Theo đó, ADB đã hạ dự báo tăng trưởng kinh tế cho khu vực châu Á - Thái Bình Dương xuống còn 4,6% trong năm nay do mức tăng trưởng chậm hơn của Trung Quốc, việc thắt chặt tiền tệ mạnh mẽ hơn ở các nền kinh tế phát triển, và hậu quả từ xung đột Nga - Ukraine.
ADB hạ dự báo tăng trưởng kinh tế châu Á nhưng giữ nguyên tăng trưởng Việt Nam là 6,5% |
Triển vọng tăng trưởng khu vực châu Á - Thái Bình Dương lần này thấp hơn so với mức dự báo 5,2% của ADB hồi tháng 4. Ngân hàng cũng nâng dự báo lạm phát trong khu vực, trong bối cảnh giá lương thực và nhiên liệu cao hơn.
Tuy nhiên, ADB giữ nguyên dự báo tăng trưởng cho Việt Nam ở mức 6,5% trong năm 2022 và 6,7% trong năm 2023, như được công bố trong báo cáo tháng 4/2022.
Tăng trưởng kinh tế của Việt Nam được thúc đẩy nhờ thương mại tiếp tục mở rộng, sự phục hồi nhanh hơn dự kiến của lĩnh vực sản xuất chế tạo, đi lại trong nước và giải ngân vốn đầu tư công.
Theo ADB, giá cả hàng hóa toàn cầu tăng cao, đặc biệt là giá dầu toàn cầu sẽ làm tăng áp lực lạm phát của Việt Nam. Tuy nhiên, nguồn cung lương thực dồi dào trong nước sẽ giúp giảm áp lực trên. Do vậy, dự báo lạm phát của Việt Nam là không thay đổi so với dự báo hồi tháng 4, ở mức 3,8% cho năm 2022 và 4,0% cho năm 2023.
Liên quan đến vấn đề này, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) mới đây cũng đưa ra 2 kịch bản. Cụ thể, tăng trưởng kinh tế năm 2022 có thể đạt mức 6,7% theo kịch bản 1 và 6,9% trong kịch bản 2. Xuất khẩu cả năm dự báo tăng 15,8% trong kịch bản 1 và tăng 16,3% trong kịch bản 2. Thặng dư thương mại dự báo tương ứng ở các mức 1,2 tỷ USD và 2,5 tỷ USD. Lạm phát bình quân năm 2022 dự báo lần lượt ở mức 4,0% và 3,7%.
Theo TS. Trần Thị Hồng Minh, Viện trưởng CIEM, Việt Nam đã có kinh nghiệm xử lý tác động phức tạp của tình hình dịch bệnh COVID-19, rủi ro suy thoái kinh tế thế giới, trong khi áp lực lạm phát trong nước đã trở nên hiện hữu hơn. Dù vậy, bối cảnh 6 tháng cuối năm 2022 và năm 2023 sẽ đặt Việt Nam trước những yêu cầu cải cách và điều hành mới. Trong bối cảnh này, việc duy trì “công thức” từ những năm trước đó – duy trì ổn định kinh tế vĩ mô để tạo điều kiện cho cải cách thể chế kinh tế mạnh mẽ theo hướng thị trường hiện đại – càng có ý nghĩa quan trọng.
Theo số liệu từ Tổng cục Thống kê, tăng trưởng kinh tế quý II/2022 của Việt Nam ước đạt 7,72% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn tốc độ tăng của quý II các năm trong giai đoạn 2011-2021. Tăng trưởng kinh tế 6 tháng đầu năm 2022 tăng 6,42%, cao hơn tốc độ tăng 2,04% của 6 tháng đầu năm 2020 và 5,74% của 6 tháng đầu năm 2021. Điều này cho thấy, phát triển kinh tế đã lấy lại được đà tăng trưởng.
Tổng cục Thống kê cũng dự báo triển vọng tăng trưởng kinh tế năm 2022 có thể vượt mục tiêu đặt ra là trên 6,5%. Tuy nhiên, phát triển kinh tế Việt Nam cũng phải đối mặt với những thách thức từ áp lực lạm phát, đứt gãy nguồn cung nguyên liệu do chiến sự Nga - Ukraine, chính sách "Zero COVID" của Trung Quốc...
Nhật Linh