Ở Tây Nguyên, trong khi phần lớn nông dân mua nợ vật tư từ đại lý với lãi suất cao, giá cà phê thấp dẫn đến thua lỗ thì HTX Đồng Phát đã vận hành mô hình tín dụng nội bộ, rất đáng để học hỏi. Bởi theo Luật HTX, loại hình HTX tín dụng chỉ chuyên kinh doanh tiền, không kinh doanh các dịch vụ khác; còn ở đây, HTX sản xuất nông nghiệp nhưng có hoạt động tín dụng nội bộ, cho vay mua vật tư nông nghiệp, phục vụ mục đích thực hiện các hoạt động sản xuất nông nghiệp.
Mô hình tín dụng nội bộ
Ông Vũ Văn Cộng, Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc HTX cho biết trước kia, nông dân mua vật tư (phân bón, thuốc trừ sâu) từ đại lý hoặc các cửa hàng, chất lượng không bảo đảm. Do thiếu vốn, nông dân thường mua chịu với giá cao, chịu lãi suất do trả chậm khoảng 30-50%/năm.
Nhìn thấy tình cảnh đó, HTX Đồng Phát đã đứng ra làm đầu mối mua hộ phân bón, cho thành viên trả chậm. HTX liên kết với các doanh nghiệp vật tư nông nghiệp lớn, đến tận kho của doanh nghiệp nhận hàng. Nhờ mua thẳng, nên giá bán đến tay thành viên thấp hơn khi họ mua ở đại lý tới 10-15%, lại không phải chịu khoản lãi vay cắt cổ.
Nguồn phân bón do HTX cung cấp chất lượng tốt, do các công ty uy tín sản xuất vì vậy không lo phân bón giả, phân bón kém chất lượng hại tới cây trồng. HTX còn cho thành viên nói riêng và nông dân nói chung trên địa bàn vay tiền mặt để đầu tư vào sản xuất kinh doanh, xây kho chứa, góp phần làm hạn chế nạn cho vay nặng lãi trên địa bàn.
Một lớp tập huấn ứng dụng công nghệ trong sản xuất nông nghiệp do Trung tâm khuyến nông Lâm Đồng tổ chức |
Nhờ có uy tín trong làm ăn nên HTX Đồng Phát được một số ngân hàng cho vay vốn với lãi suất chỉ 9 - 12%/năm. HTX cho các hộ vay lại với lãi suất tăng thêm chỉ 0,5%/năm.
Ngoài cung cấp dịch vụ phân bón ứng trước và tiêu thụ sản phẩm, HTX Đồng Phát còn tư vấn kỹ thuật và bảo hành năng suất cà phê cho nông dân. Nhờ vậy, doanh thu dịch vụ của HTX có năm lên đến gần 20 tỷ đồng (năm 2017).
Chú trọng đào tạo nhân lực
Thành quả này là nhờ HTX trong nhiều năm đã tuyển dụng và cử con em của các thành viên HTX đi học đại học. Hiện, HTX Đồng Phát đang có tới 3 nhân lực tốt nghiệp đại học là Giám đốc, Phó giám đốc và kế toán; cùng đội ngũ “bác sỹ cây trồng” 7 người đều trình độ trung cấp trở lên.
HTX đã trích lập quỹ đào tạo nhằm khuyến khích, động viên và hỗ trợ nhân viên tham gia học tập. Hàng năm, HTX còn xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, nhân viên theo các lớp ngắn hạn, dài hạn. Phần lớn cán bộ của các HTX đều là người lớn tuổi nên hay sợ rủi ro, nên HTX Đồng Phát chọn lớp trẻ, có chế độ đãi ngộ xứng đáng, cùng các thành viên lãnh đạo HTX để có đủ năng lực phát triển.
Trong khi sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền đối với HTX còn hạn chế và chưa có nhiều cơ chế đột phá để hỗ trợ HTX phát triển, bản thân nội tại HTX đã chủ động đầu tư vào chất lượng nguồn nhân lực để sáng tạo ra những cách làm đột phá.
Tuy nhiên, HTX đang gặp phải một số khó khăn như thiếu vốn để sản xuất, kinh doanh, khó tiếp cận được nguồn vốn vay từ các tổ chức tín dụng do không có tài sản thế chấp, hoạt động sản xuất, kinh doanh rủi ro cao, sổ sách kế toán chưa minh bạch và chưa xây dựng được các phương án kinh doanh khả thi. Một hạn chế nữa là do trình độ đội ngũ cán bộ còn thấp (40% chưa qua đào tạo), độ tuổi cao nên tư duy sản xuất, kinh doanh kém và không nắm bắt kịp cơ chế thị trường.
Vì vậy, để thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ sự phát triển HTX trong thời kỳ hội nhập, lãnh đạo Liên minh HTX tỉnh Lâm Đồng cho rằng chính quyền cơ sở cần tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn, tạo điều kiện cho HTX trong đào tạo nguồn nhân lực. Mặt khác, tự thân HTX phải bảo đảm uy tín, xây dựng thương hiệu, khả năng phát triển bền vững, cùng với chính sách hỗ trợ, đãi ngộ thỏa đáng của Nhà nước mới có thể kéo được lực lượng trình độ đại học tham gia HTX.
Thu Huyền