Thực hiện theo tinh thần của Luật Người Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, hiện trung bình mỗi năm nước ta đưa được khoảng 120.000 - 143.000 người đi lao động ở nước ngoài.
Trong năm 2023, đến thời điểm này, cả nước đã đưa được 112.000 người đi làm việc ở nước ngoài, riêng Nhật Bản là 55.000 người và Đài Loan (Trung Quốc) khoảng 30.000 người.
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết: "Mỗi năm lực lượng lao động này đem lại cho đất nước khoảng 3,5 - 4 tỷ USD".
Để phát huy hiệu quả của lực lượng lao động ở nước ngoài, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết, vấn đề này Chính phủ đã có chỉ đạo trong các nghị quyết. Bộ LĐ-TB&XH đã và đang thực hiện các giải pháp, như xây dựng trang thông tin điện tử, xây dựng sàn giao dịch việc làm cho đối tượng này.
Bên cạnh đó, kết nối doanh nghiệp Việt Nam và doanh nghiệp nước ngoài như trường hợp lao động ở Nhật Bản về nước thì có thể lao động ở các doanh nghiệp Nhật Bản, phát huy được năng lực.
Mỗi năm lực lượng lao động xuất khẩu mang về cho đất nước khoảng 3,5 - 4 tỷ USD. |
Về quy mô, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nêu rõ, hiện nay mỗi năm Bộ giải quyết việc làm cho khoảng 1,6-1,7 triệu lao động trong nước.
"Tính chung một năm đưa được 130.000- 140.000 lao động đi nước ngoài làm việc là tương ứng với khoảng 10% lực lượng lao động. Quy mô 500.000 - 650.000 người thường xuyên lao động và làm việc ở nước ngoài như hiện tại là vừa phải", Bộ trưởng nói.
Các biện pháp điều tiết thị trường lao động cũng căn cứ vào cung - cầu, nếu nhu cầu lao động trong nước tăng, Bộ sẽ điều chỉnh giảm tỷ lệ lao động đi nước ngoài và khi nhu cầu trong nước giảm sẽ tăng cường lực lượng đi nước ngoài để bảo đảm quy mô cho phù hợp.
"Việc tổ chức cho lao động đi nước ngoài làm việc sẽ được giữ ở tỷ lệ phù hợp, không ảnh hưởng đến quy mô trong nước", Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nhấn mạnh.
Theo đánh giá của Tổ chức Lao động quốc tế ILO, năng suất lao động của Việt Nam năm 2022 chỉ bằng 12,2% mức năng suất lao động của Singapore, bằng 24,4% Hàn Quốc, bằng 58,9% của Trung Quốc, bằng 63,9% của Thái Lan, 94,2% của Philippine. Trong khi đó, Tổ chức Năng suất châu Á ATO đánh giá năng suất lao động của Việt Nam tụt hậu so với Nhật Bản 60 năm, so với Malaysia 40 năm, so với Thái lan là 10 năm.
Mặc dù nhận thức được tầm quan trọng của nguồn nhân lực chất lượng cao cho sự phát triển kinh tế và xã hội, hiện nay vẫn tồn tại sự thiếu hụt trong lĩnh vực này. Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nêu rõ cần thực hiện các biện pháp đột phá để khắc phục tình trạng này. Điều này bao gồm việc đổi mới phương pháp tiếp cận, nâng cấp công nghệ, quản lý vốn, và đặc biệt quan trọng là tăng cường chất lượng của lao động khi họ làm việc ở nước ngoài.
Bộ trưởng cũng nêu rõ rằng để nâng cao năng suất lao động, cần quan tâm đến các yếu tố quan trọng bao gồm công nghệ, vốn đầu tư, và nguồn nhân lực chất lượng cao. Bộ trưởng lưu ý rằng những quốc gia phát triển thường có tỷ lệ thấp của lao động không chính thức trong lực lượng lao động.
Để nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung đề xuất tuyên truyền và nâng cao nhận thức, cùng với việc cải thiện mạng lưới đào tạo, cơ cấu lao động, hệ thống giáo dục nghề nghiệp mở, linh hoạt, và hợp nhất giữa doanh nghiệp và đào tạo. Công tác đào tạo nghề, giáo dục pháp luật, và bảo vệ quyền lợi của người lao động và chuyên gia khi làm việc ở nước ngoài cũng đang được nâng cao.
Ngoài việc duy trì thị trường lao động hiện tại, việc mở rộng thị trường tiếp nhận lao động nước ngoài và quản lý di cư được thúc đẩy để đảm bảo lợi ích của công dân Việt Nam trong việc kinh doanh và buôn bán ở các nước láng giềng.
Nguyễn Hạnh