Bản báo cáo mới đây của công ty Cổ phần Hùng Vương (tức Thủy sản Hùng Vương) cho thấy những dấu hiệu không mấy sáng sủa khi lũy kế 9 tháng đầu năm tài chính niên độ (1/10/2016 – 30/9/2017) dù có mức doanh thu thuần khá lớn, khoảng 3.514,7 tỷ đồng, nhưng nếu so với cùng kỳ năm 2016 đã giảm mạnh đến 47%. Ngay cả lợi nhuận gộp cũng giảm 27%.
Điều bất ngờ ở chỗ là doanh thu xuất khẩu thuần của DN này trong 9 tháng trở lại đây đạt 5.234 tỷ đồng, tăng 12% so với cùng kỳ niên độ trước, nhưng doanh thu nội địa thuần giảm 30%.
Chi phí đội cao
Chi phí gia tăng ở mức cao là điều đáng nói trong chuyện này. Công ty cho biết chi phí tài chính đã tăng 25% so với quý III niên độ tài chính trước, chi phí bán hàng và chi phí quản lý trong kỳ cũng đồng loạt tăng lần lượt 17% và 21%.
Một “đại gia” khác trong ngành thủy sản là “vua tôm Minh Phú” – tức Tập đoàn Thủy sản Minh Phú, tuy chưa có số liệu mới nhất nhưng báo cáo tài chính quý I/2017 vừa qua cũng cho thấy khó khăn từ chi phí tăng.
Theo đó, giá vốn hàng bán của DN này tăng 34%, tăng hơn tốc độ tăng doanh thu khiến lãi gộp trong quý I chỉ còn 274 tỷ đồng, tăng 7%. Mặt khác, chi phí bán hàng, chi phí quản lý cùng những khoản nợ ngắn hạn và dài hạn đến vài nghìn tỷ đồng đã ảnh hưởng đến doanh thu, lợi nhuận của công ty.
Trường hợp của “ông lớn” khác là công ty Cổ phần Vĩnh Hoàn (tức Thủy sản Vĩnh Hoàn) trong quý II/2017 tuy đạt doanh thu 2.353 tỷ đồng, tăng 13% so với cùng kỳ năm 2016, nhưng lợi nhuận sau thuế chỉ đạt 138 tỷ đồng, giảm 38% so với cùng kỳ năm 2016.
Công ty này cho biết quý II/2017, giá nguyên liệu tăng bình quân 20% so với đầu năm, chi phí nguyên liệu tăng trong khi tốc độ tăng giá bán chưa theo kịp, ảnh hưởng nhất định đến biên lợi nhuận của công ty. Mặt khác, chi phí khấu hao tăng cũng là nguyên nhân ảnh hưởng đến lợi nhuận.
![]() |
Chi phí gia tăng đã ảnh hưởng lớn đến lợi nhuận của các “đại gia” thủy sản
Rõ ràng, dù ngành thủy sản có mức độ tăng trưởng tốt trong xuất khẩu nửa đầu năm nay với kim ngạch ước đạt 3,5 tỷ USD, tăng 14,1% so với cùng kỳ năm 2016, nhưng những khó khăn với các DN thủy sản, điển hình là các “ông lớn”, vẫn còn đó, đặc biệt về vấn đề chi phí, nợ nần.
Chưa kể, các hàng rào kỹ thuật từ thị trường xuất khẩu, nhất là với tôm, cá tra, đã ảnh hưởng lớn đến doanh thu của các DN ngành này. Chẳng hạn, Australia cấm nhập khẩu tôm trong sáu tháng đầu năm nay (hết hiệu lực từ ngày 06/7/2017) khiến cho nhiều DN lớn có hàng xuất khẩu sang thị trường này gặp khó khăn vào những tháng đầu năm.
Làm sao trụ vững?
Ngoài ra, tình trạng thiếu tôm nguyên liệu cũng là một ám ảnh lớn khiến nhiều DN thủy sản phải nhập khẩu tôm nguyên liệu. Việc này không chỉ khiến DN tốn kém nhiều chi phí, doanh thu sụt giảm, mà còn bị động trong kế hoạch sản xuất, kinh doanh.
Hiện tại, các DN xuất khẩu tôm phải nhập khẩu tôm nguyên liệu từ 37 nước, trong đó tôm chân trắng và tôm sú sống – đông lạnh chiếm phần lớn với tỷ trọng lần lượt là 65,9% và 20,3%, còn lại là các loại tôm khác.
Thậm chí, một chủ DN xuất khẩu thủy sản ở Đồng bằng sông Cửu Long cho biết, có lúc do giá tôm nguyên liệu trong nước cao hơn so với các nước xuất khẩu tôm khác, chất lượng lại không đồng đều, nguồn cung hạn chế, nên để tăng khả năng cạnh tranh và duy trì tốc độ xuất khẩu, bắt buộc các DN phải nhập nguyên liệu.
Còn như cá tra, trong khi thị trường EU ngày càng khó khăn thì thị trường Mỹ tiếp tục áp thuế Chống bán phá giá cao đối với cá tra và sẽ áp dụng chế độ kiểm soát nghiêm ngặt đối với cá tra từ ngày 01/9/2017. Đó là những thách thức lớn cho các “ông lớn” DN ngành cá tra nếu muốn tăng doanh thu.
Trong vấn đề chi phí gia tăng, hiện tượng “giấy phép con” đến nay vẫn còn là nỗi ám ảnh các DN thủy sản, nhất là việc phải chờ đợi sửa đổi quy định thủ tục cấp giấy tiếp nhận hợp quy và giấy xác nhận phù hợp các quy định an toàn thực phẩm trong xuất nhập khẩu.
Năm ngoái, Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) đã nhiều lần kiến nghị sửa đổi Nghị định 38/2012/NĐ-CP sau khi các DN thủy sản liên tục than phiền về tác động của quy định thủ tục cấp giấy tiếp nhận hợp quy và giấy xác nhận phù hợp các quy định an toàn thực phẩm. Cách đây một tháng, phía VASEP đã tiếp tục phản ánh chuyện này nhưng vẫn chưa được giải quyết.
Nhìn vào câu chuyện hụt thu của một số “đại gia” ngành thủy sản, ngoài vấn đề chi phí đội cao cần được tháo gỡ từ nhiều phía, giới chuyên gia ngành này cho rằng các DN cần nâng tỷ lệ tự cung nguồn nguyên liệu đến 65% nhằm tiết giảm chi phí đầu vào, đặc biệt vào những tháng khan hiếm nguyên liệu do điều kiện thời tiết bất lợi. Đồng thời các DN xuất khẩu thủy sản nên phát triển dòng sản phẩm chất lượng cao, sản phẩm giá trị gia tăng có biên lợi nhuận cao.
Ngoài ra, việc mở rộng thị trường mới để tăng doanh thu cũng là điều rất cần thiết. Lãnh đạo của Thủy sản Vĩnh Hoàn cho biết: Cuối năm 2016, DN này đã có thêm 5 thị trường mới để mở rộng mạng lưới khách hàng. Do tình hình xuất khẩu cá tra vào thị trường Mỹ gặp khó nên công ty đã giảm tỷ trọng xuất khẩu vào thị trường này xuống 58% và trong năm nay không đặt kế hoạch sản lượng mà chỉ tập trung tăng giá bán. DN này cũng tập trung tìm kiếm khách hàng mới ở châu Mỹ La-tinh, châu Á và một số nước châu Âu chưa có sản phẩm của công ty.
Thế Vinh