Điển hình là trường hợp các ngành hàng về nông – lâm – thủy sản của Việt Nam, vốn được kỳ vọng nhiều trong xuất khẩu, nhưng vẫn gặp khó khăn đầu ra ở thị trường trong nước khi giá cả luôn bấp bênh và phải tìm cách chống đỡ hàng ngoại nhập “đổ bộ” ở một số mặt hàng.
Nhập thứ ta thừa
Chẳng hạn như rau quả, theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, quý I/2017, tổng kim ngạch nhập khẩu rau quả của Việt Nam đạt 225 triệu USD, tăng hơn 43% so với cùng kỳ năm 2016. Còn mặt hàng thủy sản, bất ngờ khi trong quý I cũng nhập khẩu 306 triệu USD, tăng 30% so với cùng kỳ năm 2016.
Ngoài ra, trong bối cảnh ngành chăn nuôi đang chờ “giải cứu” thịt lợn, việc nhập thức ăn gia súc và nguyên liệu đã đạt đến 955 triệu USD. Thậm chí, mới đây bà Tổng lãnh sự Hoa Kỳ tại Tp.HCM còn hé lộ, xuất khẩu thực phẩm và nông nghiệp của Hoa Kỳ sang Việt Nam (trong đó có thịt lợn, bò, gà) đã tăng hơn 30% trong hai tháng đầu năm 2017.
Là quốc gia xuất khẩu điều nhưng trong quý I, Việt Nam cũng phải nhập khẩu ước đạt 145.000 tấn và 303 triệu USD, tăng 35,3% về lượng và 79,4% về giá trị so với cùng kỳ năm 2016.
Với việc nhập khẩu thực phẩm ngoại, có thể lý giải một phần do khối ngoại đang chiếm phần lớn thị phần bán lẻ hiện đại tại các cửa hàng tiện lợi, trung tâm thương mại, siêu thị, siêu thị mini…
Trở lại chỉ đạo mới đây từ Tổng cục Hải quan về việc “siết chặt” nhập khẩu mặt hàng mà Việt Nam sản xuất được, không thấy nói rõ việc “siết” các mặt hàng ngoại đang đe dọa lĩnh vực nông – lâm – thủy sản của Việt Nam ra sao.
Chỉ thấy Tổng cục Hải quan lưu ý, các cục hải quan tỉnh, thành kiểm soát chặt chẽ hàng hóa nhập khẩu, nhất là các mặt hàng được Bộ Công Thương đưa vào diện áp dụng các biện pháp tự vệ (thuế tự vệ).
Đặc biệt, các mặt hàng trong nước đã sản xuất được theo Danh mục máy móc, thiết bị, phụ tùng thay thế, phương tiện vận tải chuyên dùng, vật liệu, vật tư, linh kiện, bán thành phẩm trong nước sản xuất được (ban hành kèm theo Thông tư số 14/2015/TT-BKHĐT ngày 17/11/2015 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư).
Theo báo cáo của Tổng cục Hải quan, tổng kim ngạch nhập khẩu của cả nước trong quý I vừa qua đạt hơn 46,57 tỷ USD, tăng 24,9% (tương ứng tăng gần 9,3 tỷ USD) so với cùng kỳ năm 2016.
Cơ quan này cũng cho biết, những hàng hóa thông thường của ASEAN đang xâm nhập Việt Nam theo chuỗi bán lẻ lớn như: hàng tiêu dùng, hoa quả, thực phẩm, hàng may mặc khiến trị giá nhập khẩu gia tăng, nhập siêu lớn.
Trong vấn đề nhập khẩu hiện nay, có thể thấy điểm hạn chế lớn là cơ cấu nhập khẩu nhóm hàng nguyên – nhiên liệu đầu vào cho sản xuất và tiêu dùng trong nước tiếp tục cao.
![]() |
Thịt ngoại nhập khẩu đang là mối đe dọa lớn cho sức tiêu thụ của ngành chăn nuôi nội địa
Bài toán nan giải
Theo Bộ Công Thương, tỷ lệ nhập khẩu lớn về nguyên – nhiên liệu, nhất là nguyên liệu gia công sản xuất thể hiện tính gia công trong ngành còn lớn, phụ thuộc nhiều vào thị trường cung cấp bên ngoài, khiến cho nền kinh tế gặp bất lợi mỗi khi giá cả thế giới biến động tăng, làm tăng chi phí sản xuất trong nước, giảm khả năng cạnh tranh của hàng hóa xuất khẩu.
Điều đáng lo là gia tăng nguy cơ không kiểm soát được hàng hóa nhập khẩu do các hàng rào kỹ thuật không hiệu quả, sẽ biến Việt Nam trở thành thị trường tiêu thụ các sản phẩm chất lượng kém, ảnh hưởng tới sức khỏe người tiêu dùng.
Hiện nay trên thế giới, các biện pháp phòng vệ thương mại đựợc xem là công cụ hiệu quả nhằm giảm áp lực hàng nhập khẩu đối với các ngành sản xuất trong nước.
Theo bà Phạm Châu Giang (Cục Quản lý cạnh tranh – Bộ Công Thương), đối với các quốc gia đang phát triển như Việt Nam, việc sử dụng các biện pháp phòng vệ thương mại sẽ tạo cơ hội cho các ngành sản xuất trong nước trưởng thành, đủ sức cạnh tranh với hàng hóa quốc tế.
Tại Việt Nam, pháp luật về phòng vệ thương mại đã có những bước phát triển nhất định nhằm tái thiết lập trật tự trong cạnh tranh giữa hàng hóa nhập khẩu và hàng hóa nội địa, đúng với tư duy của chủ nghĩa tự do kinh tế, nhưng cũng là công cụ bảo vệ ngành sản xuất trong nước đối với hàng nhập khẩu.
Tuy nhiên, theo Ts. Trần Toàn Thắng, Phó ban Môi trường kinh doanh và Năng lực cạnh tranh, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM): “Hàng rào thương mại ở Việt Nam còn thô, thiếu hiệu quả do chưa thực sự thay đổi được sự bảo hộ đối với một số ngành trong nước”.
Chẳng hạn như phòng vệ thương mại trong thị trường Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) hiện nay, theo giới chuyên gia, các cơ chế tự vệ là nhu cầu tự thân của doanh nghiệp Việt, nhưng nói ví von là “phía ta chỉ lập được hàng rào phòng vệ cao 1,2m trong khi phía họ cao đến 1,8m nên họ nhảy qua mình cái một” khiến cho việc đề xuất thiết lập phòng vệ thương mại vẫn vấp phải những nghi ngại.
Vì vậy, động thái của Tổng cục Hải quan trong việc “siết” những mặt hàng nhập mà Việt Nam có thể sản xuất được cho thấy đây chỉ là một trong nhiều biện pháp để ngăn đà “đổ bộ” của hàng ngoại đang làm điêu đứng nhiều ngành hàng trong nước, mà chăn nuôi, nông sản hay lĩnh vực công nghiệp phụ trợ là những trường hợp điển hình.
Điều quan trọng là việc chỉ đạo này của Tổng cục Hải quan đến các cục hải quan tỉnh, thành và các đơn vị nghiệp vụ có được triển khai quyết liệt, hiệu quả hay không khi “bài toán” hạn chế nhập những mặt hàng Việt Nam sản xuất được còn khá nan giải.
Thế Vinh