Cách đây 3 năm, nhiều “ông lớn” doanh nghiệp (DN) trong ngành dược phẩm từng đặt dấu hỏi vì sao một công ty chân ướt chân ráo như VN Pharma mới tham gia thị trường dược đã phát triển thần tốc, đấu đâu thắng đó, trúng đậm nhiều gói thầu cung ứng thuốc trị giá hàng trăm tỷ đồng tại các bệnh viện công ở nhiều tỉnh thành trong toàn quốc.
Bài học VN Pharma
Thậm chí, hồi năm 2014, dù mới chỉ là một DN nhỏ, nhưng VN Pharma đã dự kiến đạt mức doanh thu hơn 1.000 tỷ đồng nhờ trúng loạt gói thầu “khủng”. Vấn đề mà nhiều DN đặt ra là ai đứng đằng sau DN này dù không ít DN chi hoa hồng cao tại những tuyến bệnh viện công nhưng chưa chắc đã trúng thầu.
Những râm ran về mối quan hệ, thế lực “chống lưng” của VN Pharma đã có từ dạo đó. Đến khi cơ quan bảo vệ pháp luật vào cuộc điều tra và đưa giàn lãnh đạo DN này ra toà vì nhiều sai phạm thì mới vỡ lở ra nhiều khuất tất, chẳng hạn như thuốc giả – thuốc kém chất lượng, kê khống giá nhập thuốc, “hoa hồng” cho bác sỹ và hơn thế nữa…
Tuy nhiên, vì sao VN Pharma lại trúng rất nhiều gói thầu tại các bệnh viện công vẫn là câu hỏi lớn. Và mới đây, dư luận càng thêm hoài nghi về tính công bằng, minh bạch, ưu ái trong hoạt động đấu thầu trước thông tin Phó tổng giám đốc của DN này lại là em chồng của Bộ trưởng Bộ Y tế.
Nhiều ý kiến cho rằng VN Pharma như là “con bạch tuộc” của ngành nhập và phân phối dược phẩm vào bệnh viện và Cục quản lý dược (Bộ Y tế) đã bị những chiếc vòi của VN Pharma cuốn chặt. Và dư luận tin rằng nếu chỉ riêng ban lãnh đạo VN Pharma thì không làm nổi việc trúng thầu hàng loạt này nếu không có sự “bảo kê” từ một nhóm thế lực lớn hơn.
Trên thực tế, VN Pharma cũng chỉ là một điển hình của những DN thân hữu “ăn bám” vào khu vực công. Theo nhận định của giới chuyên gia, trong bối cảnh mà mối quan hệ giữa khu vực công và tư nhân bị thương mại hoá thì việc sản sinh ra nhiều DN kiểu như VN Pharma là chuyện đương nhiên. Nhất là khi mà nhóm lợi ích đặc biệt đang trở nên ngày càng có ảnh hưởng.
![]() |
Điều quan trọng mà cơ quan quản lý cần làm là phải chặt đứt các “vòi bạch tuộc” của những DN thân hữu, bịt kín những kẽ hở, tạo sân chơi bình đẳng trong hoạt động đấu thầu.
Xoay quanh chuyện này, nên nhắc lại một kết quả nghiên cứu của Nhóm Ngân hàng Thế giới (WB) và Thanh tra Chính phủ cho thấy chỉ có 36% DN tham gia khảo sát cho rằng cuộc đấu thầu với cơ quan nhà nước đó là khách quan, minh bạch, trong khi 38% DN tin rằng có “chạy chọt” và 50% DN cho rằng có sự ưu ái người thân.
Theo giới chuyên gia, khung pháp lý của Việt Nam cũng có những hạn chế về sở hữu trong kinh doanh. Luật Phòng chống tham nhũng (PCTN) và Luật Cán bộ công chức (CBCC), Luật Doanh nghiệp không cho phép CBCC thành lập DN tư nhân, công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần, hợp tác xã, bệnh viện tư nhân và các tổ chức nghiên cứu khoa học tư nhân. Ngoài ra, trưởng, phó các cơ quan và vợ/chồng của họ không được góp vốn vào DN mà các CBCC này trực tiếp quản lý.
