Nhiều người liên tưởng lại số liệu thống kê vài năm trước của Cục Sở hữu công nghiệp (Bộ Khoa học và Công nghệ), theo đó, có đến 90% hàng nông sản của Việt Nam được bán ra thị trường thế giới thông qua các thương hiệu nước ngoài, gây thiệt hại cho nền kinh tế hàng trăm triệu USD.
Chưa tận dụng uy tín thương hiệu
Không chỉ nói về nguy cơ mất thương hiệu nước mắm Phú Quốc, người đứng đầu Chính phủ còn liệt kê một loạt điểm yếu về thương hiệu nông sản, nhất là vùng trọng điểm nông nghiệp như Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL).
Chẳng hạn như lúa gạo, Thủ tướng đã phải thốt lên: Là vựa lúa lớn của cả nước, ĐBSCL vẫn chưa tận dụng uy tín thương hiệu, dẫn đến giá trị gia tăng thấp, nên giá trị xuất khẩu không tăng, thậm chí còn kém hơn gạo thương hiệu Campuchia.
Trong thực tế, từ tháng 5/2015, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án phát triển thương hiệu gạo Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030. Theo đó, phấn đấu đến năm 2020, hình ảnh gạo Việt Nam được quảng bá, giới thiệu rộng rãi trong nước và đến ít nhất 20 thị trường xuất khẩu.
Ngoài ra, thương hiệu gạo quốc gia được bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ dưới hình thức nhãn hiệu chứng nhận tại Việt Nam và ít nhất 50 quốc gia; phấn đấu đạt 20% sản lượng gạo xuất khẩu mang thương hiệu gạo Việt Nam.
Mục tiêu là vậy, nhưng đã hơn một năm từ thời điểm phê duyệt đề án, đến nay, việc xây dựng thương hiệu cho gạo Việt được cho là vẫn chưa có gì tiến triển.
Nói như Ts Phạm Nguyên Minh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu thương mại, điều quan trọng là giám sát triển khai như thế nào để Đề án này đi vào thực tế cuộc sống của nông dân, của doanh nghiệp (DN) và tất cả các tác nhân tham gia vào chuỗi giá trị gạo.
Ts Minh đưa ra bài học từ việc xây dựng thương hiệu gạo Thái đáng để cho Việt Nam học hỏi. Trong chiến lược tuyên truyền hàng xuất khẩu, “Gạo Thái” được đặt lên vị trí hàng đầu và Thái Lan đổ nhiều công sức, kể cả tài chính vào công tác quảng cáo. Tất cả các cơ hội, như Festival, Hội chợ, triển lãm trong và ngoài nước đều được Thái Lan tận dụng tối đa.
Ngoài ra, Thái Lan còn hợp tác với các nước, nhất là các nước ASEAN, lập ra các tổ chức như Hiệp hội lúa gạo, Hợp tác đối tác trao đổi lúa gạo, Hiệp hội tiêu thụ gạo…nhằm tăng cường hợp tác trao đổi kinh nghiệm với các nước. Chính vì vậy, “Gạo Thái” đã trở thành thương hiệu nổi tiếng toàn cầu.
Ngoài lúa gạo, ngay như việc phát triển thương hiệu của ngành thuỷ sản hoặc trái cây Việt cũng là điều đáng nói.
Trao đổi với giới chuyên gia trong nước và quốc tế tại Diễn đàn ĐBSCL 2016, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chỉ ra rằng câu chuyện chất lượng thuỷ hải sản chưa ổn định, tư duy thị trường manh mún, nên sản phẩm chưa được đa dạng để đáp ứng nhu cầu cao cấp của thị trường, qua đó chưa xác lập uy tín thương hiệu của vùng ĐBSCL.
Nước mắm thương hiệu Phú Quốc của Việt Nam nhưng do Thái Lan sản xuất!?
Cần nhận thức đúng
Các loại trái cây đặc trưng của ĐBSCL với hương vị độc đáo, giá trị dinh dưỡng cao được Thủ tướng Phúc liệt kê như bưởi năm roi của Hậu Giang, Sóc Trăng, bưởi da xanh Bến Tre, quýt Hồng Lai của Đồng Tháp, thanh long ở Tiền Giang… Theo Thủ tướng, những nông sản này cần đi khắp thế giới, trở thành những loại trái cây cao cấp, hiện diện trong những hệ thống siêu thị Mỹ, EU, Hàn Quốc, Nhật Bản…
Trong thực tế, các doanh nghiệp kinh doanh các mặt hàng nông sản của Việt Nam nói chung và ĐBSCL nói riêng nhìn chung vẫn chưa nhận thức đúng tầm quan trọng của thương hiệu, một yếu tố có vai trò quyết định đến sự sống còn của doanh nghiệp.
Vì thế, xây dựng thương hiệu cho nông sản Việt Nam đang là vấn đề cấp bách nhằm giảm thiệt hại cho nông dân, doanh nghiệp, từng bước nâng cao vị thế của nông sản trên thị trường quốc tế.
PGs Ts Nguyễn Minh Châu, nguyên Viện trưởng Viện Cây ăn quả miền Nam, đề xuất, đối với xuất khẩu trái cây, Nhà nước nên tổ chức lại, xây dựng mô hình một số công ty có thương hiệu. Ngay từ bây giờ, bắt đầu bằng công ty xuất khẩu thanh long, xoài Cát Chu, bưởi da xanh, chuối già, nhãn, chôm chôm, vải… Làm như vậy, trong thời gian tới, bức tranh xuất khẩu trái cây sẽ phát triển mạnh mẽ hơn.
Theo lãnh đạo Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam, để xây dựng được thương hiệu nông sản, cần lựa chọn sản phẩm, ngành nông nghiệp có lợi thế cạnh tranh, có tiềm năng phát triển để có cơ chế chính sách đặc thù đối với những sản phẩm, ngành hàng này.
Và một yếu tố cực kỳ cấp thiết là cần có chính sách thúc đẩy các cơ quan tài chính, ngân hàng áp dụng một cơ chế tài chính đặc thù ưu tiên cho việc quảng bá và xây dựng thương hiệu đối với các mặt hàng nông sản. Hầu hết các doanh nghiệp kinh doanh các mặt hàng này đang gặp rất nhiều khó khăn về vốn.
Thế Vinh