Ở Ấn Độ, điện thoại thông minh giá rẻ được sử dụng rất phổ biến để truy cập mạng, nhưng chất lượng kết nối lại rất chập chờn.
Tại một hội nghị được tổ chức ở New Delhi hôm 27/9 vừa qua, lãnh đạo Google đã giới thiệu ý tưởng và kế hoạch ra mắt các sản phẩm mới dành cho những người có nhu cầu dùng internet, nhưng vẫn còn lăn tăn về chi phí. Có một thực tế ở Ấn Độ là nhiều người không đủ tự tin về tài chính để đăng ký thuê bao mạng theo tháng, mà chỉ cầm chừng mua từng lần thẻ trả trước.
Mạng yếu, tiền thiếu
Google tuyên bố sẽ phát hành một phiên bản mới của ứng dụng YouTube, với tên gọi YouTube Go, có thể chạy được ngay cả khi tốc độ Internet “siêu rùa” và thậm chí lưu lại video để xem, mà không cần kết nối mạng. YouTube Go cũng hỗ trợ người dùng chia sẻ video với nhau, mà không phải tốn dung lượng.
Tiện ích này giúp giải quyết vấn đề khá thủ công hiện nay của nhiều người Ấn Độ, đó là muốn chia sẻ gì cho nhau thì phải dùng USB, để tiết kiệm tiền tải dữ liệu. YouTube Go được xây dựng trên nền Smart Offline mà YouTube đã ra mắt tại Ấn Độ hồi đầu năm.
Google cũng sẽ bổ sung thêm một tính năng cho trình duyệt web di động Chrome. Theo đó, người dùng có thể tải trang web về để xem offline khi không có internet. Bên cạnh đó, khách hàng của Google Play Store sẽ có thể cài đặt để tải ứng dụng về máy chỉ khi nào có kết nối wifi, nhờ đó tiết kiệm được chi phí 3G, 4G trên điện thoại.
CEO Google - ông Sundar Pichai:
"Ấn Độ đã giúp chúng tôi nhìn thấy tương lai của Internet"
Về tiến độ triển khai, YouTube Go sẽ có mặt đầu tiên ở Ấn Độ, trong khi tính năng mới trên Chrome và Play Store sẽ sớm được cung cấp đồng thời ở Ấn Độ và nhiều thị trường khác.
Năm 2015, Google từng công bố dự án phối hợp với chính phủ Ấn Độ triển khai wifi miễn phí. Kết quả là cho đến nay, 53 nhà ga xe lửa ở Ấn Độ đã được lắp đặt, với 3,5 triệu người truy cập mỗi tháng. Google tin tưởng có thể chạm tới mục tiêu phủ sóng cho 100 nhà ga vào cuối năm nay. Khảo sát cho thấy, mỗi ngày lại có thêm khoảng 15.000 người Ấn Độ làm quen với hệ thống wifi đường sắt này.
Google cũng đồng thời mở rộng chương trình wifi miễn phí của mình bằng một sáng kiến có tên gọi Google Station. Công ty sẽ cung cấp phần mềm để các chủ quán cà phê, trung tâm mua sắm... tự cung cấp quyền truy cập và thu phí wifi, nếu muốn.
“Mặt trận” quan trọng
Theo các chuyên gia, Google rất quan tâm tới việc thu hút thêm lượng người dùng mới ở các thị trường mới nổi, có tốc độ phát triển nhanh như Ấn Độ, để tiến tới tăng doanh thu từ quảng cáo.
Google về cơ bản đã rút khỏi thị trường Trung Quốc sau những bất đồng với chính phủ nước này về chính sách kiểm duyệt, đồng nghĩa với việc Ấn Độ trở thành một “mặt trận” rất quan trọng để tập trung nguồn lực.
Không phải tự nhiên mà CEO Google - ông Sundar Pichai, lại phát biểu rằng: “Trong bối cảnh nền tảng mobile thu hút được sự chú ý như hiện nay, thị trường Ấn Độ đã giúp chúng tôi nhìn thấy tương lai của Internet”.
Công ty tư vấn McKinsey ước tính khoảng 1 tỷ người dân Ấn Độ vẫn chưa có điều kiện tiếp cận và tìm hiểu nhiều về internet, trong khi một bộ phận dân chúng biết và có nhu cầu truy cập mạng lại không có nhiều tiền. GDP bình quân đầu người của Ấn Độ hiện nay khoảng 1.500 USD, theo dữ liệu của Ngân hàng Thế giới, tức là thua xa mức 8.000 USD ở Trung Quốc và 56.000 USD tại Mỹ.
Google không phải là công ty công nghệ duy nhất của Mỹ đang tìm kiếm cơ hội khai thác thị trường Ấn Độ. Uber Technologies, sau khi từ bỏ cuộc đấu tốn kém với các đối thủ Trung Quốc, đã ngay lập tức lên kế hoạch thuê tuyển đội ngũ kỹ sư Ấn Độ để nâng cao chất lượng dịch vụ bản đồ tại đây.
Ấn Độ cũng chính là thị trường lớn thứ hai của Facebook bên ngoài nước Mỹ, trong khi “gã khổng lồ” thương mại điện tử Amazon.com từng tuyên bố cách đây 3 tháng rằng sẽ đầu tư thêm 3 tỷ USD vào Ấn Độ, sau khi đã mạnh tay rót 2 tỷ USD trong năm 2014.
Hải Châu