Vì vậy, tại các diễn đàn, hội thảo, tọa đàm về phát triển kinh tế trong năm 2015, hội nhập luôn là vấn đề được đưa ra bàn luận hàng đầu. Đi kèm theo đó là những phát ngôn thú vị về hội nhập cũng được nêu ra. Đó là những câu ví von về hình ảnh DN thời hội nhập, những so sánh về việc chúng ta (DN Việt) đang đối đầu với những khó khăn nào khi hội nhập.
Ts. Nguyễn Đình Cung: Viện trưởng Viện nghiên cứu và quản lý kinh tế Trung ương“Cả bộ máy có bệnh “nghiện” quản lý, nghiện ra lệnh”
Tại Diễn đàn Kinh tế mùa Thu 2015 với chủ đề “Kinh tế Việt Nam – Hội nhập và phát triển bền vững”, Ts. Nguyễn Đình Cung đã so sánh hình ảnh DN Việt Nam với cảnh một người cõng trên lưng một gánh nặng và lại đang đi trên… cầu khỉ, họ phải dò dẫm từng bước để khỏi trượt chân rơi xuống nước nên khó có thể ngẩng đầu nhìn xa vươn tới những thị trường rộng lớn bên ngoài.
Theo ông Cung, nguyên nhân là do tư duy quản lý vẫn đứng ở bề trên so với DN để điều hành, chỉ bảo chứ không phải là đứng bên cạnh để hỗ trợ, nâng đỡ. Cả bộ máy có bệnh “nghiện” quản lý, nghiện ra lệnh nên tạo ra đủ thứ rào cản chứ đừng nói đến hỗ trợ DN bước vào hội nhập.
Bà Phạm Chi Lan, chuyên gia kinh tế: “Chiếc đũa thần thực sự nằm trong tay chính chúng ta”.
![]() |
Đối với những cơ hội to lớn từ TPP, Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cho rằng: Chúng ta không nên coi TPP hay bất cứ một hiệp định thương mại nào là “chiếc đũa thần”, mà “Chiếc đũa thần thực sự nằm trong tay chính chúng ta”. Khi chúng ta tham gia WTO, chúng ta cũng đã có kỳ vọng rất lớn trước những cơ hội WTO mang lại. Tuy nhiên, thực tế 8 năm tham gia WTO chưa mang lại cho Việt Nam những thành công như mong đợi. Song điều đó cũng không có nghĩa là thấy khó khăn, chúng ta sẽ không hội nhập tiếp. Nhiều ý kiến cho rằng, với một đất nước còn đang tiến lên cơ chế thị trường, trình độ phát triển và năng lực thể chế còn nhiều yếu kém mà năng nổ tham gia các FTA như Việt Nam là một nghịch lý. Đây là việc mà nhiều nước lớn còn e ngại.
Ông Võ Trí Thành, chuyên gia kinh tế: “Chúng ta cần chơi với những người giỏi hơn để có thể học hỏi”.
![]() |
Chuyên gia kinh tế Võ Trí Thành đã khẳng định: “Chúng ta không đi quá nhanh. Nhưng tiến trình hội nhập sâu rộng cho thấy những bước ngoặt mà Việt Nam cần thay đổi để phát triển. Chúng ta cần chơi với những người giỏi hơn để có thể học hỏi”.
“Trước đây, với Việt Nam, Hoa Kỳ vẫn là một thị trường cao cấp và khó tính với những yêu cầu hết sức nghiêm ngặt nhưng chỉ sau 1-2 năm, Hoa Kỳ đã trở thành thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam. Điều này cho thấy, tuy khó khăn, thách thức nhiều nhưng thực tiễn chứng minh ta làm được. Việt Nam đã chơi thì phải tự tin”, ông Thành nói.
Song một điều mà ông Thành lo ngại khi hội nhập là vấn đề con người, năng lực của công chức nhà nước. Ông Thành chia sẻ: “Điều tôi đặc biệt lo ngại khi hội nhập không phải là doanh nghiệp. Vì doanh nghiệp nếu không cạnh tranh được thì chết. Nhưng 100.000 doanh nghiệp hôm nay chết, ngày mai sẽ có 200.000 doanh nghiệp khác mọc lên. Tôi lo ở con người”.
Theo ông Thành, muốn chủ động hội nhập thì không chỉ đi theo các luật chơi và đàm phán dựa trên luật chơi các nước đã đặt ra, mà đã đến lúc, Việt Nam phải bắt tay vào việc xây dựng luật chơi, phải đưa được người Việt tham gia vào các tổ chức quốc tế để cùng thiết lập ra sân chơi mới.
Nhưng thực tế, “Người Việt Nam chém gió trong nước rất giỏi. Lãnh đạo còn chém gió giỏi hơn bọn tôi. Nhưng ra nước ngoài thì hầu hết là im hơi lặng tiếng, chứ mấy ai thể hiện được”, ông Thành nói.
Ts. Trần Du Lịch, Phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội Tp.Hồ Chí Minh: “Doanh nghiệp sợ hội nhập như sợ ma”.
![]() |
DN có nói với tôi là rất sợ hội nhập, nhưng hỏi sợ gì thì không nói được cụ thể. Nhưng không chỉ DN, mà thậm chí nhiều cán bộ, quan chức nhà nước cũng sợ hội nhập, không khác gì người ta sợ ma, vì không biết ma là thế nào”.
Tại Liên hoan “Tuổi trẻ sáng tạo Tp.HCM” lần 6/2015 mới đây, Ts. Trần Du Lịch tiếp tục nhắc lại vấn đề này nhưng lần này ông cho rằng: “Đừng bao giờ sợ hội nhập như người sợ ma. Chúng ta hội nhập có lộ trình chứ không phải nói hội nhập là mở toang cửa, hội nhập tất cả”.
Ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng thương mại và Công nghiệp Việt Nam ( VCCI): “Hội nhập là cuộc hôn nhân giữa cô gái thôn quê xinh đẹp, trong sáng là kinh tế tư nhân, với một chàng trai thành thị là kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài (FDI)”.
![]() |
Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), ông Vũ Tiến Lộc, đã gây tranh cãi khi ví von hội nhập là cuộc hôn nhân giữa cô gái thôn quê xinh đẹp, trong sáng là kinh tế tư nhân, với một chàng trai thành thị là kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài (FDI).
Thy Lê