Trong bức tranh chung, theo một đơn vị nghiên cứu về lao động, nhu cầu tuyển dụng lao động trong lĩnh vực sản xuất đang tăng nhanh và chiếm tới 40% tổng nhu cầu tuyển dụng. Đặc biệt tại các tỉnh thành phía Nam, nhu cầu này tăng cao trong ba tháng đầu năm 2018. Một số doanh nghiệp sẵn sàng mở rộng cửa cho nguồn ứng viên là người nước ngoài vào các vị trí quản lý cấp cao. Tại một số khu vực, doanh nghiệp sản xuất còn phải đối mặt với việc thiếu hụt lực lượng lao động khi có nhiều dự án nhà máy mới của các nhà đầu tư nước ngoài.
Ảnh minh họa |
Theo ông Trần Công Khanh, Trưởng phòng Quản lý lao động, Ban Quản lý các khu chế xuất - khu công nghiệp TPHCM (Hepza), hiện nay các khu chế xuất, khu công nghiệp thành phố đang có khoảng 290.000 lao động và tỷ lệ công nhân nhảy việc dao động khoảng 5-7%. Ông Khanh nhận định, trong quan hệ lao động, thường thì người công nhân thấy chỗ nào mức lương tốt hơn là họ “nhảy”, điều này không còn lạ. Tuy nhiên, ở góc độ chủ doanh nghiệp, ông Khanh khuyên cần lưu ý các chính sách đãi ngộ, đừng để người lao động gặp sự xáo trộn lớn về thu nhập và sinh hoạt hàng ngày.
Ông Trần Anh Tuấn, Phó giám đốc Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và thông tin thị trường lao động TPHCM, cho biết trong vài năm gần đây, không chỉ ngành cơ khí mà nhiều ngành nghề khác như công nghệ thông tin, y tá - điều dưỡng... cũng chứng kiến sự dịch chuyển lao động lành nghề sang các doanh nghiệp FDI hoặc ra thị trường lao động nước ngoài. Các chuyên gia cũng đã lên tiếng cảnh báo nếu không có các giải pháp căn cơ về đào tạo, tiền lương... thì sự mất cân đối lao động sẽ ngày càng lớn, theo hướng bất lợi cho các nhà sản xuất trong nước.
Nhìn toàn cảnh thị trường lao động, ông Tuấn cho rằng “dễ dẫn đến tình trạng thừa lao động tay nghề thấp nhưng thiếu lao động ở trình độ cao”. Riêng tại TPHCM, dự kiến trong giai đoạn 2018-2025, trung bình mỗi năm sẽ tăng thêm khoảng 300.000 việc làm, 78% trong số vị trí việc làm đó có đặt ra yêu cầu là người lao động đã qua đào tạo tay nghề, chuyên môn.
Theo Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và thông tin thị trường lao động TPHCM, một yêu cầu khá rõ nét của thị trường lao động ở thành phố là phải nhanh chóng có nguồn nhân lực trình độ cao - có kiến thức, kỹ năng về khoa học công nghệ, quản lý, sản xuất, kinh doanh. Tuy nhiên, thực trạng hiện nay cho thấy có sự chênh lệch cung - cầu lao động về số lượng, đồng thời chất lượng cũng chưa phù hợp với yêu cầu phát triển kinh tế và hội nhập, đặc biệt cho những ngành nghề nằm trong định hướng phát triển.
Vũ Hồng