Tại Hội nghị tham tán thương mại năm 2018 vừa diễn ra, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã kể lại câu chuyện về Tham tán thương mại Nhật Bản ở Việt Nam có quan hệ với cấp chính quyền rất tốt, rất lăn lộn, có kiến thức sắc sảo, hiểu biết pháp luật Việt Nam, tích cực đấu tranh với bộ, ngành những việc cản trở thương mại hai nước.
Vẫn có người lo việc nhà hơn việc nước...
Thủ tướng cho rằng đây là bài học kinh nghiệm cho các tham tán của Việt Nam phải học hỏi. “Chúng ta có làm được điều đó không? Chúng ta có lăn lộn được vậy không; Chúng ta còn hời hợt quá hay không; Tôi nói điều này để các đồng chí suy nghĩ”, Thủ tướng đặt câu hỏi và yêu cầu tránh tư tưởng “cưỡi ngựa xem hoa, nước chảy bèo trôi” trong công tác tham tán.
Thống kê của Bộ Công Thương cho thấy: sau hơn 30 năm đổi mới, Việt Nam đã có quan hệ thương mại, đầu tư với gần 200 quốc gia và vùng lãnh thổ. Nếu như năm 1986, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của cả nước mới đạt 2,944 tỷ USD, thì đến năm 2017 đã lên đến trên 400 tỷ USD, tăng gấp khoảng 140 lần.
Trong thành công này, không thể không nhắc đến vai trò của hệ thống thương vụ Việt Nam tại nước ngoài. Có thể ví họ như “ông Tơ – bà Nguyệt” về lĩnh vực kinh tế thương mại hay “người xây cầu” kết nối thị trường Việt Nam với thế giới và ngược lại.
Theo thống kê của Bộ Công Thương về cơ cấu tổ chức và nhân sự hệ thống thương vụ 2016 – 2017, hiện có 57 thương vụ và 7 chi nhánh thương vụ tại nước ngoài. Các thương vụ đã thực hiện tốt nhiệm vụ được giao; chủ động triển khai hiệu quả các hoạt động chuyên môn; chủ động tìm hiểu thị trường sở tại và thông tin kịp thời để Nhà nước có đối sách phù hợp; đồng thời hỗ trợ tốt cho các DN.
Tuy nhiên, Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh thừa nhận hoạt động của các thương vụ cũng còn một số tồn tại, hạn chế nhất định.
Về mặt chủ quan, thương vụ tại một số địa bàn có lúc còn chưa bao quát hết được yêu cầu công việc, tính chủ động cũng chưa thật cao, quan hệ phối hợp có lúc chưa được thông suốt.
Về mặt khách quan cũng có khó khăn khi khối lượng công việc tăng lên do phải đảm nhiệm thêm một số công việc trong công tác phối hợp với cơ quan đại diện. Việc triển khai một số hoạt động chuyên môn còn gặp vướng mắc về kinh phí cũng như thủ tục.
“Công tác tìm hiểu, nghiên cứu thị trường, tiếp xúc đối tác tại một số thị trường bị hạn chế bởi không có nhân sự sử dụng ngôn ngữ bản địa. Những vướng mắc, hạn chế này cần được quan tâm xử lý trong thời gian tới”, ông Khánh cho biết.
Đánh giá cao những đóng góp của các thương vụ Việt Nam đối với sự phát triển của đất nước, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết Chính phủ luôn lắng nghe ý kiến đóng góp của các thương vụ thông qua Bộ Công Thương, Bộ Ngoại giao và các bộ, ngành liên quan khác để xem “nước sở tại họ cần gì, loại sản phẩm nào, tiêu chuẩn làm sao…” để chúng ta có thị trường ổn định cho các sản phẩm Việt Nam có thế mạnh, lợi thế so sánh.
Tuy nhiên, Thủ tướng cũng đề nghị có biện pháp xử lý cần thiết, thuyên chuyển những cán bộ làm tham tán thương mại ở các nước mà không biết làm việc: “Còn có cán bộ lo việc nhà hơn việc nước, hời hợt, ít am hiểu thị trường, chưa thông thạo công việc, ngại khó ngại khổ, hay còn có thương vụ ít đề xuất về nước những vấn đề đặt ra đối với thị trường mình phụ trách”.
Thủ tướng nhắn nhủ các tham tán thương mại cần lấy thành công của DN, của hàng hóa XK Việt Nam làm thước đo hiệu quả làm việc của mình
Yêu cầu cao với “tuyến đầu”
Thủ tướng nhấn mạnh thương vụ cũng phải phục vụ DN, phục vụ sự phát triển, chứ không phải “ăn trên ngồi trước”. Nghĩa là thương vụ cũng cần thực hiện phương châm 10 chữ “Kỷ cương, Liêm chính, Hành động, Sáng tạo, Hiệu quả” bằng những việc làm cụ thể: quyết tâm hành động mạnh mẽ, không ngồi chờ DN đến “nhờ”, mà phải chủ động làm việc với các đối tác, DN sở tại.
“Các đồng chí thương vụ cần lấy thành công của DN, của hàng hóa xuất khẩu (XK) Việt Nam làm thước đo hiệu quả làm việc của mình”, Thủ tướng yêu cầu.
