Ước tính khoảng 57% dân số thế giới vẫn chưa có điều kiện hòa mạng, trong khi tốc độ tăng phạm vi phủ sóng internet đang chậm lại.
Phát biểu bên lề một hội nghị về máy bay không người lái tại London, ông Martin Gomez - Giám đốc phụ trách các hoạt động hàng không của Facebook, cho biết một số nước tỏ ra hào hứng tham gia đợt thí điểm này và hầu hết đều có nhiều khu vực rộng lớn chưa có kết nối internet hoặc chất lượng internet rất tệ.
Bỏ qua thất bại vệ tinh
Theo ước tính của ông Gomez, khoảng 57% dân số thế giới vẫn chưa có điều kiện hòa mạng, trong khi tốc độ tăng phạm vi phủ sóng internet đang chậm lại.
Lịch trình chi tiết vẫn chưa được chốt, song vị giám đốc này dự kiến các chuyến bay thử nghiệm của Facebook có thể cất cánh trong năm 2018.
Trước đó, vào ngày 28/6 vừa qua, dự án này đã đạt được một bước tiến lớn, khi chiếc máy bay có tên gọi Aquila, nặng chưa tới 550 kg với sải cánh 42 m - tức là lớn hơn chiếc Boeing 737 một lối đi - lần đầu tiên bay lên bầu trời ở Yuma, Arizona. Tổng thời gian trên không trung của Aquila là 96 phút, nhiều hơn một tiếng so với kế hoạch ban đầu.
Ông Gomez cho biết sau chuyến bay kể trên, Facebook thu được khoảng một terabyte dữ liệu để phân tích, rút kinh nghiệm trước khi Aquila tiếp tục bay thử nghiệm những lần sau. Theo thiết kế, máy bay này bay được ở độ cao trên 18 km, tức là cao hơn cả máy bay thương mại, trong khoảng thời gian 3 tháng liên tục.
Các chuyến bay thử nghiệm của Facebook có thể cất cánh trong năm 2018
Aquila chỉ là một phần trong chiến lược của Facebook nhằm mở rộng phạm vi phủ sóng internet trên toàn thế giới. Công ty này từng lên kế hoạch sử dụng thiết bị vệ tinh, nhưng cách đây mấy tuần, vệ tinh lại bị nổ trên bệ phóng trong quá trình thử nghiệm tên lửa Falcon 9 do Space Exploration Technologies (SpaceX) của tỷ phú Elon Musk thiết kế.
Facebook còn hợp tác với nhà điều hành vệ tinh Pháp Eutelsat Communications để cung cấp dịch vụ internet nhờ tàu vũ trụ của Israel. Tuy nhiên, vụ nổ kể trên gần như đã làm đổ bể tất cả và khiến Giám đốc điều hành Mark Zuckerberg vô cùng thất vọng. Xét về độ phủ sóng thì tín hiệu internet từ vệ tinh vươn xa hơn so với máy bay không người lái và vì thế càng dễ tiếp cận những khu vực thưa thớt dân cư.
Yếu tố quyết định thành bại
Theo các chuyên gia trong lĩnh vực hàng không, muốn đạt được thỏa thuận trên phạm vi quốc tế để được phép sử dụng máy bay không người lái trên không phận của các quốc gia, Facebook phải quyết tâm và kiên trì theo đuổi hàng năm trời nữa. Ở thời điểm hiện tại, bản thân cơ quan quản lý hàng không của Mỹ và châu Âu còn đang đau đầu tìm giải pháp làm thế nào để cấp phép cho những hoạt động như vậy, mà vẫn phải bảo đảm an toàn bầu trời.
Có lẽ chính vì thế mà các chuyến bay thử nghiệm của Facebook trong vài năm tới đây chủ yếu là nhằm thuyết phục cơ quan chức năng về tính an toàn và đáng tin cậy của những chiếc máy bay không người lái. Đối với ông Gomez, một trong những mục tiêu quan trọng nhất là tạo ra một sản phẩm có pin đủ khỏe để “lơ lửng” được mãi trên không trung.
Trước và cùng thời điểm với Facebook, một số công ty công nghệ cũng theo đuổi kế hoạch cung cấp băng thông rộng cho những nơi xa xôi ít có điều kiện kết nối mạng thông qua liên kết trên mặt đất. Năm 2016 này, Google đã bước vào giai đoạn thử nghiệm của “Dự án Loon”, trong đó tỏa sóng internet từ những quả khí cầu trên cao. OneWeb thì xây dựng một cụm vệ tinh lớn để tăng tốc độ cung cấp dịch vụ internet toàn cầu từ bên ngoài không gian.
Tuy nhiên, nhiều dự án vấp phải những trở ngại lớn. Dù là máy bay không người lái hay khí cầu thì tất cả đều phải được sự chấp thuận từ phía chính phủ các quốc gia, để có thể hoạt động trong không phận của mỗi nước; sau đó là phải tiếp tục xin phép cơ quan chức năng về việc sử dụng phổ tần vô tuyến để truyền tín hiệu xuống mặt đất. Điều này giải thích vì sao công tác vận động chính phủ các nước có ý nghĩa rất quan trọng tới thành bại của các dự án.
Hải Châu