Mới đây, ông Nguyễn Bích Lâm, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê, cho biết nền kinh tế Việt Nam hiện nay đang rất phụ thuộc vào nguyên vật liệu NK bên ngoài, bao gồm cả doanh nghiệp (DN) trong nước và DN có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI).
Nhập siêu có thể trở lại
Ông Lâm phân tích: Kim ngạch hàng hóa NK năm 2017 ước tính đạt 211,1 tỷ USD, tăng 20,8% so với năm trước, trong đó có 91,4% NK tư liệu sản xuất, NK tư liệu tiêu dùng chỉ còn 8,6%.
“Nền kinh tế phụ thuộc vào bên ngoài như Việt Nam, nếu tốc độ tăng trưởng cao, dứt khoát phải NK nguyên liệu để có được sản xuất công nghiệp chế biến, chế tạo”, ông Lâm nói.
Đặc biệt, đại diện Tổng cục Thống kê cho rằng khi nền kinh tế phụ thuộc nhiều vào NK mà cả nước vẫn xuất siêu đã chứng minh nỗ lực của cộng đồng DN và Chính phủ. Trong đó, Bộ NN&PTNT cùng Bộ Công Thương đã năng động, tích cực tìm kiếm thị trường xuất khẩu (XK), nhất là việc mở đường cho thanh long, xoài và sắp tới là XK vú sữa sang Mỹ cũng như thị trường nước ngoài khác.
Tuy nhiên, nhìn toàn bộ nền kinh tế, ông Lâm lưu ý, chúng ta mới xuất siêu hàng hóa, còn vẫn nhập siêu dịch vụ rất lớn.
Tổng cục Thống kê cho biết kim ngạch XK dịch vụ năm 2017 ước tính đạt 13,1 tỷ USD, tăng 7% so với năm 2016. Kim ngạch NK dịch vụ năm 2017 ước tính đạt 17 tỷ USD, tăng 1,6% so với năm trước, trong đó NK dịch vụ vận tải đạt 8,2 tỷ USD, chiếm 47,9% tổng kim ngạch NK và giảm 2,8%; dịch vụ du lịch đạt 5,1 tỷ USD, chiếm 29,8% và tăng 12,7%. Nhập siêu dịch vụ năm 2017 là 3,9 tỷ USD, bằng 29,9% kim ngạch XK dịch vụ.
Thêm vào đó, trao đổi với Thời báo Kinh Doanh, PGs.Ts. Phạm Tất Thắng, Nghiên cứu viên cao cấp, Viện Nghiên cứu thương mại (Bộ Công Thương), phân tích: Xét từng thị trường cụ thể, Việt Nam vẫn rơi vào tình trạng nhập siêu từ các quốc gia gần như ASEAN, Trung Quốc và Hàn Quốc.
Ông Thắng đánh giá thời gian qua, may mà cán cân thương mại tạm thời cân bằng, thậm chí có biểu hiện xuất siêu đối với Mỹ, châu Âu, Nhật Bản, Australia. Tuy nhiên liệu điều này có kéo dài không. Hiện nay, đa phần những nước mà Việt Nam đang xuất siêu đều yêu cầu làm thế nào để cân bằng cán cân thương mại. Nếu điều này được hiện thực hóa, nhập siêu từ Hàn Quốc, Trung Quốc, ASEAN sẽ làm cho Việt Nam quay trở lại tình trạng nhập siêu.
Hơn nữa, mặc dù cả năm nay, Việt Nam xuất siêu 2,7 tỷ USD nhưng trong năm 2018, nhiều yếu tố khiến nền kinh tế có thể nhập siêu, trong đó có việc giảm ồ ạt nhiều dòng thuế từ các nước ASEAN, cùng nhiều hiệp định thương mại tự do (FTA) mà Việt Nam cam kết dỡ bỏ thuế quan.
Ts. Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, cũng đã nhiều lần chỉ ra rằng những con số xuất siêu ấy có thể lại là do sự đình trệ trong sản xuất. Một khi nền kinh tế quay lại quỹ đạo tăng trưởng cao như trước đây, nhập siêu lớn sẽ quay trở lại.
![]() |
Thâm hụt thương mại của nền kinh tế chủ yếu do thâm hụt từ khu vực kinh tế trong nước
Hạn chế nhập hàng tiêu dùng
Bên cạnh đó, nói về độ mở của nền kinh tế Việt Nam, Ts. Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), nhận định: Độ mở của nền kinh tế ở mức cao và liên tục gia tăng, thành tựu về XK của nước ta vượt xa các nước khác trong khu vực. Nhưng tăng trưởng XK chủ yếu là từ khu vực FDI.
Cụ thể, tăng trưởng XK của khu vực FDI trung bình đạt 25,6%/năm trong giai đoạn 2000 – 2006 và 11,6%/năm trong giai đoạn 2007 – 2016. Tuy nhiên, tỷ trọng của FDI trong giá trị XK tăng gần như liên tục từ 47% năm 2000 lên 57,2% năm 2007 và 71,2% trong 11 tháng đầu năm 2017. Trong khi đó, NK của khu vực FDI gắn nhiều hơn với nhu cầu sản xuất gia công – chế biến XK.
