Ví như Đà Lạt của miền Bắc, thị trấn Sapa (tỉnh Lào Cai) thường được khách du lịch trong và ngoài nước lựa chọn để tránh nóng, thưởng ngoạn tuyết rơi hay đơn giản chỉ là khám phá nền văn hóa đặc trưng của các dân tộc Mông, Dao…
Sức hấp dẫn “trời phú” của địa bàn này đã được người dân sở tại tận dụng tối đa qua đủ hình thức kinh doanh, khai thác như xây dựng nhà nghỉ, nuôi trồng sản phẩm nông - lâm sản…
Ưu thế của ngành công nghiệp không khói hiển hiện, nhưng suốt thời gian 2014 về trước, lĩnh vực BĐS du lịch phục vụ trực tiếp nhu cầu của thị trường tiêu dùng nơi đây còn chờ cú hích mang tên “hạ tầng” để tăng tốc.
Tam Đảo vẫn "hụt hơi" trong lĩnh vực BĐS nghỉ dưỡng du lịch
Đợi chờ hạ tầng
Tới năm 2015, Sapa đã thay đổi chóng mặt về điều kiện giao thông nội tỉnh lẫn kết nối vùng. Cụ thể, các tuyến đường huyết mạch dẫn tới thị trấn vùng núi lần lượt được cải thiện, hoàn thành, đi vào hoạt động: QL 2 lên Tp Lào Cai, đường nối sang Tp Lai Châu, tuyến cáp treo Fansipan – Sapa (hơn 6.300m, vượt qua thung lũng Mường Hoa và ngược lên “nóc nhà” Fansipan) vận hành…
Đáng chú ý nhất về độ lan tỏa, thu hút các dự án BĐS nghỉ dưỡng quy mô đăng ký mới lẫn đẩy nhanh tốc độ triển khai dự án đã được chấp thuận, là sự kiện cao tốc Nội Bài – Lào Cai chính thức thông xe vào quý III/2014.
Trước thời điểm thông xe, Sapa đón hơn 600 nghìn lượt khách (10/2015). Về mảng BĐS “ăn theo” du lịch, Sapa ghi nhận 30 dự án xây dựng KĐT, khu du lịch sinh thái và nông nghiệp. Được biết, từ giữa năm 2015, không ít dự án BĐS nghỉ dưỡng đã giậm dịch triển khai, lập kế hoạch triển khai: khu du lịch sinh thái Tả Phìn (27ha, tổng vốn đầu tư ngót 20 triệu USD); khách sạn Sapa Indochina International (170 tỷ đồng); Indochina Sapa & Resort, Resort Secoin (178 tỷ đồng)…
Tương lai và hiệu suất lợi nhuận khai thác của những dự án chờ về đích nêu trên chưa thể xác định. Điều rõ hơn hết, đất đai trên địa bàn bỗng trở nên đắt giá và hiếm nguồn cung. Đơn cử, những mảnh đất đẹp, vuông vắn ở vùng lõi Sapa được phát giá trên 100 triệu đồng/m2 nhưng cũng rất hạn chế nguồn hàng.
Đặc biệt, trong giới đầu tư “đánh bắt xa bờ” (chủ yếu đến từ Hà Nội), rất nhiều đơn đặt mua/thuê dài hạn đất ở, đất trồng trọt nằm tiệm cận thị trấn Sapa vẫn được khớp giao dịch dù sẵn sàng đồng ý với bất cứ giá nào.
Lý do là khi những vị trí cao, thoáng, tiện di chuyển trong Sapa được dự báo không còn thì đất thổ cư càng quý giá.
Tam Đảo, “đảo” giữa núi rừng
“Sau Cầu Mây – Mercure Sapa (biệt thự nghỉ dưỡng, nhà phố kinh doanh, liền kề.., nhiều DN lớn như Bitexco, Sun Group tới đây sẽ đầu tư mạnh vào BĐS du lịch tại Lào Cai (Sapa). Thị trường thứ cấp ở vùng núi cũng vì thế mà sốt theo – cơ hội sinh lợi rộng mở cho những ai may mắn mua được đất ngay thời điểm trong năm 2015” – một chuyên gia về đầu tư BĐS nghỉ dưỡng đánh giá.
Lợi thế hơn hẳn Sapa, khoảng cách về Hà Nội chỉ bằng 1/5; vườn quốc gia Tam Đảo bao quanh, hệ sinh thái rừng nguyên sinh đa dạng, thời tiết 4 mùa, Tam Đảo vẫn hụt hơi trong lĩnh vực BĐS nghỉ dưỡng du lịch. Nguyên nhân căn bản: hạ tầng thiếu hụt và chưa được nâng cấp hoàn thiện.
Cùng chung cao tốc Hà Nội – Lào Cai, Tam Đảo vẫn “gây khó” trong di chuyển từ chân lên đỉnh, vùng du lịch trọng tâm, bởi nhiều khúc cua gấp bất ngờ.
Vào trung tâm, việc xây dựng tự phát của người dân, DN sở tại cũng gián tiếp giảm sức hấp dẫn của phố núi: nhà nghỉ, khách sạn, nhà hàng không theo quy củ, thiếu đồng nhất giữa vẻ đẹp cổ kính của biệt thự Pháp và nhà ống hiện đại, ruộng rau xen kẽ…
“Ngay cả khi có làn sóng đầu tư vào BĐS du lịch nơi đây cũng cần bàn tay nhà quản lý chấn chỉnh quy hoạch xây dựng, giám sát trật tự xây dựng mới mong phát triển, khai thác lợi nhuận từ các tổ hợp du lịch, nghỉ dưỡng. Còn không, Tam Đảo chỉ mãi dừng ở nơi vui chơi cuối tuần của các gia đình ở Thủ đô khi họ không còn lựa chọn khác” – anh Huy, một công chức ở Hà Nội nhắc tới Tam Đảo như một sự tiếc nuối cho tiềm năng của địa bàn này.
Tháng 10/2014, Vĩnh Phúc công bố Quy hoạch Khu du lịch Tam Đảo I với nhiều nội dung tích cực liên quan tới hạ tầng giao thông, cảnh quan toàn khu, công trình phục vụ du lịch, hình thành các vùng phát triển du lịch từ thấp đến cao theo địa hình với các nhà nghỉ, khách sạn và resort xung quanh..
Chờ đợi trong hy vọng, là điều đương nhiên của giới đầu tư địa ốc lẫn người dân bản xứ. Hiện tại, trong năm 2015, đã manh nha nhiều kế hoạch mua đất ở Tam Đảo để đầu tư xây dựng khách sạn tư nhân (2 – 3 sao) nhằm “đón quy hoạch”. Tuy nhiên, trao đổi về số lượng giao dịch thành công, một nhà đầu tư thừa nhận chỉ ở mức như sao buổi sớm. Lý do, khách đầu tư Hà Nội chỉ lên thăm dò mức giá đất địa phương ở sát chân Tam Đảo và tâm lý chủ đất.
Chỉ cần một thương hiệu mạnh về BĐS công khai dự án ở Tam Đảo, kèm theo chi tiết vốn đầu tư lẫn hạng mục, thì chắc chắn nguồn lực đầu tư sẽ gia tăng gấp bội – một yếu tố giúp hài hòa giữa quy hoạch chung với kế hoạch đầu tư riêng của DN.
Đông Hưng