Cần bịt kín kẽ hở
Việc nắm giữ các hợp đồng của Chính phủ cũng được quy định và hạn chế trong luật của Việt Nam. Ở Điều 37 của Luật PCTN có một điều khoản chung cấm thủ trưởng, phó thủ trưởng cơ quan để người thân trong gia đình kinh doanh trong lĩnh vực mình trực tiếp quản lý. Tuy nhiên, các quy định này không nêu rõ có hạn chế đối với việc nắm giữ các hợp đồng của Chính phủ hay không.
Hơn nữa, những quy định hạn chế hiện hành chỉ áp dụng với thủ trưởng và phó thủ trưởng các cơ quan mà không áp dụng với các cán bộ chủ chốt khác của cơ quan. Luật PCTN (Điều 37, khoản 4 và 5) cũng có điều khoản hạn chế nắm giữ hợp đồng Chính phủ tuy nhiên điều khoản chỉ áp dụng với CBCC quản lý DN nhà nước. Luật Đấu thầu năm 2013 (Điều 17, 75, 78, và 89) cũng có những hạn chế tương tự nhưng lại chỉ áp dụng với CBCC liên quan đến công tác đấu thầu.
Luật Đấu thầu 2013 đã giải quyết một số hạn chế về phạm vi áp dụng của Luật PCTN. Luật này nghiêm cấm tất cả các CBCC có liên quan đến quá trình đấu thầu (cụ thể là những người đứng đầu và các cá nhân thuộc bên mời thầu và chủ đầu tư) được trực tiếp tham gia trong quá trình lựa chọn nhà thầu cho các gói thầu có sự tham gia của thành viên trong đại gia đình CBCC (cụ thể là bố mẹ đẻ, bố mẹ chồng/vợ, chồng/vợ, con đẻ, con nuôi, con rể, con dâu và các anh chị em).
Điều quan trọng là Luật Đấu thầu yêu cầu tất cả các bên mời thầu và các tổ chức đánh giá “đảm bảo tính trung thực, khách quan và công bằng trong suốt quá trình đấu thầu” và quy định hủy thầu trong các trường hợp có vi phạm.
Mặc dù Luật Đấu thầu có yêu cầu chung về tính liêm chính trong suốt quá trình đấu thầu song vẫn không quy định rõ việc cấm giúp đỡ bạn bè và những người có liên quan đến CBCC tham gia trong quá trình đấu thầu. Hơn nữa, quy định của Luật cũng không làm rõ mối quan hệ của CBCC với các nhà thầu phụ của nhà thầu.
Có thể thấy, khung pháp lý để ngăn ngừa các DN thân hữu là có thừa. Nhưng phải thừa nhận một điều là vẫn còn nhiều kẽ hở thì mới có thể sản sinh ra những DN như kiểu VN Pharma. Sau những gì đã xảy ra, điều quan trọng mà cơ quan quản lý cần làm bây giờ là phải chặt đứt các “vòi bạch tuộc” của những DN thân hữu, bịt kín những kẽ hở, tạo sân chơi bình đẳng trong hoạt động đấu thầu, nhất là trong các hợp đồng mua sắm công, các hợp đồng của Chính phủ.
Bởi lẽ, những DN có các mối quan hệ thân hữu quan trọng vốn dĩ đều có lợi thế hơn so với những DN không có được các mối quan hệ đó. Nếu để tồn tại sẽ làm suy yếu chất lượng của khu vực DN, đồng thời gây tổn thất nặng nền về sự minh bạch, công bằng trong đấu thầu và sự lành mạnh của nền kinh tế đang chuyển đổi này.
Khánh Ngọc