Tính chung 6 tháng đầu năm 2016, tổng vốn FDI đăng ký cấp mới và tăng thêm vào Việt Nam là 11,284 tỷ USD. Ước tính các dự án FDI đã giải ngân được 7,25 tỷ USD, tăng 15,1% so với cùng kỳ năm 2015.
Chia sẻ lợi ích với Việt Nam
Theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, dù_dự nhiều hội nghị, hội thảo về công nghiệp hỗ trợ (CNHT), nhưng bộ trưởng cũng_“thưa thật” rằng_không có sự hỗ trợ, chia sẻ của doanh nghiệp FDI, CNHT của Việt Nam rất khó phát triển và “chỉ là khẩu hiệu, mơ ước”, thậm chí “muôn đời không làm được”.
Phân tích về vấn đề này, bộ trưởng cho rằng CNHT có ba cấp độ. Trong đó, ở cấp độ cao nhất đòi hỏi trình độ công nghệ cao, bí quyết công nghệ thì thường nằm ở những tập đoàn lớn, những nước có nền công nghiệp phát triển. Họ phải giữ bí quyết, làm phụ tùng quan trọng.
Ở cấp độ thấp nhất, là chỉ cần cung cấp phụ tùng, linh kiện nhanh, rẻ, thuận lợi. Hiện nay, Việt Nam mới chỉ dừng lại ở cấp độ này, nhưng cũng không cạnh tranh được với các_doanh nghiệp Trung Quốc, vì giá bán của họ rất thấp.
Theo Bộ trưởng, có một thực tế là FDI luôn nói rất muốn hỗ trợ, mua hàng của doanh nghiệp Việt Nam nhưng doanh nghiệp Việt lại không đáp ứng được yêu cầu. Trong khi đó, doanh nghiệp Việt Nam nghĩ mình nhỏ, không dám tham gia cuộc chơi, không dám đầu tư bởi sợ không có ai mua vì không cạnh tranh nổi.
Thẳng thắn trao đổi với cộng đồng doanh nghiệp, Bộ trưởng Bộ KH-ĐT chia sẻ: “Rất muốn doanh nghiệp FDI chia sẻ với doanh nghiệp Việt Nam, bằng cách hợp tác, bổ sung cái Việt Nam còn thiếu. Đặc biệt,_có hỗ trợ thì doanh nghiệp Việt Nam mới tham gia được”.
Đồng quan điểm với Bộ trưởng Dũng, Gs-TSKH Nguyễn Mại – Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (VAFIE) – cho biết, doanh nghiệp FDI đang sử dụng 3,5 triệu lao động tại Việt Nam.
Ông Mại dẫn chứng là cách đây vài ngày, Tổng Giám đốc Samsung Việt Nam đã công bố rằng đơn vị này đã có 190 doanh nghiệp hỗ trợ từ Việt Nam, trong đó có 12 nhà cung ứng cấp một.
Theo số liệu từ Hải quan, hiện khối FDI đóng góp khoảng 20% tổng thu ngân sách và khoảng 20% vào GDP Việt Nam. Doanh nghiệp FDI đang chiếm 72% kim ngạch xuất khẩu.
Trong 5 tháng đầu năm, dù doanh nghiệp trong nước vẫn nhập siêu lên tới 6,7 tỷ USD, nhưng nhờ xuất siêu của khối FDI, Việt Nam đã xuất siêu 1,64 tỷ USD.
Đánh giá cao vai trò của doanh nghiệp FDI đối với nền kinh tế trong nước trong quá trình hội nhập, song ông Dũng cũng thừa nhận vẫn còn một số doanh nghiệp chưa tốt, như vấn đề ô nhiễm môi trường, chuyển giá, chiếm diện tích đất quá nhiều, triển khai dự án chậm, nhiều dự án lớn chưa có sự chia sẻ với doanh nghiệp Việt Nam…
Đã có 190 DN Việt cung ứng cho Samsung
Sẽ thân thiện hơn với doanh nghiệp?
Theo ông Nguyễn Mại, ngày càng có nhiều doanh nghiệp FDI tìm hiểu, chọn Việt Nam để triển khai dự án đầu tư, đồng nghĩa với uy tín, sức hấp dẫn của môi trường kinh doanh nước ta không ngừng nâng lên.
Thực tế, thời gian qua, đã có nhiều chính sách hỗ trợ từ Chính phủ, cơ quan chức năng cho khối doanh nghiệp này. Trong đó có việc xây dựng, hoàn thiện thể chế, khung khổ pháp lý theo hướng ngày càng thuận lợi hơn cho doanh nghiệp hoạt động.
