Trong buổi nhóm họp với các DN vừa và nhỏ (SME) mới đây do Hiệp hội Doanh nghiệp Tp.HCM tổ chức, khi nói về khó khăn trong việc vay vốn ngân hàng, ông Nguyễn Anh Tuấn, Giám đốc công ty TNHH Long Biên, chuyên sản xuất kinh doanh thuỷ sản, đã đặt câu hỏi mà cũng là thắc mắc chung của không ít SME có các “tài sản trí tuệ”.
Đó là nếu DN dùng giấy chứng nhận quyền sở hữu trí tuệ, quyền sở hữu công nghiệp để làm tài sản thế chấp nhằm vay vốn ngân hàng để mở rộng sản xuất kinh doanh (SXKD) để ứng phó áp lực cạnh tranh trước hội nhập sâu rộng thì có được chấp nhận hay không?
Còn nhiều rào cản
Theo ông Tuấn, đây là “tài sản vô hình” nhưng vô cùng giá trị, duy nhất còn sót lại sau khi các DN đã thế chấp hết các tài sản có giá trị cho ngân hàng để vay vốn làm ăn. Tuy nhiên, rào cản lớn về vốn đang là thách thức lớn cho các SME trong quá trình hội nhập và cũng là mối quan tâm hàng đầu của Chính phủ hiện nay.
Đây cũng là bài toán mới cho SME Việt tồn tại và cạnh tranh trước các hiệp định thương mại tự do (FTA) mà Việt Nam đã ký kết, khi 58 quốc gia bỏ hàng rào thuế quan.
Theo số liệu thống kê gần đây nhất, tính đến 31/3/2016, dư nợ tín dụng cho các SME là 1.070.810 tỷ đồng (tăng 1,76% so với 31/12/2015), thấp hơn tỷ lệ tăng trưởng tín dụng chung của nền kinh tế. Mức vay này được đánh giá vẫn còn khiêm tốn, thấp hơn mức tăng trưởng chung của nền kinh tế
Nói về “tài sản vô hình” của các SME, bà Trần Thị Hồng Hạnh, Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam, cho rằng với giá trị khởi tạo hoặc phát sinh trong quá trình sản xuất kinh doanh, tài sản trí tuệ được biểu hiện dưới nhiều hình thức: Bằng sáng chế, bí mật kinh doanh, nhãn hiệu, bản quyền, tên thương mại…
Lẽ đương nhiên, theo bà Hạnh, quyền sở hữu đối với các tài sản trí tuệ được pháp luật bảo vệ là nguồn tài nguyên vô tận của các SME. Bởi vì tài sản trí tuệ đem lại thu nhập cho DN dưới các hình thức nguồn thu nhập (thông qua bán, chuyển nhượng, cho thuê quyền sở hữu tài sản trí tuệ) hoặc tài sản có giá trị (thông qua giữ riêng tài sản trí tuệ cho mình để sử dụng cho quá trình SXKD vì mục tiêu lợi nhuận).
Tuy nhiên, để dùng “tài sản vô hình” làm tài sản thế chấp vay vốn ngân hàng thì vẫn còn là vấn đề nan giải khi nhiều ngân hàng vẫn chưa thể tạo điều kiện xem xét cho vay đối với DN chất lượng tốt mà không cần dựa hoàn toàn vào tài sản đảm bảo.
![]() |
Với các DN vừa và nhỏ, để dùng “tài sản vô hình” làm tài sản thế chấp vay vốn ngân hàng vẫn là vấn đề nan giải
Bao giờ có giá trị thực sự ?
Giới chuyên gia lưu ý rằng các vấn đề theo thông lệ quốc tế về sở hữu trí tuệ, tài trợ vốn cho DN có bảo đảm bằng bất động sản, logistic trong quản trị, điều hành sản xuất kinh doanh của DN vẫn chưa được triển khai, áp dụng rộng rãi ở Việt Nam.
Theo giới chuyên gia, những năm gần đây, khái niệm “tài sản vô hình” đã đứng đằng sau nhiều thương vụ phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) trên thế giới.
Giá trị kinh doanh thực sự đang ngày càng phụ thuộc vào lượng tài sản vô hình – loại tài sản không có hình thái vật chất, nhưng lại vô cùng giá trị, như quyền sở hữu trí tuệ, thương hiệu hay nguồn nhân lực của một công ty.
Vì vậy, bài toán đặt ra cho bộ phận tài chính của các SME Việt Nam là làm thế nào để giá trị của “tài sản vô hình” được hiểu chính xác?
Bộ phận tài chính cần xác định bản chất và vạch rõ giá trị thực sự của DN. Họ phải có khả năng phân tích, đo lường, và báo cáo chính xác về lượng “tài sản vô hình” hiện hữu trên dữ liệu cấu trúc và phi cấu trúc trong hệ thống DN.
Theo luật sư Phạm Vũ Khánh Toàn, Trưởng Văn phòng Luật sư Phạm và Liên danh, sở hữu trí tuệ là một trong những nội dung quan trọng để DN Việt có thể kêu gọi được vốn.
Bởi vì, có đảm bảo được sự sáng tạo và chiến lược phát triển lâu dài, tôn trọng được các nguyên tắc của sở hữu trí tuệ thì các SME mới nhận được sự hỗ trợ lâu dài của ngân hàng qua các chương trình, chính sách.
Trên thực tế, lâu nay, đối với các SME, việc tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng còn hạn chế do quy mô vốn nhỏ, chiến lược kinh doanh chưa rõ ràng, bị động về thị trường tiêu thụ, tính minh bạch về tài chính chưa cao, năng lực quản trị điều hành còn hạn chế…
Theo ông Phạm Ngọc Hưng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Tp.HCM, tuy hội nhập mang đến cho Việt Nam rất nhiều cơ hội nhưng với các SME thì lại gửi đến rất nhiều thách thức. Một trong những thách thức là vấn đề kêu gọi vốn hoặc vấn đề về sở hữu trí tuệ.
Trước những thách thức như vậy, nói như bà Trần Thị Hồng Hạnh, các SME nên huy động vốn bằng nội lực của chính mình. Các SME cần tích tụ, tập trung vốn, mở rộng, phát triển sản xuất kinh doanh từng bước vững chắc phù hợp với khả năng quản lý và mức sinh lợi của vốn để đảm bảo an toàn và hiệu quả trong kinh doanh.
Hơn nữa, cần tăng tính minh bạch và trách nhiệm giải trình, coi đây là công cụ để xây dựng DN vững mạnh, nâng cao uy tín, thương hiệu của DN – cơ sở nền tảng để huy động vốn, phát triểm mạng lưới kinh doanh.
Thế Vinh