Nhận định các thương vụ giờ không còn chờ DN dệt may tới nhờ cậy nữa, không cần sự hỗ trợ “cầm tay dắt đi” như thời gian trước mà đã chủ động, tuy nhiên, Tổng Giám đốc Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) Lê Tiến Trường vẫn muốn đặt 5 “đơn hàng” với các thương vụ.
Cụ thể, với thị trường XK truyền thống, ông Trường cho biết DN dệt may vẫn quan tâm tới chính sách thuế, môi trường, sản phẩm…, những rào cản phi thuế quan hay thay đổi nên cần các thương vụ cập nhật liên tục.
Với thị trường Trung Quốc – thị trường XK lớn nhất của dệt may Việt Nam nhưng hiện nay đang có chính sách tồn trữ bông, DN dệt may mong muốn có thông tin cụ thể về chính sách này.
Bên cạnh đó, ngành dệt may có cơ hội lớn XK sang Australia, Canada, nên Vinatex đề nghị thương vụ ở thị trường này giúp đỡ để DN tiếp cận được. “Nếu ngay từ mùa Thu Đông 2018 thì quá tốt”, ông Trường cho biết.
Hay với thị trường Nga nói riêng và thị trường các nước thuộc Liên minh kinh tế Á – Âu nói chung, XK dệt may sẽ được thúc đẩy nhờ các hiệp định thương mại tự do (FTA) đã ký. Trước đây là thị trường truyền thống của dệt may nhưng sau 30 năm quay lại lại khá bỡ ngỡ nên cần sự quan tâm để có thể phát triển được.
Đặc biệt, ông Trường cho biết tới giờ phút này, ngoài quần áo, hàng dệt may Việt Nam còn có sợi, vải, năng lực thiết kế kỹ thuật quần áo như trung tâm “outsourcing” (thuê ngoài) của các thị trường trên. Ngành dệt may hy vọng được các thương vụ giúp đỡ hơn.
Bà Nguyễn Thị Tuyết Minh, Chủ tịch Hội đồng Doanh nhân nữ Việt Nam, kiến nghị các thương vụ cần cập nhật thông tin thay đổi của thị trường một cách nhanh chóng nhất. Đồng thời, cung cấp, giới thiệu kết nối hiệp hội doanh nhân nữ ở các nước với Việt Nam.
Nhấn mạnh năng lực sản xuất trong nước hiện rất lớn và vấn đề lo nhất là thị trường ổn định, chấp nhận sản phẩm hàng hóa Việt Nam, Thủ tướng yêu cầu các thương vụ cần tập trung đề xuất giải pháp tận dụng các ưu đãi FTA để đưa hàng Việt Nam tiếp cận thị trường sở tại cũng như vận động DN nước sở tại hợp tác với DN Việt Nam, khai thác các cơ hội, phòng tránh rủi ro, phối hợp giải quyết các vướng mắc phát sinh trong quá trình thực hiện FTA.
Thủ tướng cũng lưu ý chúng ta không chỉ có thị trường của 100 triệu dân, mà còn có thị trường trên 630 triệu dân của ASEAN, một thị trường có quan hệ thương mại tự do với 55 quốc gia, nền kinh tế thế giới. Các tham tán thương mại cần hiểu điều này để thâm nhập sâu hơn, khai thác mạnh mẽ hơn các thế mạnh của Việt Nam.
Thủ tướng nhấn mạnh tinh thần là đoàn kết, kỷ luật, kỷ cương trong hoạt động của thương vụ, là một cơ quan thành viên của cơ quan đại diện của Việt Nam ở nước ngoài. “Các tham tán thương mại phải là một tập thể mạnh ở tuyến đầu đấu tranh bảo vệ lợi ích quốc gia, dân tộc”, Thủ tướng nói.
Lê Thúy
Thủ tướng Chính phủ - Nguyễn Xuân Phúc Các tham tán thương mại cần vượt qua tư duy nhiệm kỳ, e ngại khó khăn. Đồng thời, các bộ, ngành, địa phương, DN phải quản lý, bảo đảm chất lượng sản phẩm, thương hiệu, bao bì tốt, không được “tiền hậu bất nhất”, phải cải cách thủ tục hành chính tốt hơn, tạo điều kiện hơn cho sản xuất, XK thì thương vụ Việt Nam ở nước ngoài mới “nói mạnh miệng được”. Bộ trưởng Bộ Công Thương - Trần Tuấn Anh Bộ Công Thương sẽ có những đong đếm cụ thể chất lượng hiệu quả, công việc của các thương vụ gắn với sự hài lòng của địa phương, hiệp hội, DN và tham mưu chính sách. Đồng thời, tới đây sẽ tập trung vào các giải pháp cụ thể, khắc phục tồn tại trong bối cảnh kinh tế có độ mở cao để hướng tới mục tiêu 500 tỷ USD kim ngạch xuất nhập khẩu. Đặc biệt, giảm tối đa biểu hiện tư tưởng nhiệm kỳ, tư tưởng cá nhân của các tham tán thương mại. Tổng Giám đốc Hapro - Vũ Thanh Sơn Chúng tôi mong muốn thương vụ làm cầu nối giữa các DN bán lẻ Việt Nam với các tập đoàn siêu thị ở nước ngoài. Đồng thời, tiếp tục tìm hiểu, giới thiệu ở các hội chợ chuyên ngành về các mặt hàng có thế mạnh của Việt Nam. |