Cộng đồng ASEAN đã được lãnh đạo của 10 quốc gia đặt bút ký chính thức vào ngày 22/11/2015và bắt đầu từ ngày 1/1/2016, Cộng đồng ASEAN sẽ chính thức được thiết lập, trong ba trụ cột, AEC được xem là kỳ vọng lớn biến ASEAN, trở thành nền kinh tế thứ 4 thế giới với GDP đạt 4.700 tỷ USD vào năm 2020.
GDP của 10 nền kinh tế ASEAN tính đến cuối năm 2014, đạt khoảng 2.400 tỷ USD, với tiềm năng của nền kinh tế mới nổi, động lực của các quốc gia đang phát triển, quy mô GDP của ASEAN sẽ sớm đạt ngưỡng nền kinh tế lớn thứ 4 thế giới.
Nền kinh tế thứ 4 thế giới
Theo Hội Khoa học Kinh tế Việt Nam, thương mại nội khối ASEAN đã tăng trưởng ấn tượng, từ con số 89,7 tỷ USD vào năm 1993 lên 608 tỷ USD vào năm 2014. Thương mại giữa các nước ASEAN với những nền kinh tế khác bên ngoài cũng đạt 1.920 tỷ USD trong năm 2014. Đầu tư vào ASEAN cũng tăng mạnh, từ con số 115 tỷ USD năm 2012 lên mức 136 tỷ USD năm 2014, trong đó vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) nội khối ASEAN là 24 tỷ USD.
Hiện, dân số của ASEAN đạt hơn 600 triệu dân, là thị trường tiêu thụ rộng lớn của nhiều quốc gia, trong đó có Trung Quốc, Nhật Bản, các nước EU và Mỹ. Các tập đoàn xuyên quốc gia (TNCs) của các nước lớn đều đặt chi nhánh tại đây.
Với cơ cấu dân số trẻ chiếm hơn 65%, ở trung tâm vùng động lực phát triển, đa chủng tộctiêu dùng của ASEAN sẽ cao nhất so với các khu vực kinh tế Đông Á, EU hay Tây Á. ASEAN đang là cơ hội cho các DN lớn trên thế giới và cả Việt Nam…
Một trong những mục tiêu của ASEAN, đó là tạo dựng một thị trường trong đa dạng. Đây là đặc điểm dựa trên việc ASEAN bao gồm nhiều chủng tộc, dân số và tín ngưỡng. Cơ hội sẽ mở ra đối với các ngành sản xuất dựa trên các yếu tố truyền thống, sản phẩm đặc thù.
Bà Phạm Chi Lan, chuyên gia kinh tế, cho rằng AEC là cơ hội lớn cho Việt Nam bởi yêu cầu thị trường không quá khắt khe, hàng hóa cùng phẩm cấp. Các nền kinh tế ASEAN phát triển nhanh như Singapore, Thái Lan, Brunei, Indonesia sẽ đóng vai trò tương hỗ và bù trừ cho các nền kinh tế còn lại. Đồng thời, đây là thị trường rộng lớn cho hàng hóa các nước còn lại. Các nền kinh tế có sự khác biệt sẽ giúp thúc đẩy tiêu dùng và đa dạng hóa hàng hóa, sản phẩm.
Theo nghiên cứu của ADB, Việt Nam là một trong bốn nền kinh tế có lợi nhất khi AEC được thiết lập. Cụ thể, AEC sẽ thúc đẩy tăng tưởng GPD của Việt Nam thêm 14,5% và tăng trưởng việc làm thêm 10,5%. Nhưng điều này chỉ có thể đạt được nếu có được sự quản lý hợp lý và quyết liệt để thực thi một cách hiệu quả.
![]() |
AEC được xem là kỳ vọng lớn biến ASEAN trở thành nền kinh tế thứ 4 thế giới với GDP đạt 4.700 tỷ USD vào năm 2020.
Thị trường AEC,gần nhưng xa
Tuy nhiên, trên thực tế từ năm 2010, khi 6 nền kinh tế phát triển hơn trong AEC mở cửa, các nền kinh tế còn lại vẫn chưa khai thác được hết tiềm năng. Các DN Việt Nam cũng chưa thực hiện được các cuộc đổ bộ lớn vào các thị trường như Singapore, Thái Lan… Theo nhận định của Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, đầu tư của Việt Nam sang ASEAN vẫn chủ yếu trong các ngành chế biến nông - lâm - thủy sản, khai thác tài nguyên, gia công. Trong khi đó, Bộ Công Thương cho rằng, thương mại Việt Nam và các nền kinh tế ASEAN tăng trưởng cao song giá trị tăng trưởng không đột biến. Việt Nam thâm hụt cán cân thương mại nặng nề với Thái Lan, Malaysia, chỉ thặng dư cán cân thương mại với Singapore.
PGs. Ts. Nguyễn Hồng Sơn, Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội, chuyên gia về AEC, cũng cho rằng Việt Nam là một trong bốn nước được hưởng các ưu đãi về lộ trình cắt giảm thuế quan cũng như mở cửa thị trường so với 6 nước phát triển hơn. Các nước Thái Lan, Malaysia, hay Indonesia thực hiện cắt giảm thuế quan nhiều mặt hàng và mở cửa thị trường từ năm 2010.
“Chúng ta đã thực hiện bỏ thuế quan nhiều mặt hàng từ mấy năm nay, còn một số mặt hàng nhạy cảm, nhạy cảm cao vẫn được bảo hộ. Thời gian gia hạn của Việt Nam đã hết và chúng ta sẽ bắt buộc phải hội nhập từ cuối năm nay đến năm 2018”, ông Sơn phân tích.
Bên cạnh đó, theo các chuyên gia, AEC khác với WTO ở chỗ là chúng ta không chỉ mở cửa về thị trường thương mại – đầu tư, thuế – hải quan, mà chúng ta còn cam kết cải cách khu vực hành chính, bộ máy quản lý, tự do di chuyển các yếu tố cho sản xuất như: lao động kỹ năng, các chính sách hỗ trợ phát triển, hội nhập chung về cơ sở hạ tầng, điện, năng lượng của các nước ASEAN.
Với bộ máy cồng kềnh, kỹ năng quản trị kém Việt Nam sẽ phải cố gắng rất nhiều để hòa nhập cũng như khai thác hiệu quả thị trường hơn 600 triệu dân của 10 nước ASEAN, nơi quy mô các nền kinh tế mới nổi có mức tăng trưởng và tiêu dùng cao.
PGs. Sơn cho rằng cạnh tranh trong AEC sẽ rộng hơn, không chỉ trong nước mà cả ở 10 nước ASEAN. Đối thủ cạnh tranh không chỉ đến từ các doanh nghiệp nội khối mà còn đến từ các nền kinh tế lớn như Nhật, Trung Quốc, Ấn Độ, Hàn Quốc và Australia.
Ông Sơn nhấn mạnh: “ASEAN hiện ký nhiều hiệp định khu vực tự do FTA+ với nhiều đối tác ngoài khu vực nên hàng hóa từ các nước lớn vào Việt Nam cũng được những ưu đãi tương tự như hàng của các nước ASEAN”.
Lê Thúy