Trong “lãnh địa” khởi nghiệp, Israel – quốc gia mới thành lập hơn 65 năm với dân số 8 triệu người – được xem là quốc gia khởi nghiệp khi vượt qua cả Mỹ về số vốn đầu tư mạo hiểm trên mỗi người.
Mới đây, khi hội kiến với Tổng thống Israel Reuven R.Rinlin, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nhấn mạnh rằng Chính phủ Việt Nam rất mong muốn học hỏi mô hình quốc gia khởi nghiệp của Israel. Theo đó, trong lĩnh vực khởi nghiệp, Chính phủ Việt Nam hy vọng Israel sẽ cử chuyên gia sang giúp Việt Nam tại các cơ sở sản xuất, trường đại học…
“Thiên thời, địa lợi, nhân hòa”
Những động thái trên đã cho thấy rõ quyết tâm lớn từ phía Chính phủ. Nói về điều này, đại diện cho cộng đồng DN, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam – ông Vũ Tiến Lộc - đánh giá việc Chính phủ ban hành Nghị quyết 35 về khởi nghiệp – với mục tiêu 5 năm tăng gấp đôi số lượng DN thành lập mới khẳng định “tham vọng” theo nghĩa tích cực từ phía Chính phủ.
Đặc biệt, ông Lộc cho biết, nhiều chuyên gia nước ngoài đã đánh giá cao các chính sách tích cực trên của Việt Nam; họ nhận xét chưa ở đâu đưa ra một mục tiêu mạnh mẽ về thành lập DN đến như vậy. Đáng chú ý, sắp tới, bên lề Hội nghị Cấp cao APEC 2017, Việt Nam sẽ tổ chức Diễn đàn Khởi nghiệp APEC với nhiều nội dung chính như: Hệ sinh thái khởi nghiệp APEC, Phát triển cộng đồng khởi nghiệp APEC, Chỉ số khởi nghiệp APEC…
Nói về kỳ vọng tổ chức Diễn đàn Khởi nghiệp có quy mô quốc tế này, ông Lộc nhấn mạnh: “Chúng tôi tổ chức diễn đàn khởi nghiệp này vì thế giới đang bước sang cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ IV, đồng thời tinh thần khởi nghiệp ở Việt Nam hiện thuộc hàng cao trên thế giới. Chúng ta có thể học hỏi tinh thần khởi nghiệp từ nhiều quốc gia, nhất là Israel. Tinh thần khởi nghiệp của người Israel đã khiến “sa mạc nở hoa” trên nước họ. Vì vậy, nếu tinh thần khởi nghiệp của Việt Nam được thắp lên, chúng ta có thể hoàn toàn làm được như Israel”.
Trước đó, theo báo cáo của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, kết quả khảo sát khởi nghiệp ở Việt Nam cho thấy 76% người trưởng thành cho rằng doanh nhân là một nghề được xã hội tôn trọng, 74% người trưởng thành có mong muốn trở thành doanh nhân và cứ 5 người trưởng thành ở Việt Nam có một người có kế hoạch khởi nghiệp trong ba năm tới. Chỉ số này khẳng định Việt Nam là một trong những nước có tinh thần khởi nghiệp hàng đầu thế giới.
Đồng thời, các báo cáo khác cũng cho thấy, năm 2015, Việt Nam được bình chọn đứng thứ 7 trong 44 nước tham gia có tinh thần khởi nghiệp cao nhất thế giới, sau Đan Mạch, Nam Phi, Thái Lan, Anh, Trung Quốc và Ấn Độ.
Vì vậy, Chính phủ xác định lấy năm 2016 làm năm Khởi nghiệp quốc gia với mục tiêu xây dựng một Chính phủ kiến tạo, liêm chính và hành động. Kể từ khi công bố mục tiêu này từ tháng 5/2016 đến hết năm 2016, có khoảng 110 nghìn DN khởi nghiệp được thành lập.
Khởi nghiệp đang dần trở thành một tập quán mới ở Việt Nam, thể hiện là một xu hướng quan trọng trong huy động và ở mức cao hơn là giải phóng mọi nguồn lực xã hội cả trong và ngoài nước, tạo lực lượng sản xuất mới.
Tuy nhiên, số DN khởi nghiệp thất bại cũng chiếm tỷ lệ không nhỏ, không dưới 10% trong vòng một năm đầu tiên. Điều này cho thấy, bên cạnh những thành công, công cuộc khởi nghiệp của Việt Nam đã bộc lộ nhiều hạn chế.
![]() |
Muốn trở thành quốc gia khởi nghiệp, Việt Nam cần phải tháo gỡ những khó khăn về thể chế và nâng cao năng lực cạnh tranh của DN Việt.
Phong trào phải hiệu quả
Ông Lộc nhận định, mặc dù tinh thần khởi nghiệp của Việt Nam thuộc hàng đầu thế giới, nhưng Việt Nam lại thuộc 20 nền kinh tế khởi nghiệp thất bại nhất thế giới. Kết quả này chứng tỏ khả năng quản trị và thực hiện ý tưởng của Việt Nam rất kém. Do đó, các DN cần phải tham dự một lớp “bình dân học vụ” về quản trị, điều hành DN bởi khởi nghiệp không chỉ có mỗi ý chí, tinh thần mà còn cần tới mô hình quản trị một cách bài bản.
Bên cạnh đó, cũng có ý kiến cho rằng hiệu lực của chính sách khởi nghiệp tác động trực tiếp tới công chúng chưa cao, nhất là thủ tục vẫn còn rườm rà.
