Ông Trần Quang Hưng, Phó Cục trưởng Cục An toàn thông tin (Bộ Thông tin và Truyền thông), cho biết các vụ việc lừa đảo trên mạng trên thế giới có xu hướng gia tăng, trong đó hầu hết là website giả mạo các tổ chức tài chính ngân hàng.
Theo thống kê của Bộ Thông tin và Truyền thông, trong 11 tháng đầu năm 2023 đã có gần 16.000 phản ánh về trường hợp lừa đảo do người dùng Internet Việt Nam gửi đến các hệ thống cảnh báo, trong đó hơn 91% liên quan đến giả mạo, lừa đảo trong lĩnh vực ngân hàng- tài chính.
Cuối năm, các ngân hàng liên tục đưa ra cảnh báo về tình trạng lừa đảo chiếm đoạt tiền trong tài khoản. |
Chuyên gia an ninh mạng này cho biết, tất cả các hoạt động lừa đảo trực tuyến đếu hướng tới mục tiêu tài chính, thu lợi bất chính.
3 nhóm lừa đảo chính gồm giả mạo thương hiệu, chiếm đoạt tài khoản và các hình thức kết hợp khác với 24 hình thức lừa đảo đang diễn ra trên không gian mạng Việt Nam.
Theo thống kê của Cục An toàn thông tin, từ đầu năm đến nay, tổ chức chống lừa đảo trực tuyến đã chặn 3.369 website vi phạm, 972 website lừa đảo, đồng thời bảo vệ 3,6 triệu người dân không truy cập website vi phạm, không bị lừa đảo tiền bạc hoặc thu thập thông tin cá nhân bất hợp pháp.
Cũng trong tháng 11/2023, cơ quan này đã xử lý 40 vụ vi phạm về sử dụng tần số. Mới đây nhất, ngày 6/12, tại TPHCM, cơ quan chức năng đã phát hiện một cá nhân thực hiện hành vi dùng xe máy chở thiết bị BTS giả (trạm phát sóng sóng giả) phát tán tin nhắn lừa đảo.
Cục An toàn thông tin cảnh báo, vào dịp cuối năm, các hình thức lừa đảo trực tuyến, nhất là các cuộc gọi lừa đảo sẽ gia tăng. Người dân cần đặc biệt nâng cao cảnh giác trước các cuộc gọi lạ.
Do đó, ý thức cảnh giác của người dân vẫn là yếu tố quan trọng nhất để phòng chống lừa đảo. Người dân cần nâng cao ý thức cảnh giác trong quá trình sử dụng, tránh mở các đường link lạ, tránh các cuộc gọi lạ tiếp cận.
Đối với các doanh nghiệp viễn thông, Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ yêu cầu tiếp tục rà soát hệ thống cơ sở dữ liệu, tăng cường giám sát các thuê bao mới, các thuê bao có nhiều sim, có biểu hiện nhắn tin cùng một lúc tới nhiều số, lượt tin nhắn tăng cao hàng ngày.
Tuy nhiên, ông Hưng cũng chỉ rõ thực tế các đối tượng lừa đảo trực tuyến liên tục thay đổi thay đổi phương thức thủ đoạn, vì vậy cần sự phối hợp chặt chẽ hơn giữa Ngân hàng Nhà nước và Bộ Thông tin và Truyền thông để tuyên tuyền thiết thực, hiệu quả hơn, hạn chế nguy cơ rủi ro tấn công.
Về phía Bộ Thông tin và Truyền thông đã thiết lập cơ sở dữ liệu về chống lừa đảo trực tuyến quốc gia. Bộ cũng đã xây dựng hệ thống kỹ thuật kết nối với các nhà mạng, chặn các website lừa đảo trực tuyến nhanh chóng. Việc kết nối cũng được triển khai với các nền tảng OTT, mạng xã hội… Thông qua đó, có thể chặn các liên kết giả mạo ngân hàng trên lãnh thổ Việt Nam một cách nhanh nhất để giảm thiểu lừa đảo trực tuyến.
Bên cạnh đó, Bộ cũng tổ chức các cuộc diễn tập với các ngân hàng để phát hiện sớm các lỗ hổng điểm yếu. Ngoài việc thiết lập hệ thống giả lập, còn diễn tập trên hệ thống thật để phát hiện các điểm yếu nhằm khắc phục. Ông Hưng nhấn mạnh, "việc càng có nhiều đơn vị, chuyên gia phối hợp, huy động nguồn lực để phát hiện sớm các lỗ hổng bảo mật sẽ hạn chế các nguy cơ, tăng niềm tin của người dùng với hệ thống".
Thanh Hoa