Mới đây, trong quá trình kiểm tra sau thông quan tại công ty M. thì Cục Kiểm tra sau thông quan (Tổng cục Hải quan) phát hiện doanh nghiệp (DN) xin cấp 8 C/O (Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa) Form AI để xuất khẩu (XK) tơ tằm sang Ấn Độ có dấu hiệu vi phạm về xuất xứ, chuyển tải bất hợp pháp.
Như “tạt gáo nước lạnh”
Qua xác minh của phía hải quan thì DN này nhập khẩu tơ tằm thành phẩm từ Trung Quốc về cảng Cát Lái (Tp.HCM) rồi đưa hàng về kho nằm ngoài khu vực cảng, sau đó thay đổi bao bì, nhãn mác (thể hiện hàng hóa xuất xứ Trung Quốc) và gắn nhãn mác thể hiện xuất xứ Việt Nam lên sản phẩm để XK đi Ấn Độ.
Gian lận xuất xứ gây hại cho ngành sản xuất trong nước. |
Đây được cho là hành vi lẩn tránh thuế suất cao vì mặt hàng này XK từ Việt Nam sang Ấn Độ chỉ có mức thuế 5%, trong khi nếu tơ tằm XK trực tiếp từ Trung Quốc sang Ấn Độ sẽ chịu thuế nhập khẩu 25%.
Cần lưu ý, mỗi năm Ấn Độ nhập từ 2.200 - 2.500 tấn lụa từ Trung Quốc với trị giá từ 750 - 800 triệu USD. Cách đây gần 2 tháng đã có thông tin Ấn Độ đang xem xét các kiến nghị của Ủy ban Công nghiệp làng nghề và Khadi (KVIC), chính quyền bang Karnataka và Hiệp hội Tơ lụa Ấn Độ (SAI) về việc cấm nhập khẩu lụa, tơ lụa có nguồn gốc từ Trung Quốc để hỗ trợ các nhà sản xuất trong nước.
Thông tin này được các DN trong ngành lụa tơ tằm ở Việt Nam đón nhận với hy vọng nỗ lực gia tăng sức ảnh hưởng đối với thị trường Ấn Độ để thay thế hàng Trung Quốc.
Thế nhưng, với tình trạng gian lận xuất xứ nêu trên như “gáo nước lạnh dội thẳng vào mặt” ngành lụa tơ tằm Việt. Nhất là khi các DN XK lụa tơ tằm từ Trung Quốc đang tìm cách chuyển tải ở Việt Nam để tận dụng các điều khoản miễn thuế nhằm nhập khẩu vào Ấn Độ.
Không chỉ chuyển tải với mặt hàng tơ tằm, tính từ đầu năm đến nay toàn ngành hải quan đã thực hiện kiểm tra, điều tra xác minh ít nhất 77 vụ việc, phát hiện 24 vụ việc vi phạm về xuất xứ hàng XK.
Gần đây nhất, các mặt hàng vi phạm tráo xuất xứ đã bị các đơn vị hải quan điểm mặt phổ biến ở 3 nhóm hàng: Xe đạp, xe đạp điện; pin năng lượng mặt trời và mặt hàng gỗ, nội thất từ gỗ.
Và những vụ việc gian lận xuất xứ hàng XK đã tác động nhiều đến các vụ kiện phòng vệ thương mại từ quốc gia nhập khẩu. Theo Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công Thương), số lượng vụ việc hàng hoá XK của Việt Nam đã bị điều tra phòng vệ thương mại trong 8 tháng đầu năm 2020 đã lên đến 27 vụ, nhiều hơn tổng số vụ việc trong cả năm 2019.
Cơ quan này cũng đã xây dựng hệ thống cảnh báo sớm nhiều ngành hàng, sản phẩm có nguy cơ bị kiện phòng vệ thương mại và các hoạt động đấu tranh, ngăn chặn các hành vi gian lận xuất xứ, chuyển tải bất hợp pháp.
Lo ảnh hưởng đến sản xuất nội địa
“Nếu Việt Nam không có các biện pháp tích cực để xử lý vấn đề lẩn tránh bất hợp pháp biện pháp phòng vệ thương mại, đặc biệt thông qua gian lận xuất xứ, thì có thể ảnh hưởng đến các DN, ngành hàng cụ thể, mà lâu dài còn tác động tiêu cực tới sức cạnh tranh của cả nền kinh tế nước ta đặc biệt trong bối cảnh tham gia hàng loạt hiệp định thương mại tự do (FTA) có yêu cầu cao về xuất xứ”, Cục Phòng vệ thương mại cảnh báo.
Thực tế cho thấy nguy cơ lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại, gian lận xuất xứ vẫn đang gia tăng, đặc biệt trong bối cảnh xung đột thương mại Mỹ-Trung leo thang, Việt Nam tham gia nhiều FTA thế hệ mới như Hiệp định thương mại đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) hay FTA Việt Nam - EU (EVFTA).
Trong khi đó, các quy định hiện hành trong việc xử lý tình trạng gian lận xuất xứ, chuyển tải bất hợp pháp được cho là còn khá nhẹ. Đơn cử như vụ việc tơ tằm Trung Quốc dán nhãn hàng Việt thì Cục Kiểm tra sau thông quan đã xử phạt vi phạm hành chính đối với phía DN là 60 triệu đồng và thu nộp ngân sách số tiền thu lợi bất hợp pháp gần 550 triệu đồng, ngoài ra không có động thái gì cứng rắn hơn.
Theo chuyên gia Nguyễn Thuỳ Dương (Đại học Luật Hà Nội), nếu phát hiện được các trường hợp gian lận về xuất xứ nhằm được hưởng ưu đãi thuế sẽ khiến cho các quốc gia thành viên bị thiệt hại về nguồn thu thuế, ảnh hưởng đến các ngành sản xuất nội địa, làm giảm lợi ích của việc tham gia vào các FTA.
Bà Dương cho biết: Nếu nghi ngờ có sự gian lận hoặc không chính xác của việc cấp C/O, cơ quan hải quan của quốc gia nhập khẩu sẽ yêu cầu cơ quan có thẩm quyền của quốc gia XK xác minh và gửi thông tin cho cơ quan này để quyết định xem hàng hoá có được hưởng ưu đãi thuế hay không.
Như trong CPTPP, theo bà Dương, nếu quốc gia nhập khẩu sau quá trình xác minh phát hiện ra một chuỗi hành vi tương tự của nhà XK hoặc nhà sản xuất về việc gian lận, giả mạo đối với hàng hoá nhằm được hưởng ưu đãi thuế, quốc gia nhập khẩu có thể quyết định dừng việc cho hưởng ưu đãi thuế đối với hàng hoá tương tự cho đến khi chứng minh được hàng hoá tương tự đáp ứng được điều kiện ưu đãi.
Trên thực tế, trong nhiều trường hợp đối với hình thức cấp C/O truyền thống, cơ quan có thẩm quyền của quốc gia XK và quốc gia nhập khẩu phải cùng thực hiện việc kiểm tra, xác minh sự gian lận của các thương nhân.
Thế Vinh