Đơn hàng có nhưng không dám nhận hoặc nhận rồi nhưng rơi vào tình trạng "dở khóc, dở cười" do giá nguyên liệu bị đẩy lên cao, nếu tiếp tục làm, doanh nghiệp (DN) phải chịu thua lỗ…
Đề cập tới câu chuyện thiếu nguyên liệu, chắc chắn không thể bỏ qua ngành điều. Thống kê của Bộ NN&PTNT cho thấy Việt Nam là quốc gia nhập khẩu (NK) điều thô lớn nhất và châu Phi là khu vực cung cấp nguyên liệu dồi dào nhất cho Việt Nam. Tuy nhiên, sự liên kết, hợp tác giữa hai phía chưa thật sự chặt chẽ khi vấn đề chất lượng điều thô NK vẫn luôn là quan ngại của DN Việt Nam.
Bấp bênh đầu vào
Do phụ thuộc nguồn điều NK nên giá cả bấp bênh. Một DN chế biến, xuất khẩu (XK) điều ở Bình Phước cho biết, năm nay công ty phải nhập khoảng hơn 1.000 tấn điều từ nước ngoài, chiếm 2/3 lượng điều mà DN sản xuất. Đến nay, công ty mới nhập được 500 tấn do giá nguyên liệu tăng cao đột biến.
"Chúng tôi ký hợp đồng với giá 37.000 đồng/kg nhưng việc giá điều nhập từ cảng cán mốc 50.000 đồng/ kg khiến công ty không thể nhập tiếp. Công ty đành phải chấp nhận bỏ cọc 10% tổng lượng hàng ký cho đợt này là 200 tấn. Giá cả biến động, lãi suất ngân hàng tăng cao khiến cho DN gặp khó", đại diện DN này chia sẻ.
Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường cho biết ngành điều hiện đang phải nhập tới 70% nguyên liệu. "Đó là một bất cập. Chúng ta phải giải được bài toán này", ông Cường nói.
Với ngành thủy sản, bà Nguyễn Thị Thu Sắc, Phó Chủ tịch Hiệp hội Chế biến và XK thủy sản Việt Nam (Vasep), chia sẻ nguồn nguyên liệu là vấn đề được quan tâm trong chế biến, XK thủy sản. Tuy nhiên, DN thủy sản vẫn luôn khó khăn trong việc chủ động nguyên liệu phục vụ cho chế biến XK. Trong quý II/2018, một số DN thiếu đến 60-80% nguyên liệu, cao hơn gấp đôi so với mức 30- 40% trong quý I.
Ông Trần Ngọc Tươi, Giám đốc công ty TNHH Thủy sản Vĩnh Thuận Sài Gòn, cho hay để chủ động nguồn nguyên liệu chế biến hàng XK, DN này phải nhập đến 70% tôm sú từ Ấn Độ, Đài Loan… Tuy nhiên, khách hàng của công ty lại thích thủy sản đánh bắt ở vùng biển Việt Nam hơn, nếu không đáp ứng được yêu cầu, họ sẽ ngưng đặt đơn hàng.
Riêng đối với cá tra, Bộ NN&PTNT cũng cho biết, tại thị trường trong nước, giá cá tra nguyên liệu ở Đồng bằng sông Cửu Long trong tháng 10 tiếp tục xu hướng tăng so với tháng trước, mức giá trung bình hiện trong khoảng 34.500-35.500 đồng/kg (cá loại I, 700- 900gram/con), có lúc đạt đến 36.000 đồng/kg tại các vùng sản xuất như An Giang, Vĩnh Long, Đồng Tháp…, tăng khoảng 3.000 đồng/kg so với tháng trước, xác lập mức kỷ lục cao nhất trong 10 năm qua.
Giá cá tra tăng cao liên tục trong hơn một tháng qua do nguồn cá nguyên liệu phục vụ cho chế biến XK đang bị thiếu hụt. Vùng cá nguyên liệu tự thả nuôi của các DN không còn nhiều nên các DN buộc phải ra bên ngoài tìm mua cá tra của nông dân, đẩy giá tăng cao để thu mua được cá.
Theo bà Sắc, nguyên nhân dẫn đến sự thiếu hụt nguyên liệu thủy sản là do dự báo nguồn cung nguyên liệu thiếu chính xác, nên mất cân đối cung – cầu. Bên cạnh đó, nguồn hải sản đánh bắt gần bờ đã cạn kiệt đến mức báo động, trong khi nuôi trồng thủy sản giảm sản lượng do biến đổi khí hậu, xâm nhập mặn và dịch bệnh, dẫn đến thiếu hụt nguồn nguyên liệu.
Hay với mặt hàng sắn, trong thời gian sắp tới, giá XK sắn lát của Việt Nam được dự báo vẫn giữ ở mức tương đối cao. Tuy nhiên, nguồn cung sắn lát Việt Nam khan hiếm khi vụ mới chưa bắt đầu, lượng sắn lát tồn kho của vụ trước còn rất ít, các DN chế biến sắn vì vậy hoạt động cầm chừng.
