Tổng cục Thống kê (Bộ Kế hoạch và Đầu tư – KH&ĐT) vừa báo cáo tình hình hoạt động DN trong tháng Hai và hai tháng đầu năm 2017. Số DN phá sản hai tháng đầu năm tăng gần 15% so với cùng kỳ năm trước và số DN tạm ngừng hoạt động rất lớn, gần 16.400 DN.
Tổng cục Thống kê cho biết, số DN hoàn tất thủ tục giải thể trong hai tháng đầu năm 2017 là 2.500 DN, tăng 15%; số DN tạm ngừng hoạt động gần 16.400 DN, giảm 0,5% so với cùng kỳ năm trước.
“Như vậy, tổng số DN phá sản, ngừng hoạt động trong hai tháng đầu năm khoảng 18.900 DN, tương đương mỗi tháng có hơn 9.400 DN, mỗi ngày hơn 315 DN phá sản và ngừng hoạt động”, Tổng cục Thống kê cho biết._
10 khởi nghiệp, 01”sống sót”
Theo Tổng cục Thống kê, trong số các DN phá sản, gần 92% (2.326) DN có vốn dưới 10 tỷ đồng (DN vừa và nhỏ). Như vậy, hai tháng đầu năm, nền kinh tế mất đi khoảng 23.600 tỷ đồng, chưa tính đến số vốn của hơn 174 DN phá sản, có quy mô vốn trên 10 tỷ đồng.
Về phân loại DN phá sản, khoảng 70% là công ty TNHH một hoặc hai thành viên; hơn 12% là DN cổ phần hóa. Điều này cho thấy hiệu quả hoạt động theo mô hình công ty TNHH bộc lộ nhiều khó khăn hơn.
Trong khi đó, về số DN thành lập mới, tính đến hết tháng 2/2017, có khoảng 14.400 DN lập mới, số vốn trung bình 10,6 tỷ đồng/DN. Nếu tính cả số DN tạm ngừng hoạt động quay trở lại sản xuất, kinh doanh, hết hai tháng, cả nước có hơn 22.300 DN.
Điều này cho thấy, nếu so sánh tương quan giữa số DN tăng mới, quay trở lại hoạt động với số DN phá sản, tạm ngừng hoạt động, hai tháng đầu năm, nền kinh tế gia tăng thực chất hơn 3.400 DN và số DN phá sản, giải thể chờ phá sản do khó khăn hiện vẫn rất lớn.
Trước đó, theo báo cáo của Tổng cục Thống kê, tính chung cả năm 2016, số DN đăng ký thành lập mới là 110.100 DN, số DN hoàn tất thủ tục giải thể trong năm 2016 là 12.478 DN, tăng 31,8% so với năm trước. Số DN tạm ngừng hoạt động trong năm 2016 có giảm nhưng vẫn lên tới 60.667 DN.
Đánh giá về hoạt động khởi nghiệp của Việt Nam hiện nay, Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết, theo thống kê, hàng năm, có hơn 1.000 DN khởi nghiệp ra đời tại Việt Nam, song tỷ lệ DN sống sót sau khởi nghiệp chỉ chiếm khoảng 10%.
Theo ông Trần Quốc Khánh, nguyên Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ, tạp chí Forbes, năm 2015, cũng đưa ra số liệu về tỷ lệ thành công khi khởi nghiệp ở Việt Nam hiện nay, trung bình cứ 10 người khởi nghiệp, chỉ 1 người thành công, còn 9 người thất bại.
Vì sao trung bình cứ 10 người khởi nghiệp ở Việt Nam, chỉ 1 người thành công, còn 9 người thất bại
Nhận rõ dạng DN phá sản
“Tôi cho đây là con số khích lệ và đừng xem 90% thất bại là bị thua. Có thể đó là những DN khởi nghiệp ban đầu nhưng sau một thời gian, họ phát hiện ra những bất hợp lý trong chiến lược kinh doanh, sản phẩm không bắt kịp thị trường, công nghệ, mô hình không phù hợp. Những điều này trở thành bài học quý giá để họ dừng lại và chuyển sang hướng khác, khởi nghiệp lại”, ông Khánh nhận định.
Ông Khánh cho rằng 10% DN tiếp tục phát triển đến bước tiếp theo sẽ gặp khó khăn vì phải nắm rõ phân khúc thị trường, sản phẩm của mình, đổi mới cải thiện công nghệ, cách thu hút vốn của các nhà đầu tư, tăng cường năng lực bản thân mới cạnh tranh được. Trong 10% này có DN phát triển mạnh, song cũng có những DN phải xem lại mình.
Ngoài ra, thành công của DN còn phụ thuộc vào ngành nghề, như lĩnh vực công nghệ dù số lượng khởi nghiệp nhiều nhưng ít thành công hơn so với các ngành khác như y tế, giáo dục.
Bình luận nhận định này, ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng Ban Pháp chế – Phòng Công nghiệp và Thương mại Việt Nam, chia sẻ rằng thực tế DN ra đời hay mất đi là bình thường, ở các nước khác cũng vậy. Người ta gọi là phá sản có sự sáng tạo nếu kinh doanh không hiệu quả, nguồn lực không hiệu quả, để người khác sử dụng cho hiệu quả. Thất bại giúp họ có thêm kinh nghiệm, kiến thức, đó là vốn quý để thời gian sau họ khởi nghiệp lại.
