh kiện, theo báo cáo Thương mại thế giới (World Trade Report). Tuy nhiên, cần nhìn nhận thực tế là chúng ta tham gia vào ngành điện tử chủ yếu thông qua các doanh nghiệp FDI. Chuỗi cung ứng và chuỗi giá trị định hướng xuất khẩu được điều hành chủ yếu bởi các doanh nghiệp này. Các quy trình ở trong nước chỉ giới hạn ở phạm vi chức năng rất hẹp, chủ yếu là lắp ráp, gia công đơn giản.
Ông Phạm Tuấn Anh, Phó Cục trưởng Cục Công nghiệp, Bộ Công thương nhận định, các sản phẩm điện tử thường có tuổi thọ tương đối ngắn, thường xuyên thay đổi tính năng và mẫu mã, trong khi năng lực của doanh nghiệp trong nước hạn chế, không đủ nguồn lực để đầu tư vào nghiên cứu, phát triển sản phẩm, thương hiệu. Vì vậy, các công đoạn có hàm lượng giá trị gia tăng cao vẫn phụ thuộc vào chuỗi sản xuất nước ngoài.
Bên cạnh đó, bối cảnh các quy định về sản xuất bền vững của châu Âu, Mỹ ngày một thắt chặt càng tạo thêm áp lực và gia tăng chi phí với doanh nghiệp Việt, vốn có quy mô và nguồn lực khiêm tốn.
Con đường nào cho doanh nghiệp Việt?
Quay trở lại câu chuyện của Lập Phúc, theo lãnh đạo công ty, nhờ nhiều lần được vay vốn từ quỹ kích cầu của TP HCM, doanh nghiệp đã đầu tư nhập thiết bị cao cấp, xây dựng nhà máy khang trang để các công ty đa quốc gia đến và đánh giá đạt tiêu chuẩn. Đặc biệt, công ty nhập một số máy móc đã qua sử dụng của Nhật Bản, tận dụng lợi thế tay nghề cơ khí cao để tạo ra sản phẩm tốt với chi phí rẻ hơn. Tuy nhiên, theo chia sẻ của doanh nghiệp, do phải đóng thuế nhập thiết bị tới 30% giá trị nên cuối cùng sản phẩm vẫn bị giảm tính cạnh tranh.
Không riêng trường hợp của Lập Phúc, nhiều đại diện doanh nghiệp phản ánh việc thuế áp dụng với một số sản phẩm chế tạo máy, linh kiện điện tử nhập khẩu đang không khuyến khích được sản xuất. Nhập bộ phụ tùng cho chế tạo máy thì thuế “rất đắt”, nhưng nhập nguyên máy thì mức thuế bằng 0. Hay trong linh kiện sản xuất đèn led, dây cũng bị đánh thuế làm cho sản phẩm sản xuất trong nước thua thiệt so với hàng nhập khẩu.
Theo các chuyên gia, vốn và thuế là hai yếu tố doanh nghiệp rất cần các cơ quan quản lý quan tâm định hướng, hoàn thiện chính sách hỗ trợ, tạo bệ đỡ nâng cao năng lực cạnh tranh. Tuy nhiên, chính doanh nghiệp cũng phải chủ động, tận dụng các cơ hội dù là nhỏ nhất để tìm kiếm chỗ đứng của riêng mình.
“Khi chúng tôi đưa doanh nghiệp tham gia các hội chợ thương mại, có nhiều cơ hội tiếp xúc với các đơn hàng quy mô nhỏ rất 'vừa miếng' với doanh nghiệp Việt. Thậm chí, có những đơn hàng không yêu cầu gì lớn về mặt công nghệ, chỉ đơn giản như tủ lạnh cỡ nhỏ, có chức năng cơ bản để đặt vào chuỗi khách sạn của các doanh nghiệp Thụy Điển, Na Uy. Hiệp hội có gửi thông tin nhưng số lượng doanh nghiệp tương tác với đơn hàng rất hạn chế. Đơn hàng nhỏ gắn với xu thế tiêu dùng thiết yếu không ít nhưng doanh nghiệp Việt cứ kỳ vọng đơn hàng lớn”, bà Hương cho rằng doanh nghiệp đừng mơ quá cao quá xa kẻo vuột mất cơ hội cận kề.
Ông Vũ Tú Thành, Phó Giám đốc điều hành, Hội đồng Kinh doanh Hoa Kỳ - ASEAN gợi ý, Việt Nam có cơ hội sản xuất các sản phẩm chiến lược trong ngành điện tử như drone tầm gần: “Trên thế giới không có nhiều quốc gia sản xuất được mặt hàng này, ngoài Trung Quốc. Thị trường drone tầm gần toàn cầu năm 2023 là hơn 63 tỷ USD. Các kỹ sư và doanh nghiệp Việt hoàn toàn có thể thiết kế và sản xuất sản phẩm này. Thậm chí có doanh nghiệp có thể sản xuất mà không phụ thuộc vào chuỗi cung ứng của Trung Quốc, hoàn toàn đáp ứng tiêu chuẩn của Mỹ”.
Ngoài ra, camera an ninh tích hợp AI cũng là sản phẩm doanh nghiệp điện tử Việt hoàn toàn có khả năng sản xuất và lấp vào khoảng trống nhu cầu Trung Quốc để lại sau khi bị các nước khác từ chối nhập khẩu mặt hàng này.
Các chuyên gia nhấn mạnh, đẩy mạnh liên kết doanh nghiệp, nắm bắt các xu thế quốc tế về phát triển bền vững là chìa khoá để doanh nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh và tham gia sâu vào chuỗi cung ứng.
Ông Phạm Văn Tài, Tổng giám đốc Tập đoàn Trường Hải – Thaco Các doanh nghiệp nhỏ khi mới bắt đầu tham gia chuỗi cung ứng, đừng thấy khách hàng ép giá mà sợ hay bỏ cuộc. Cần xem đó là một áp lực, thách thức, vượt qua được sẽ có chỗ đứng trong chuỗi cung ứng. Những đối tác lớn ban đầu thường ép giá nhưng nếu được thì họ lại đặt hàng số lượng lớn và hợp tác lâu dài. Họ ép để chúng ta có động lực tiếp tục nghiên cứu cải tiến mình. Bà Nguyễn Thị Xuân Thúy, chuyên gia nghiên cứu Công ty NC Network Việt Nam Doanh nghiệp kỳ vọng ở Chính phủ vấn đề vốn và thuế. Đối với doanh nghiệp nhu cầu về vốn rất lớn. Nhiều doanh nghiệp nhìn thấy cơ hội nhưng không dám đầu tư hoặc không có nguồn hỗ trợ nào để đầu tư. Đặc biệt lãi suất cho vay cao thì doanh nghiệp càng quan ngại, cơ hội có nhưng không dám tận dụng. TS Lê Duy Bình, Giám đốc điều hành Economica Việt Nam Để gia nhập sâu hơn vào chuỗi cung ứng toàn cầu cần nỗ lực của doanh nghiệp trong việc nâng cao năng lực cạnh tranh. Tuy nhiên, những nỗ lực tự thân đó sẽ thuận lợi hơn nếu các điều kiện về thể chế, chính sách, môi trường kinh doanh thông thoáng, an toàn, để doanh nghiệp mạnh dạn đầu tư công nghệ, đổi mới sáng tạo, nghiên cứu và phát triển. |
Đỗ Kiều