Nói về khía cạnh này, Ts. Nguyễn Đình Trung, trường Đại học Kinh tế Quốc dân, phân tích, theo ý kiến của chủ khởi nghiệp, để tiếp cận nguồn vốn khởi nghiệp đổi mới – sáng tạo trong nông nghiệp được thực hiện thông qua các ngân hàng thương mại, chủ khởi nghiệp phải nhận được ý kiến đồng ý của Liên minh Hợp tác xã, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, ý kiến của lãnh đạo tỉnh, tổng thời gian cần thiết để hoàn thành các loại thủ tục này mất gần sáu tháng.
“Cho đến nay, chưa có một chủ khởi nghiệp nào tiếp cận được nguồn vốn này”, Ts. Trung khẳng định. Ngoài ra, cách hiểu nội dung văn bản quy định vẫn còn chưa thống nhất giữa cơ quan ban hành và cơ quan thực hiện, có trường hợp tiêu chuẩn sử dụng để đánh giá chưa rõ ràng như thiếu các tiêu chí khởi nghiệp đổi mới – sáng tạo trong nông nghiệp.
Điều này gây lúng túng cho quá trình thực hiện, nhất là trong thẩm định hồ sơ yêu cầu tiếp nhận hỗ trợ từ phía Nhà nước. Do bản chất là nền kinh tế thị trường nên quá trình cạnh tranh diễn ra liên tục, gay gắt, tạo áp lực rất lớn đối với các chủ khởi nghiệp. Dẫn tới số lượng khởi nghiệp được thành lập và số lượng khởi nghiệp duy trì hoạt động ổn định, lâu dài có sự khác nhau đáng kể. Hơn nữa, do tác động của xu hướng tự do hóa thương mại, mở cửa thị trường, hàng nhập khẩu gia tăng làm tăng tính cạnh tranh trên thị trường khiến khởi nghiệp ngày càng khó khăn.
Vì vậy, Ts. Trung cho rằng những kinh nghiệm quốc tế cả về thành công và thất bại của khởi nghiệp có thể áp dụng vào điều kiện hiện nay ở Việt Nam khi Việt Nam đang trong giai đoạn đầu thực hiện mục tiêu thành lập quốc gia khởi nghiệp.
Do đó, Chính phủ cần tiếp tục chủ trương xây dựng Chính phủ kiến tạo, liêm chính và hành động để tạo nhận thức đầy đủ, toàn diện và triệt để trong phục vụ khởi nghiệp. Bởi nếu không khởi nghiệp hiệu quả, đất nước không thể phát huy và khai thác hết nguồn lực, mục tiêu trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2020 sẽ khó thực hiện.
Đồng thời, các chủ trương, chính sách thúc đẩy khởi nghiệp cần được ban hành và hoàn thiện trong tất cả các lĩnh vực để huy động triệt để mọi nguồn lực, mọi lực lượng cả trong và ngoài nước, mọi lứa tuổi cùng phát triển. Cụ thể, bên cạnh coi trọng khởi nghiệp công nghệ cao hoặc lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao có thể khuyến khích khởi nghiệp trong các lĩnh vực khác như dịch vụ bán buôn, bán lẻ hàng hóa trực tiếp hoặc qua mạng, dịch vụ vui chơi, giải trí, giáo dục, thể dục – thể thao…
Ngoài ra, hệ thống thông tin, sàn giao dịch khởi nghiệp cũng cần được xây dựng và kết nối liên thông trong nước và ngoài nước, tiếp cận hấp dẫn và thuận lợi đối với tất cả các đối tượng quan tâm. Các loại quỹ hỗ trợ khởi nghiệp như: quỹ mạo hiểm, quỹ đầu tư thiên thần, vườn ươm khởi nghiệp, lồng ấp chủ khởi nghiệp cần được xây dựng để tạo điều kiện cho những cá nhân, tổ chức có nhu cầu khởi nghiệp có thể trải nghiệm, loại bỏ các bước đi thăm dò và mò mẫm ban đầu. Có thể đưa ra những biện pháp khuyến khích khởi nghiệp ở nước ngoài và chuyển giao các mô hình khởi nghiệp đó về Việt Nam.
Lê Thúy
Ông Vương Đình Huệ, Phó Thủ tướng Chính phủ Các DN Việt Nam cần học cách khởi nghiệp vì Israel là quốc gia khởi nghiệp hàng đầu thế giới. Hãy học cách người Israel sử dụng tài nguyên eo hẹp của mình, nhất là tài nguyên nước, hiệu quả như thế nào. Và trên tất cả, hãy học cách người Israel đoàn kết và lao động cùng nhau để cùng tạo ra một đất nước Israel như tất cả chúng ta đều đang thấy. Ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam Cần phải có cơ chế đối thoại thường xuyên giữa chính quyền và DN dưới nhiều hình thức đa dạng, hình thức mềm như cà phê doanh nhân, có địa phương còn dành riêng ngày thứ Hai chỉ để gặp gỡ và giải quyết khó khăn cho DN. Ts. Nguyễn Đình Trung, trường Đại học Kinh tế Quốc dân Từ kinh nghiệm quốc tế có thể xây dựng thói quen kiểm định năng lực nhận thức và hành động theo các tiêu chí đánh giá thành công và thất bại của khởi nghiệp để điều chỉnh chiến lược, chính sách, thái độ, hành vi cũng như rèn luyện kỹ năng ứng xử trong các tình huống phức tạp, kể cả trong trạng thái bất định, khó lường. Ngoài những kỹ năng cứng về kiến thức, cần có kỹ năng dự báo thị trường, kỹ năng kết nối quan hệ, kỹ năng phân tích cơ hội và kỹ năng sử dụng các nguồn lực để sáng tạo giá trị lớn nhất trong cạnh tranh khởi nghiệp, tuyệt đối tránh tư tưởng trông chờ, ỷ lại trong khởi nghiệp. |