Phát biểu tại Hội nghị trực tuyến của Chính phủ với các địa phương năm 2018, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường cho biết, năm 2018 trước các khó khăn của tình hình kinh tế, chính trị, các nước trên thế giới ưu tiên tập trung phát triển nông nghiệp, coi đây là một điều kiện hạ tầng đảm bảo phát triển bền vững.
Việt Nam là nước có độ mở hội nhập kinh tế cao nên sự tác động của chiến tranh thương mại là hết sức nguy hiểm. Tuy nhiên, trong bối cảnh chung đó, khu vực nông nghiệp nói riêng trong năm 2018 được sự chỉ đạo của lãnh đạo Đảng, Chính phủ đã tăng trưởng rất đồng bộ. Đơn cử một phép so sánh, năm 2017 khu vực nông nghiệp tăng trưởng 2,9%, năm 2018 đạt 3,76%.
Mục tiêu về xuất khẩu, năm 2018 cán đích 40,2 tỷ USD (năm 2017 là 36 tỷ USD) trong một bối cảnh thế giới nông sản xuống giá bình quân 4%. Về xây dựng nông thôn mới, năm 2018 đạt khoảng 43%, như vậy đã vượt xa chỉ tiêu đề ra về số lượng.
Thiệt hại về thiên tai cũng đã giảm, năm 2018 thiệt hại 21.000 tỷ đồng, năm 2017 thiệt hại 61.000 tỷ đồng.
Năm 2018, giá trị xuất khẩu nông sản đạt 40,2 tỷ USD |
Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho biết, với đà phát triển của năm 2018, ngành nông nghiệp năm 2019 sẽ phát huy thành tích đó để đạt mục tiêu tăng trưởng của ngành nói riêng và đóng góp vào sự tăng trưởng của cả nước nói chung. Tuy nhiên, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cũng đã chỉ ra 3 thách thức rất lớn: Thứ nhất, tính bền vững về sản xuất nông nghiệp bị tác động bởi biến đổi khí hậu và thiên tai. Khu vực nông nghiệp là khu vực tổn thương đầu tiên, do đó đây là một nguy cơ mà xu hướng những năm gần đây càng ngày càng bị tác động.
Thứ hai, chuỗi liên kết giá trị nông sản trong sản xuất không đạt hiệu quả, mà chủ yếu sản xuất nhỏ lẻ. Đây là một nguy cơ dẫn đến không kiểm soát được chặt chẽ, dẫn đến năng suất, hiệu quả kinh tế thấp, tính cạnh tranh thấp và rủi ro về mặt thị trường.
Thứ ba là thị trường xuất khẩu. Trước đây thị trường nhỏ bé, hiện thị trường được mở rộng, đạt 40,2 tỷ USD, đứng thứ 14 trên thế giới về nông sản, cùng hàng rào và chiến tranh thương mại còn diễn biến phức tạp trong bối cảnh nước ta lấy sản xuất, xuất khẩu làm động lực.
Vì thế, mục tiêu phát triển của năm 2019 mà Nghị quyết đưa ra làm tiền đề để các ngành phải phấn đấu cao hơn.
Về giải pháp, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho biết, ngành nông nghiệp sẽ tập trung cùng các bộ, ban ngành, các thành phần kinh tế và bà con nông dân làm sâu sắc hơn chương trình tái cơ cấu nông nghiệp. Đi vào chất cùng với số lượng để đẩy nhanh chương trình mục tiêu xây dựng nông thôn mới. Đồng thời tập trung nhóm giải pháp đồng bộ để nâng cao khả năng ứng phó với thiên tai.
Minh Sơn