Xác định vai trò quan trọng của doanh nghiệp, tại hội thảo, Bộ trưởng Dũng đặt câu hỏi: “Chính phủ cần phải làm gì nữa để doanh nghiệp phát triển hơn. Chúng tôi rất mong muốn tiếp tục được lắng nghe, để xem sẽ phải làm những gì trong thời gian tới”.
Ông Dũng cho biết Nghị quyết 19 và Nghị quyết 35 về hỗ trợ phát triển doanh nghiệp đã xác định rõ Chính phủ kiến tạo, đổi mới tư duy, hướng tới mục tiêu chuyên nghiệp, lấy hiệu quả làm thước đo hoàn thành nhiệm vụ của cán bộ. Nói cách khác, cần rút ngắn khoảng cách giữa cơ quan quản lý với DN trên tinh thần hiểu biết, thân thiện.
Bộ trưởng Dũng cho rằng trước đây, chúng ta nặng về quản lý thì giờ chúng ta chuyển sang phục vụ doanh nghiệp. Trước đây, chúng ta chỉ chặt chẽ khâu đầu, tức là lúc chưa cấp phép, nhưng sau đó thì buông lỏng quản lý.
“Giờ chúng ta sẽ thay đổi theo hướng doanh nghiệp được phép tự do kinh doanh những gì pháp luật không cấm. Tuy nhiên, Nhà nước sẽ giám sát chặt chẽ các khâu sau, không buông lỏng quản lý”. Bộ trưởng Bộ KH-ĐT khẳng định.
Thông qua những buổi đối thoại trực tiếp, Bộ trưởng Dũng cũng mong muốn chính quyền sẽ trở nên “thân thiện” hơn nữa với doanh nghiệp. Trước đây, chúng ta còn có nhiều khoảng cách, chính quyền hay coi doanh nghiệp là những người có điều kiện tài chính, nên hay tạo ra rào cản, cản trở doanh nghiệp, nhũng nhiễu, hạch sách doanh nghiệp.
Trong thời gian tới, Bộ trưởng Dũng nhấn mạnh việc xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật sẽ hướng tới sự thân thiện, cởi mở hơn. Khi doanh nghiệp thấy sự thân thiện của Chính phủ, pháp luật đồng bộ hiệu quả, người ta mới yên tâm bỏ tiền ra đầu tư, làm ăn.
Đánh giá cao những nỗ lực của Chính phủ, Gs Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội đầu tư nước ngoài, nhìn nhận rằng cuộc chiến với giấy phép con của Chính phủ tại các bộ, ngành khi lược bỏ các điều kiện kinh doanh quy định trong Thông tư và nâng lên thành Nghị định là “cuộc đấu tranh từ bỏ lợi ích nhóm”.
“Trong hai tuần vừa rồi, đây là cuộc đấu tranh rất thời sự, là minh chứng cho cuộc đấu tranh không cân sức giữa đổi mới và chống lại bảo thủ để thực hiện mục tiêu Nhà nước kiến tạo, tạo hành lang thông thoáng và thúc đẩy đổi mới và phát triển” – Gs Mại đánh giá.
Thanh Hoa
Ông Hong Sun - Tổng Thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp Hàn Quốc tại Việt Nam (KorCham) Muốn thu hút được dòng vốn FDI chất lượng cao, thay vì thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài một cách tràn lan, thiếu định hướng, Việt Nam phải thu hút nguồn vốn đầu tư vào những ngành, lĩnh vực còn thiếu và yếu, phải phát triển được ngành CNHT. Thêm vào đó, Việt Nam phải có chính sách ưu đãi đầu tư hợp lý và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Ông Nguyễn Thế Phương - Thứ trưởng Bộ KH-ĐT Để tạo môi trường đầu tư mới hấp dẫn cũng như nâng cao hiệu quả thu hút dòng vốn FDI trong thời gian tới, Việt Nam sẽ quan tâm hơn nữa đến chất lượng FDI, sàng lọc, tiếp nhận dòng vốn FDI chất lượng cao hơn. Ông Đỗ Nhất Hoàng - Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ KHĐT) Thời gian tới, chúng tôi sẽ chọn lọc các dự án có công nghệ hiện đại, thân thiện với môi trường và tăng cường sự liên kết giữa các khu vực; các ngành, lĩnh vực tạo ra các sản phẩm có lợi thế cạnh tranh, sản phẩm có khả năng tham gia mạng sản xuất và chuỗi giá trị toàn cầu như: công nghệ cao, cơ khí, công nghệ thông tin và truyền thông, dược; công nghiệp môi trường và các ngành sử dụng năng lượng sạch, năng lượng tái tạo… Những dự án tiết kiệm nhiên liệu, không sử dụng nhiều lao động giá rẻ cũng sẽ được ưu tiên. |