![]() |
Kết quả biểu quyết Luật Đầu tư công (sửa đổi). |
Trước đó, thảo luận tại hội trường, nhiều đại biểu Quốc hội đề nghị khắc phục tình trạng bất cập trong thẩm định nguồn vốn. Có ý kiến đề nghị xem xét lại mức tỷ lệ không vượt quá 20% như trong dự thảo Luật.
Trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Đầu tư công (sửa đổi) trình Quốc hội xem xét thông qua, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho biết, quy định hiện hành về thẩm định nguồn vốn và khả năng cân đối vốn trên thực tế triển khai đang vướng mắc.
Tiếp thu ý kiến của đại biểu, để khắc phục tình trạng này, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo cơ quan thẩm tra phối hợp với cơ quan soạn thảo, quy định tại khoản 1, khoản 2 Điều 55 của dự thảo Luật nội dung“Thủ tướng Chính phủ ban hành chỉ thị… thông báo tổng mức vốn đầu tư công dự kiến của các Bộ, cơ quan trung ương và địa phương để làm căn cứ quyết định chủ trương đầu tư chương trình, dự án giai đoạn sau”. Quy định này đảm bảo cơ sở để quyết định chủ trương đầu tư trong hạn mức vốn cho phép, tránh dàn trải, quyết định tùy tiện, không căn cứ vào nguồn lực dẫn đến vượt quá khả năng cân đối vốn của ngân sách nhà nước.
Đồng thời giải trình làm rõ đề nghị xem xét lại mức tỷ lệ không vượt quá 20% như quy định trong dự thảo Luật, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, thực tiễn triển khai kế hoạch đầu tư công trung hạn thời gian qua, nhu cầu đầu tư chương trình, dự án trong một kỳ kế hoạch đầu tư công trung hạn là rất lớn và có thể vượt khả năng cân đối vốn của địa phương.
Các dự án nhóm B, nhóm C thường có thời gian thực hiện kéo dài từ 3-4 năm, dẫn đến nhiều dự án sẽ không thể hoàn thành trong một kỳ kế hoạch đầu tư công trung hạn mà phải chuyển tiếp thực hiện sang giai đoạn sau.
Việc quy định như dự thảo Luật cho phép xác định hạn mức vốn để thẩm định nguồn vốn và khả năng cân đối vốn đối với các dự án chuyển tiếp từ giai đoạn trước sang giai đoạn sau, bảo đảm tính liên tục của hoạt động đầu tư công, tránh gián đoạn, chậm trễ của các dự án do phải chờ nguồn vốn kế hoạch được phê duyệt mới có thể quyết định chủ trương đầu tư, quyết định dự án.
Tuy nhiên, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, mức chuyển tiếp này cần được giới hạn ở mức độ hợp lý (mức 20% bằng trung bình kế hoạch 1 năm trong giai đoạn trung hạn), quy định như dự thảo Luật bảo đảm hạn mức nguồn vốn, tránh việc lạm dụng, quyết định chủ trương đầu tư dàn trải, vượt khả năng cân đối vốn; đồng thời, tránh tác động lớn đến tổng mức vốn kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn kế tiếp, đặc biệt là bảo đảm có căn cứ thực hiện hoạt động đầu tư công liên tục, nhất là năm đầu tiên của chu kỳ kế hoạch đầu tư công trung hạn không phải chờ sau khi Quốc hội quyết định kế hoạch đầu tư công trung hạn mới triển khai thủ tục quyết định chủ trương đầu tư.
Vì vậy, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội xin Quốc hội cho giữ như quy định của dự thảo Luật.
Về trình tự phê duyệt, giao kế hoạch đầu tư công hằng năm, vốn ngân sách nhà nước, có ý kiến đề nghị bỏ quy định “Bộ Kế hoạch và Đầu tư thông báo chi tiết danh mục, mức vốn, kế hoạch đầu tư vốn ngân sách trung ương năm sau" (khoản 7).
Tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, nhằm đẩy mạnh phân cấp, đổi mới theo hướng tăng cường hậu kiểm, giảm bớt tiền kiểm, giảm thủ tục hành chính, tăng cường trách nhiệm của các bộ, ngành, địa phương, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội xin bỏ nội dung này và chỉnh lý quy định tại khoản 5 Điều 61 để tạo sự chủ động cho các Bộ, cơ quan trung ương và địa phương trong phân bổ chi tiết danh mục, mức vốn bố trí của từng dự án, kế hoạch đầu tư vốn ngân sách trung ương năm sau cho các cơ quan, đơn vị trực thuộc và UBND cấp dưới.
Theo đó, trên cơ sở kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, các bộ, cơ quan trung ương, địa phương thực hiện phân bổ chi tiết, gửi phương án cho Bộ Kế hoạch và Đầu tư để tổng hợp báo cáo Chính phủ và theo dõi, kiểm tra quá trình thực hiện.
Hoàng Hà