Vì vậy, ông Cung nhấn mạnh: Nếu thâm hụt thương mại của nền kinh tế thời gian tới xuất hiện, chủ yếu do thâm hụt từ khu vực kinh tế trong nước, do khu vực trong nước thiếu liên kết, tự chủ nguồn nguyên liệu đầu vào sản xuất.
Vậy nếu rơi vào tình trạng nhập siêu thì có đáng lo? Một số chuyên gia cho rằng nếu NK để phục vụ sản xuất nhằm đẩy mạnh XK thì có thể chấp nhận được, song nếu NK nhiều mặt hàng tiêu dùng mà trong nước sản xuất được thì đây là điều rất đáng lo ngại.
Cụ thể, chuyên gia Phạm Tất Thắng lưu ý nhập siêu của Việt Nam với Hàn Quốc chủ yếu là công nghệ, nguyên vật liệu như máy móc, linh kiện… Nhưng nhập hàng hóa từ Trung Quốc, Thái Lan và một số nước ASEAN lại có vấn đề.
Chẳng hạn như nhập siêu từ Trung Quốc, bên cạnh những mặt hàng tiêu dùng, Việt Nam vẫn đang NK nhiều loại máy móc có công nghệ lỗi thời. Hay nhập siêu từ Thái Lan nói riêng và các nước trong khu vực ASEAN nói chung chủ yếu là NK hàng tiêu dùng.
“Điều này phản ánh sức sản xuất hàng tiêu dùng của Việt Nam yếu, đặc biệt là khu vực có vốn 100% trong nước, cần phải có sự tái cơ cấu lại”, ông Thắng nói.
Mặt khác, ông Thắng nêu quan điểm: “Thực trạng nền kinh tế của Việt Nam hiện nay thì nhập siêu mới là đủ, còn xuất siêu chỉ mang tính chất tạm thời, không bền vững”.
Ông Thắng giải thích, nhập siêu và xuất siêu là chỉ tiêu vĩ mô quan trọng, nếu cân bằng được là tốt. Tuy nhiên, trong giai đoạn công nghiệp hóa, hiện đại hóa mạnh mẽ như hiện nay, việc nhập thiết bị, công nghệ với giá trị lớn, nhập siêu là chuyện phải xảy ra.
Đặc biệt, trong thời gian vừa qua, chúng ta có chủ trương phát triển ngành sản xuất công nghiệp hỗ trợ nên phải NK công nghệ với số lượng lớn. Hiện tại, có thể chúng ta nhập siêu nhưng trong tương lai, cán cân thương mại sẽ được cân bằng, tiến tới xuất siêu.
Tuy nhiên, ông Thắng cho rằng thời gian qua, chúng ta chưa kiểm soát được điều này. Nguyên nhân là do 3 “nút thắt” lớn một phần đã được đề cập ở trên: Chưa nhập được nhiều công nghệ máy móc hiện đại; nhiều mặt hàng trong nước sản xuất dư thừa mà vẫn nhập nhiều; việc tận dụng được các ưu đãi thuế quan để đẩy mạnh XK hàng hóa vào nhiều thị trường chưa mang tới kết quả cao.
Vậy nên, câu hỏi “nhập siêu có đáng lo” luôn là nỗi ám ảnh nền kinh tế Việt Nam.
Lê Thúy
Ông Trần Thanh Hải - Thứ trưởng Bộ Công Thương Mục tiêu quan trọng nhất đối với Việt Nam là đảm bảo duy trì cán cân thương mại hợp lý. Tuy nhiên, thế nào là hợp lý thì cần đánh giá trên nhiều khía cạnh, con số nhập siêu hay xuất siêu sẽ có ảnh hưởng thế nào đến cán cân thương mại, dòng ngoại tệ mà chúng ta cần để mức nhập siêu không quá lớn so với tổng cán cân thương mại. Ông Nguyễn Bích Lâm - Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê Nền kinh tế Việt Nam tăng trưởng nhờ độ mở lớn, điều này phản ánh tăng trưởng phụ thuộc vào nhu cầu và nguyên liệu bên ngoài. Đặt ra bài toán trong năm 2018 là các nhà hoạch định chính sách, bộ ngành và địa phương cần chú trọng tới hoạt động xuất nhập khẩu, đặc biệt là thúc đẩy XK tăng trưởng tốt. Nếu nhập siêu tăng, tăng trưởng sẽ giảm; ngược lại xuất siêu tăng, tăng trưởng sẽ tăng. Ts. Phạm Tất Thắng - Nghiên cứu viên cao cấp Viện Nghiên cứu thương mại Làm thế nào nâng cao năng lực sản xuất hàng tiêu dùng, một mặt chúng ta nhập hàng tiêu dùng từ ASEAN, mặt khác tìm cách đẩy mạnh XK hàng tiêu dùng của Việt Nam sang các nước này. Để làm được điều đó, chỉ có cách duy nhất là tập trung nâng cao năng lực sản xuất trong nước với mặt hàng tiêu dùng có chất lượng cao, phù hợp với nhu cầu tiêu dùng của các nước ASEAN. |