Đầu năm 2015, Cục ATTP (Bộ Y tế) đã có công văn số 62/ATTP-SP gửi các Chi cục ATVSTP các tỉnh thành về việc cấm sử dụng chất Kali Bromate (KBrO3) trong thực phẩm. Công văn yêu cầu các Chi cục AVSTP các tỉnh, thành kiểm tra các cơ sở sản xuất bánh mì, nếu phát hiện sản phẩm có dư lượng KBrO3 trong sản xuất bánh mì thì yêu cầu cơ sở sản xuất ngưng hoạt động, báo cáo Cục ATTP để có hướng xử lý.
Khuyến mãi kèm chất độc
Công văn được phát ra sau khi Cục ATTP nhận được thông tin báo cáo từ Chi cục ATVSTP tỉnh Tiền Giang phát hiện ra một số sản phẩm bánh mỳ trên địa bàn đã sử dụng chất KBrO3. Đồng thời sau khi kiểm tra dữ liệu, Cục ATTP đã phát hiện sản phẩm phụ gia bánh mỳ nhãn hiệu FIL CO do Công ty TNHH Sản xuất và thương mại Thần Tài có trụ sở nằm ở quận 6 Tp.HCM công bố có sử dụng chất trên trong thành phần cấu tạo.
Ts. Nguyễn Lệ Hà, Phó trưởng Khoa Công nghệ Sinh học - Thực phẩm - Môi trường (Đại học Công nghệ Tp.HCM - Hutech), cho biết KBrO3 là loại bột/tinh thể màu trắng, tác nhân oxy hóa, không mùi vị khi dùng để bổ sung vào quá trình nhào trộn khi làm bánh nhằm giữ hương vị và độ xốp tốt nhờ đó tiết kiệm thời gian nhào và ủ bột. Cơ quan nghiên cứu quốc tế về ung thư xếp loại KBrO3 có khả năng gây ung thư cho người.
KBrO3 hoàn toàn không có tên trong danh mục các hóa chất phụ gia thực phẩm được phép sử dụng theo Thông tư hướng dẫn việc quản lý phụ gia thực phẩm (số: 27/2012/TT-BYT). Nhóm công tác môi trường Mỹ (EWG) cũng vừa công bố danh sách 12 chất phụ gia thực phẩm độc hại hàng đầu tại Mỹ, trong đó cũng có sự góp mặt của KBrO3. Thông tin này khiến NTD vô cùng hoang mang vì bánh mỳ là sản phẩm phổ biến, mang đặc trưng trong thói quen ẩm thực, là đồ ăn nhanh được ưa chuộng của người Việt.
Một góc chợ Kim Biên - Tp.HCM
Đây chỉ là vụ việc điển hình trong hàng loạt vụ phanh phui những phụ gia thực phẩm không có trong danh mục được cho phép được các cơ sở tư nhân, DN thường xuyên sử dụng để cải trang sản phẩm, làm đẹp mắt nhưng gây hại cho sức khỏe NTD.
Ts. Nguyễn Thanh Phong, Phó Cục trưởng Cục ATTP thừa nhận, việc sử dụng phụ gia thực phẩm đã tồn tại lâu đời. Tuy nhiên, gần đây nhiều cơ sở sử dụng phụ gia thực phẩm không an toàn hay dùng phụ gia công nghiệp thay thế đang "đầu độc" thực phẩm, gây ảnh hưởng đến sức khỏe người dân.
Theo ông Nguyễn Văn Nhiên, Chánh Thanh tra Cục ATTP, hiện nay Bộ Y tế đã công bố 23 nhóm phụ gia thực phẩm với hơn 400 chất có trong danh mục được phép sử dụng trong thực phẩm, đi kèm với hướng dẫn về liều lượng và loại thực phẩm phù hợp. Đối với các trường hợp vi phạm sẽ bị xử phạt rất nặng.
Các trường hợp vi phạm sẽ bị phạt tiền từ 30 - 80 triệu đồng với cá nhân, tổ chức sử dụng phụ gia thực phẩm ngoài danh mục; phạt từ 40 - 100 triệu đồng sử dụng phụ gia thực phẩm không rõ nguồn gốc và 70 - 120 triệu đồng với phụ gia thực phẩm độc hại.
Cần truy cứu trách nhiệm hình sự
Chế tài đã có nhưng vi phạm về ATTP diễn ra tràn lan với số lượng vô kể mà những vụ việc các cá nhân, tổ chức bị xử phạt đang rất lèo tèo. Theo thống kê chưa đầy đủ, mỗi năm cả nước phát hiện gần 20.000 vụ hàng hóa không đảm bảo chất lượng, hàng loạt vụ ngộ độc thực phẩm. Rõ ràng, tình trạng NTD bị "đầu độc" vì các loại thực phẩm "bẩn" diễn ra hàng ngày, hàng giờ song việc xử phạt chỉ đếm trên đầu ngón tay.
Việc kịp thời ra công văn kiểm soát chất gây ung thư KBrO3 của Bộ Y tế cho thấy động thái quyết tâm ngăn chặn thực phẩm bẩn của cơ quan này. Tuy nhiên, thực tế, việc kiểm soát sử dụng phụ gia thực phẩm còn gặp rất nhiều khó khăn và thách thức do nhiều khi cả người bán lẫn người mua kẻ vô tình, người cố ý vì hám lợi nhuận mà vẫn đang tâm từng ngày "đầu độc" cộng đồng.
Tại Hội nghị Tổng kết thi hành Bộ luật Hình sự, đại diện Bộ Công an đề xuất bổ sung tội vi phạm ATTP nhằm phòng ngừa và tăng cường tính răn đe công tác đấu tranh tội phạm trong lĩnh vực thực phẩm.
Theo đó, nếu có hành vi chế biến, cung cấp hoặc bán thực phẩm mà biết rõ không bảo đảm tiêu chuẩn VSATTP sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự, chứ không cần đợi đến khi có hậu quả xảy ra như quy định hiện hành.
Bộ Công an cũng đề nghị nghiên cứu hình thành một tội riêng với hành vi sử dụng trái phép hóa chất, chất bảo quản trong sản xuất, chế biến thực phẩm có khả năng gây nguy hại đến sức khỏe, tính mạng con người.
Thu Hường