Tuy nhiên, ông Tuấn cho rằng, đối với DN phá sản ở Việt Nam, cần nhìn ở hai dạng, đối với DN chuẩn bị chưa hết, cơ hội kinh doanh chưa tốt, tính toán chưa kỹ là điều bình thường. Nhưng nếu DN phá sản, rời khỏi thị trường do thay đổi chính sách “Nhà nước nay thế này, mai thế khác”, do những rào cản thủ tục hành chính khó khăn quá mà không lấy được giấy phép. Đó là dạng phá sản đáng quan tâm, cần phải gỡ bỏ.
“Chúng tôi cho rằng cần nhận diện rõ dạng phá sản, phải biết DN nào phá sản vì chính sách, thủ tục hành chính. Đó chính là tư tưởng Nhà nước kiến tạo”, ông Tuấn kiến nghị. Đặc biệt, với những DN trong nông nghiệp hay những DN có tính rủi ro cao, càng phải nhận diện rõ lý do DN phá sản.
Dưới góc độ cảm nhận của DN, ông Trần Lệ – Chủ tịch Hội đồng quản trị công ty Cổ phần Hoa Anh Đào – cho biết, hiện nay, cạnh tranh giữa các DN khởi nghiệp với nhau đang khốc liệt, tỷ lệ sống sót nhiều khi dưới 10%.
“Để tồn tại được cùng với sự khắc nghiệt của thị trường, DN rất cần những chính sách hỗ trợ thiết thực từ Chính phủ, đi kèm việc ‘cởi bỏ’ các rào cản về thủ tục hành chính”, ông Lệ nói.
Liên quan tới rào cản về thủ tục hành chính, mới đây, tại Hội nghị tổng kết một năm thực hiện Nghị quyết 35/NQ-CP về hỗ trợ và phát triển DN, ông Nguyễn Xuân Dương, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Hưng Yên, Phó Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam, đã đề cập tới vấn đề này.
Cụ thể, ông Dương cho biết thống kê năm 2016, Việt Nam có hơn 100.000 DN đăng kí thành lập mới nhưng tới hơn 13.000 DN giải thể. “Như vậy, phải chăng ‘liều thuốc’ của Chính phủ chưa đủ, chưa đúng điểm”, ông Dương đặt câu hỏi.
Theo ông Dương, những chính sách hỗ trợ DN hiện nay của Chính phủ đang đi đúng hướng nhưng phải kéo dài mới có thể thành công vì đụng chạm cơ chế. Nhiều khi Trung ương rất quyết liệt, ở tỉnh Hưng Yên cũng rất quyết liệt, nhưng mạng lưới phía dưới còn phải chờ sự chuyển biến trong hành động.
“Vậy, chúng ta cần làm gì để nuôi sống DN đang tồn tại, từ đó tạo động lực cho các DN khác mở rộng. Chúng ta hãy tạm gác lại những mục tiêu dài hạn, trước mắt cần kiến nghị giải quyết những khó khăn nội tại để giúp DN hồi sinh và phát triển được”, ông Dương nói.
Nhật Linh
Bà Trần Thị Hồng Minh - Cục trưởng Cục quản lý đăng ký kinh doanh (Bộ KH&ĐT) Thiếu vốn, thị trường, nguyên liệu, áp lực cạnh tranh gay gắt… đang là những nguyên nhân khiến nhiều DN phải tạm ngừng hoạt động và giải thể. Tuy nhiên, việc DN rút lui khỏi thị trường chiếm một tỷ lệ cao so với DN đăng kí thành lập là thực tiễn hằng năm, không phải một chỉ số để đưa ra kết luận về thị trường đầy rủi ro hay bất ổn. Ông Nguyễn Ngọc Tuấn - Phó Tổng thư kí Hiệp hội DN Tp.Hà Nội Môi trường kinh doanh hiện nay dù đã được cải thiện nhưng vẫn còn nhiều rào cản gây khó khăn cho DN. Do vậy, tôi cho rằng Nhà nước cần tập trung nguồn lực từ con người tới chi phí vào việc rà soát, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện toàn bộ các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành có liên quan đến hoạt động của DN. Ông Nguyễn Trường Giang - Tổ chức Xúc tiến thương mại Nhật Bản (JETRO) tại Tp.HCM Phần lớn DN start-up là doanh nghiệp vừa và nhỏ, nên để nâng cao trình độ DN vừa và nhỏ có thể thông qua việc bồi dưỡng tinh thần khởi nghiệp để tăng số lượng và chất lượng khởi nghiệp. Ngoài ra, cần phải đơn giản hóa thủ tục thành lập DN. Đồng thời, khi đăng kí thành lập, cho phép thành lập DN trong cả những lĩnh vực mới chưa từng có trước đây, miễn sao không thuộc các ngành nghề có điều kiện. Đặc biệt, tư duy của người cán bộ phụ trách ở các cơ quan quản lý cũng phải được đổi mới theo. |