Những diễn biến từ thực tế cho thấy thời gian qua, khối nội với những lợi thế về quỹ đất, nền tảng tài chính, thông thạo vùng miền… đang làm chủ cuộc chơi trên thị trường địa ốc. Minh chứng rõ ràng nhất là hàng loạt dự án tỷ USD liên tục đổi chủ và nhân vật chính là các doanh nghiệp trong nước.
Khối ngoại rót “tiền tấn”
Kể từ năm 2022 đến nay, trước những khó khăn bủa vây, không ít doanh nghiệp nội hàng đầu đã buộc phải tung ra hàng loạt giải pháp từ tăng chiết khấu, chia nhỏ tài sản để bán, cầm cố cổ phiếu…, trong đó đặc biệt phải kể đến việc hợp tác với quỹ đầu tư quốc tế.
Báo cáo nghiên cứu mới đây của Dat Xanh Services chỉ ra, trong xu hướng tăng cường hợp tác với các quỹ đầu tư quốc tế, điển hình có thể kể đến thương vụ bắt tay giữa Danh Khôi Group và Tập đoàn Tokyu Corporation tại dự án The Mekari với giá trị hợp đồng lên tới 1.000 tỷ đồng từ tháng 8/2022.
Trước đó, vào tháng 6/2022, Warburg Pincus (Hoa Kỳ) đã rót 250 triệu USD vào phân khu Tropicana - dự án Novaworld Hồ Tràm của Novaland. Đây được đánh giá nằm trong top 5 thương vụ giao dịch lớn nhất ngành bất động sản châu Á trong tháng đầu năm 2022.
Doanh nghiệp bất động sản trong nước đang đứng trước nhiều thách thức, trong đó có sự cạnh tranh từ khối ngoại. |
Cũng trong tháng 6, một thương vụ M&A (mua bán và sáp nhập) đình đám khác đã diễn ra giữa công ty CP công nghiệp Logistics KTG & Bousteak với công ty Bousteak Projects (Singapore) ghi nhận con số thoả thuận lên tới 6,9 triệu USD.
Còn trong tháng 7, một trong những sự kiện gây chú ý nhất là việc CapitaLand Development mua lại một khu đất dự án phức hợp 8 ha tại TP Thủ Đức, với tổng giá trị phát triển ước tính khoảng 1 tỷ đô la Singapore (khoảng 716 triệu USD).
Các kết quả thăm dò cho thấy kể từ đầu quý III/2022, khối ngoại đang có dấu hiệu chậm lại trong cuộc đua M&A trên thị trường bất động sản Việt Nam. Tuy nhiên, những thương vụ rót tiền khủng thời gian qua vẫn cho thấy doanh nghiệp ngoại chưa bao giờ bỏ qua tham vọng “xưng bá”.
Một minh chứng khác cho thấy bất động sản Việt Nam vẫn là “miếng bánh” hấp dẫn của khối ngoại làm lượng FDI đổ vào thị trường tăng mạnh. Cụ thể, theo Báo cáo của Cục Đầu tư nước ngoài vừa công bố, tính đến ngày 20/11, bất động sản tiếp tục đứng thứ hai trong các nhóm ngành thu hút vốn đầu tư nước ngoài nhiều nhất, với gần 4,19 tỷ USD, tăng hơn 74% so với con số 2,4 tỷ USD cùng kỳ năm trước.
Nguy cơ “sao đổi ngôi”
Mới đây, trong văn bản gửi đến Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Hiệp hội bất động sản TP.HCM (HoREA) Lê Hoàng Châu cũng đề cập đến nguy cơ doanh nghiệp trong nước trở thành “mồi ngon” trong cuộc “đi săn” của các doanh nghiệp nước ngoài.
Theo ông Châu, hiện nay, thị trường bất động sản đang rất khó khăn, đứng trước khả năng có thể rơi vào suy thoái. Một số tập đoàn, doanh nghiệp đang thu hẹp quy mô, điển hình như dừng, trì hoãn hoạt động đầu tư, thi công dự án, công trình, dừng triển khai các dự án mới…
Đáng chú ý, do tắc nguồn vốn tín dụng, trái phiếu, tắc cả nguồn vốn huy động từ khách hàng, một số đơn vị "đói vốn" nên phải vay vốn ngoài xã hội với lãi suất rất cao, hoặc phải bán bớt tài sản.
"Việc bán dự án với "giá hời" có thể tạo lợi thế cho các nhà đầu tư có tiềm lực tài chính mạnh, trong đó có nhà đầu tư nước ngoài, từ đó làm mất đi "lợi thế" của các doanh nghiệp trong nước vốn đang làm chủ thị trường bất động sản hiện tại", Chủ tịch HoREA nhấn mạnh.
Ở góc nhìn của doanh nghiệp, đại diện một chủ đầu tư dự án chung cư trung và cao cấp ở TP.HCM chia sẻ dù đang nắm thế chủ động, tuy nhiên giữa nhiều khó khăn, doanh nghiệp lo ngại các dự án, đặc biệt là các dự án lớn, sẽ “chảy” ngược về các doanh nghiệp nước ngoài có tiềm lực mạnh hơn.
Nếu tình hình không được cải thiện, thời gian tới khả năng nhiều doanh nghiệp sẽ không trụ nổi. “Riêng doanh nghiệp của tôi cũng đang tìm kiếm các đối tác để hợp tác hoặc bán bớt các quỹ đất nhằm thu hồi vốn về xử lý các dự án đang tồn đọng. Tuy nhiên các đối tác trong nước nay cũng đang cạn vốn, nên việc tìm đến các quỹ đầu tư, doanh nghiệp nước ngoài là điều khó tránh khỏi”, vị đại diện doanh nghiệp tiết lộ.
Có thể thấy, trong bối cảnh khó khăn chung của kinh tế toàn cầu, hầu hết lĩnh vực đều đang lâm vào thế khó. Dẫu biết M&A là xu hướng tự nhiên trên thị trường, nhưng nhìn vào tình trạng các doanh nghiệp Việt đang đối mặt áp lực về dòng vốn, lãi suất, tuột giá cổ phiếu để rồi phải rơi vào vòng xoáy “bán mình” vẫn là điều đáng buồn.
Với riêng doanh nghiệp bất động sản, theo giới chuyên gia, các đơn vị đã đến lúc phải cấu trúc lại sản phẩm, tập trung vào nhu cầu ở thực thay vì nhu cầu đầu tư, đầu cơ. Sự lựa chọn của doanh nghiệp cùng với phản ứng của người mua sẽ quyết định mức độ khủng hoảng nặng hay nhẹ trong thời gian tới.
Hưng Nguyên