Chất lượng điều thô NK vẫn luôn là quan ngại của doanh nghiệp |
Đẩy mạnh liên kết
Đối với mặt hàng gạo, Bộ NN&PTNT triển khai cánh đồng mẫu lớn, nhưng tới nay chỉ có khoảng chưa đến 5%. Theo các chuyên gia, vướng mắc đầu tiên là hạn điền. Thực tế, muốn xây dựng vùng nguyên liệu, DN phải tập hợp nhiều nông dân. Tuy nhiên, khi làm cánh đồng như vậy, đất là của dân chứ không phải của DN, nên các DN có thể bẻ kèo, nông dân cũng có thể bán cho người khác, vì vậy mà DN khó đầu tư.
Tình trạng nguồn nguyên liệu cho sản xuất trong nước còn thiếu và không ổn định, nguyên liệu NK chiếm tỷ trọng lớn dẫn đến các DN không chủ động được số lượng, chất lượng, giá nguyên liệu, ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh.
Ông Nguyễn Đỗ Anh Tuấn, Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn, cho rằng do thiếu vốn, nhiều DN khó liên kết với nông dân đầu tư xây dựng vùng nguyên liệu sản xuất, nên không thực hiện được hợp đồng XK. Thậm chí, một số DN chào hàng ở nước ngoài, khi tìm được đối tác ký hợp đồng mới quay trở về gom hàng. Trong khi đó, DN không thể lường được tình huống thực tế phát sinh nhiều vấn đề phức tạp.
Để xây dựng vùng nguyên liệu, bà Vũ Thị Vân Phượng, Chủ tịch Hội đồng quản trị CTCP VietRAP Đầu tư – Thương mại, cho rằng DN tạo mối liên kết với nông dân thông qua cách làm như giữ vai trò chính là quản lý, phân phối, cung ứng vật tư nông nghiệp đầu vào và bao tiêu đầu ra cho các HTX, nông dân trong vùng và liên vùng. Bên cạnh đó, các cơ quan quản lý nhà nước cần hỗ trợ DN về nguồn vốn vay ưu đãi, chính sách thuế, đất đai, các chương trình khuyến nông…
Theo Bộ NN&PTNT, sắp tới sẽ triển khai thí điểm vùng nguyên liệu nông sản an toàn, trong đó Nhà nước bảo đảm hỗ trợ 100% kinh phí xây dựng cơ sở hạ tầng. Trong trường hợp ngân sách nhà nước chưa thể bố trí kinh phí hỗ trợ, cần khuyến khích DN đầu tư trên cơ sở thỏa thuận, thống nhất với cấp tỉnh và chi phí đầu tư được khấu trừ vào phần thuế phải nộp hàng năm của DN.
Đi vào cụ thể một số ngành, Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NN&PTNT) khuyến nghị DN cần chủ động nguồn nguyên liệu điều để tránh phụ thuộc vào NK, đầu tư sản phẩm chế biến sâu để tăng giá trị XK.
Dự báo dịp cuối năm, XK thủy sản sẽ khả quan, đặc biệt là tôm và cá tra. Chính vì thế, các địa phương cần ổn định vùng trồng, khuyến khích các mô hình liên kết giữa nông dân và DN chế biến XK để đảm bảo sản xuất bền vững.
Lê Thúy
PGs.Ts. Đinh Trọng Thịnh - Học viện Tài chính Việt Nam cần xây dựng vùng nguyên liệu phục vụ sản xuất và chế biến, tránh tình trạng phụ thuộc nguyên liệu NK, giá cả bấp bênh, khi có khi không. DN có thể đứng ra làm, liên kết với nông dân nhưng cần có sự hỗ trợ của Nhà nước về chính sách, tạo thuận lợi về đất đai, vốn. Ts. Lê Văn Bảnh - Nguyên Viện trưởng Viện Lúa Đồng bằng sông Cửu Long DN XK gạo phải có vùng nguyên liệu ổn định. Nếu không, DN khó quản lý được đầu vào (giống, dư lượng thuốc bảo vệ thực vật), như vậy sẽ không xây dựng được thương hiệu cho gạo Việt Nam. Ông Vũ Văn Chung - Phó Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài Hiện có khá ít dự án đầu tư phát triển vùng nguyên liệu khiến cho các ngành hỗ trợ cho chế biến thực phẩm như trồng trọt, chăn nuôi chưa phát triển theo mô hình hiện đại, đạt chuẩn. Trong bối cảnh Việt Nam tham gia hàng loạt hiệp định thương mại tự do, đây là cơ hội để thu hút các dự án đầu tư nước ngoài tham gia vào việc xây dựng vùng nguyên liệu phục vụ ngành công nghiệp chế biến. |