Câu chuyện giá phân bón tăng trong thời gian qua không phải mới xảy ra, song đến nay vẫn chưa có giải pháp căn cơ giải quyết tình huống này, thay vì đưa ra lý do mà nhiều người nhìn thấy là tăng giá vì chịu tác động bởi dịch COVID-19.
Giá phân bón nóng trở lại
Ông Lê Đức Thịnh, Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn (Bộ NN&PTNT), cho biết khảo sát nhanh cho thấy tại các địa phương thực hiện giãn cách xã hội, 90% hợp tác xã nông nghiệp đã chịu tác động tiêu cực, trong đó có tới 40% hợp tác xã bị giảm doanh thu.
Lo ngại nguồn cung phân DAP sẽ thiếu hụt vào những tháng cuối năm. |
Các hợp tác xã không chỉ gặp khó khăn về đầu ra mà đang đối mặt với bài toán nguyên liệu đầu vào gia tăng. Giá cả đầu vào tăng rất cao, trong đó có mặt hàng phân bón tăng đến 70%. "Người nông dân mong muốn nhất là trong điều kiện này giá cả đầu vào cần ổn định, thay vì bị điều chỉnh tăng một cách đột ngột", ông Thịnh nói.
Theo phản ánh từ các doanh nghiệp kinh doanh phân bón, cùng với giá Urea, Kali, DAP thế giới tiếp tục lập đỉnh mới, có thể siêu bão giá phân bón đã bắt đầu. Chia sẻ với VnBusiness, ông Nguyễn Đức An Sơn, Chủ tịch HĐQT Công ty TNHH Richfarm Việt Nam, cho biết giá phân bón tại Việt Nam đang tăng một cách "kinh khủng", theo đó giá phân DAP dự kiến tăng khoảng 25.000 đồng/kg trong khoảng thời gian từ nay đến cuối năm.
Lãnh đạo công ty Richfarm Việt Nam cho biết, mới nhận được bảng giá chào Kali tăng giá khá nhiều, kali miếng hiện tại trong nước bán 14.500 đồng/kg, bảng giá chào mới là 16.700 đồng/kg. Giá Urea, hiện tại thế giới đang chào một số lô 600 USD/tấn. Giá phân NPK các loại cũng tăng, hàng thông dụng nhất là NPK 16-16-8, tháng trước 10.400-10.800 đồng/kg, tháng này 12.000 - 12.500 đồng/kg. Nhìn chung, so sánh giá phân bón tháng 9 so với tháng 8/2021, giá tăng khoảng 20%/ tuỳ chủng loại.
Theo ông Sơn, nguyên nhân khiến giá phân bón thế giới tăng mạnh là do Trung Quốc hạn chế xuất khẩu do thiếu nguyên liệu, dẫn đến các nhà xuất khẩu phân bón từ châu Âu, Nga, các nước khác đồng loạt tăng giá lên. Ở thị trường trong nước, hai nhà máy là DAP Đình Vũ, DAP Lào Cai cũng gặp trục trặc do thiếu nguyên liệu Apatit, điều này đã đẩy giá trong nước lên cao.
Theo ông Sơn, nông dân rất chuộng phân DAP nhập khẩu nhưng doanh nghiệp cũng không dám nhập khẩu với số lượng lớn vì giá thế giới tăng, cùng với đó chi phí vận chuyển cũng đắt đỏ. Ông Sơn lo ngại từ nay đến cuối năm, Việt Nam có khả năng thiếu phân DAP do sản xuất trong nước không đáp ứng đủ.
Trả lời băn khoăn của VnBusiness về nguồn cung phân bón trong nước, ông Nguyễn Văn Thanh, Cục trưởng Cục Hóa chất (Bộ NN&PTNT), cho hay có biết tới phản ánh thông tin về phân bón nhưng nếu biết chính xác con số và tình hình thực tế thì cần liên hệ với Bộ NN&PTNT.
