Các sản phẩm nông sản của Việt Nam như dự báo sẽ hưởng lợi khi thuộc nhóm 90 dòng thuế áp dụng cho các sản phẩm có xuất xứ từ Việt Nam và EU được giảm xuống ở mức rất thấp, thậm chí là 0% đối với một số hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam sang EU khi EVFTA có hiệu lực.
Tuy nhiên, nông sản Việt vẫn sẽ gặp rất nhiều trở ngại ngay cả sau khi EVFTA có hiệu lực. Bởi lẽ việc xuất khẩu sang thị trường châu Âu (EU) đòi hỏi phải tuân thủ tính minh bạch cao, có chất lượng, tiêu chuẩn bảo vệ môi trường và đặt rất cao vấn đề bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng, không chấp nhận hàng hóa thiếu trách nhiệm với xã hội.
“Chứng chỉ” nông sản
Một thống kê cho thấy, tính đến tháng 10/2016, mới chỉ có 6 doanh nghiệp (DN) chính thức được cấp chứng nhận TMCB và là đầu mối liên kết thị trường giữa các DN Việt Nam và các nhà nhập khẩu EU. Đây là con số quá ít ỏi so với tầm quan trọng của TMCB trong thương mại toàn cầu hiện nay, nhất là trong lĩnh vực nông sản.
Chính ông Bùi Huy Sơn, Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) mới đây cũng lưu ý rằng trong bối cảnh hội nhập sâu rộng, việc xây dựng và phát triển hệ thống TMCB là cách nhanh nhất để các sản phẩm nông sản Việt phát triển bền vững thông qua những điều kiện thương mại lành mạnh cũng như đảm bảo quyền lợi của các nhà sản xuất và người lao động.
Theo ông Sơn, TMCB đang được khuyến khích, thúc đẩy mạnh mẽ thông qua các điều khoản quy định trong EVFTA, cũng như trong chiến lược thương mại và đầu tư mới nhất của EU.
Do đó, việc thúc đẩy TMCB tại Việt Nam sẽ góp phần tạo thêm nhiều cơ hội kinh doanh cho các nhà sản xuất, các DN tại khu vực miền núi và nông thôn Việt Nam thông qua các kênh của người mua sản phẩm TMCB ở EU, từ đó thiết lập mô hình sản xuất và tiêu dùng có trách nhiệm.
![]() |
Thương mại công bằng vẫn còn là một khái niệm quá mới mẻ với nông sản Việt
Trên thực tế, các nhà nhập khẩu của EU và Mỹ ngày càng khắt khe về tiêu chuẩn hàng hóa. Họ tin tưởng những DN có chứng nhận TMCB và hàng năm đều đến từng vùng nguyên liệu để kiểm tra, rà soát chất lượng.
Được biết, hiện có tiểu Dự án “Thúc đẩy phát triển TMCB ở Việt Nam” (nằm trong khuôn khổ Dự án EU – MUTRAP) đang hỗ trợ các DN vừa và nhỏ trong 5 nhóm ngành là chè, cà phê, ca cao, gia vị và thủ công mỹ nghệ trên khắp cả nước để đạt được tiêu chí dán nhãn TMCB trong quãng thời gian từ 6/2014 đến tháng 5/2017.
Nhà sản xuất là trung tâm
Mục đích của dự án này là để đánh giá thực trạng và tiềm năng phát triển kinh doanh TMCB trong các lĩnh vực chè, cà phê, cacao, gia vị, và thủ công mỹ nghệ ở Việt Nam cho thị trường EU và thị trường Việt Nam. Hơn nữa, nó cũng nhằm nâng cao năng lực, nhận thức và sự kỳ vọng cũng như những khó khăn của các DN/nhà sản xuất vừa và nhỏ, các nhà hoạch định chính sách để phát triển TMCB ở Việt Nam.
Theo MUTRAP, tới thời điểm tháng 8/2016, dự án đã hỗ trợ 4 đơn vị đạt chứng nhận TMCB của Tổ chức chứng nhận TMCB thế giới (WFTO) và Tổ chức Dán nhãn TMCB (FLO) là Hợp tác xã (HTX) nông nghiệp dịch vụ công bằng Ea Tu, HTX sản xuất nông nghiệp thương mại & dịch vụ Minh Toàn Lợi, công ty Bobi Craft và công ty Fagi. Ngoài ra, Dự án cũng đã hỗ trợ HTX Eakiet hoàn thành đăng ký dán nhãn TMCB lên bao bì sản phẩm cà phê rang xay của HTX.
Ts. Phạm Nguyên Minh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Thương mại, nhấn mạnh việc phát triển nông nghiệp hữu cơ là một trong những tiền đề để các sản phẩm nông sản tiến tới đạt được chứng nhận TMCB.
Ts. Minh nhận định, sự tương đồng giữa những mục tiêu của TMCB và mục tiêu của sản xuất hữu cơ đã giúp sản phẩm TMCB dễ dàng thâm nhập vào mạng lưới quốc tế nhờ những nỗ lực từ phía các chủ thể tham gia TMCB như nông dân, các tổ chức phi chính phủ, DN và chính phủ.
Thị trường xuất khẩu các sản phẩm TMCB hiện nay chủ yếu là các nước EU. Tuy nhiên, xu thế tiêu dùng hàng hóa TMCB, gồm cả gạo, đang lan rộng trên khắp thế giới.
Theo phân tích của giới chuyên gia, không chỉ những nước phát triển, các nước đang phát triển, đặc biệt là ở khu vực châu Á đã, đang và sẽ trở thành những thị trường hấp dẫn và tham gia vào hệ thống TMCB sẽ mở ra những cơ hội để nâng cao vị thế của gạo Việt Nam trên thị trường quốc tế.
Như quan điểm của Ts. Phạm Nguyên Minh, nhà sản xuất là trung tâm của TMCB. Vì thế, để TMCB phát triển nhanh và bền vững, việc nâng cao nhận thức người nông dân, giúp họ hiểu về vai trò và vị thế của mình trong TMCB là điều hết sức cần thiết.
Để thực hiện được điều này, các quốc gia thường thông qua những dự án tăng cường nhận thức người nông dân về TMCB, đồng thời thúc đẩy người dân tham gia bằng cách trao quyền cho họ trong việc chọn giống, xác định giá TMCB.
Điều mong mỏi là các cơ quan quản lý cần hỗ trợ, tạo điều kiện phát triển TMCB cũng như tham gia kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ sự phát triển trong vấn đề quan trọng này cho xuất khẩu nông sản.
Thế Vinh