Khi hỏi về tình hình hoạt động trực tiếp của 2 nhà máy DAP Lào Cai, DAP Đình Vũ, Cục trưởng Cục Hóa chất cho biết "2 nhà máy này vẫn hoạt động nhưng có vẻ cầm chừng", cần liên hệ với Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp cũng như Tập đoàn Hóa chất để nắm rõ thêm về tình hình.
Ai quản lý mặt hàng này?
Tại cuộc họp báo thường kỳ của Bộ NN&PTNT diễn ra sáng ngày 5/10, ông Phùng Đức Tiến, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT cho biết, nông sản Việt Nam đang gặp rất nhiều khó khăn về chi phí. Hiện nay, chi phí vận chuyển gia tăng do container khan hiếm, giá logistics đắt đỏ. Cùng với đó, giá nguyên liệu đầu vào cũng gia tăng, đơn cử như phân bón theo phản ánh những ngày gần đây đã tăng trở lại.
Song trong báo cáo 9 tháng 2021 và kế hoạch hành động thúc đẩy sản xuất kinh doanh những tháng cuối năm 2021 của ngành nông nghiệp chưa đưa ra kịch bản về nguồn cung cũng như giải pháp hạ nhiệt thị trường phân bón trong thời gian tới.
Nêu quan điểm của mình, ông Vũ Duy Hải, Tổng giám đốc Tập đoàn Vinacam, nhìn nhận việc các cơ quan quản lý nhà nước đưa thống kê lượng sản xuất, lượng xuất khẩu, lượng nhập khẩu như vừa qua rồi cho rằng nguồn hàng không thiếu với nhận định nhu cầu không tăng hơn 2020 là đánh giá không phù hợp khách quan.
Thực tế, để sản xuất được NPK với sản lượng như hiện nay thì có lẽ quá nửa nguồn Urea, DAP, Kali đã được hút vào làm nguyên liệu cho sản xuất NPK. Khi khẳng định sản lượng NPK tăng thì đồng nghĩa, nhu cầu nguyên liệu cho sản xuất NPK sẽ tăng, do vậy nhu cầu sử dụng phân đơn cho chăm bón trực tiếp sẽ bị thiếu nghiêm trọng.
Về các biện pháp quản lý nhà nước để giảm giá phân bón (đặc biệt với các loại phân bón sản xuất trong nước, ông Hải khẳng định luôn có nhiều van điều tiết. "Song hình như các cơ quan quản lý đang bị động, hoặc quá quan tâm đến nhóm các nhà sản xuất trong nước, chưa quan tâm thích đáng và đúng mực với người sử dụng phân bón là nông dân nên vẫn loay hoay. Nếu cơ quan quản lý nhà nước chậm can thiệp thì nguy cơ nông dân bỏ ruộng là rất lớn”, ông Hải lo ngại.
Ông Hải nhìn nhận: "Thị trường không có điều tiết luôn phản ánh đúng thực tế khách quan; cung lớn hơn cầu thì giá giảm. Ngược lại, khi cung thấp hơn cầu thì giá ắt phải tăng, càng phân phối nhỏ giọt với suy nghĩ để tránh đầu cơ, nâng giá thì càng kích thích đầu cơ, nâng giá, càng dễ cho tiêu cực nảy sinh".
Theo phản ánh của một số doanh nghiệp nhập khẩu phân bón, một trong các giải pháp cấp thiết để kéo giá Urea, DAP xuống hiện nay không thể không làm đó là ngoài các biện pháp đẩy mạnh sản xuất thì cần thực hiện áp thuế xuất khẩu hoặc tạm dừng xuất khẩu, đồng thời bỏ (hoặc tạm dừng) ngay việc áp thuế tự vệ với phân DAP khi chính điều này đang tác dụng ngược góp phần đẩy giá DAP lên trần giá mới.
Tuy nhiên, câu hỏi quan trọng đang là băn khoăn với nhiều người là với tình hình "siêu bão giá" như năm 2008 đang thực sự quay trở lại, Bộ chủ quản nào sẽ chịu trách nhiệm đưa ra biện pháp bình ổn giá phân bón cho nông dân?
Lê Thúy