Trong nhiệm kỳ III vừa qua, VnREA không chỉ đưa hệ thống hội viên rộng khắp cả nước với hơn 3.200 hội viên là các tổ chức, cá nhân hoạt động trong lĩnh vực liên quan đến BĐS, mà còn xây dựng được nhiều hiệp hội, chi hội, câu lạc bộ thành viên và các tổ chức trực thuộc.
Tạo ra chuyển biến lớn
Hơn nữa, như chia sẻ của ông Nguyễn Văn Khôi - Phó Chủ tịch VnREA, thời gian qua, Hiệp hội đã tham mưu với Bộ Xây dựng và các bộ ngành trong việc hoàn thiện sửa đổi, bổ sung Luật Kinh doanh BĐS, Luật Nhà ở, Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư… và các văn bản dưới luật như các nghị định, thông tư… liên quan đến thị trường BĐS.
Với sự hội nhập ngày càng sâu rộng vào nền kinh tế thế giới và yêu cầu bức xúc của nền kinh tế đất nước, đòi hỏi phải tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật, Chính phủ đang dự thảo “Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các Luật về đầu tư, kinh doanh”, dự kiến trình Quốc hội xem xét thông qua vào cuối năm 2016.
![]() |
Thị trường BĐS Việt Nam có những cơ hội lớn
Phương thức xây dựng một luật để bổ sung, sửa đổi nhiều luật, đã bước đầu tiệm cận cách làm luật phổ biến của các nước trên thế giới là tu chỉnh, sửa đổi, bổ sung từng điều luật để đáp ứng kịp thời nhu cầu thực tiễn của cuộc sống (nếu theo cách làm cũ thì Luật Đất đai 2003 phải 10 năm sau, đến 2013 mới sửa đổi; Luật Nhà ở 2005 sau 9 năm đến 2014 mới được sửa đổi...).
Hiệp hội BĐS Tp.HCM (HoREA) - một thành viên của VnREA, cho rằng đây là cơ hội vàng để tạo sự chuyển biến lớn trong công tác xây dựng pháp luật, tạo hành lang pháp lý nhất quán, xây dựng môi trường kinh doanh thông thoáng, minh bạch, lành mạnh, có tác động tích cực đến thị trường BĐS.
Hoàn thiện thể chế cho BĐS
Chủ tịch VnREA - ông Nguyễn Trần Nam, chia sẻ từ nhiệm kỳ III, VnREA đã bắt đầu sửa điều lệ, duy trì nhiệm kỳ 5 năm. Giai đoạn này cũng chính thời điểm khủng hoảng toàn diện, cả nền kinh tế bị suy giảm và chịu ảnh hưởng sâu. Thị trường BĐS lúc đó không biết là “ngòi nổ” hay là “nạn nhân”. Rất nhiều ý kiến cho rằng thị trường sắp vỡ “bong bóng” và có nguy cơ sụp đổ.
Tuy nhiên, như phân tích của ông Nam, Chính phủ và Bộ Xây dựng đã sử dụng chính sách để tháo gỡ khó khăn cho thị trường, không phải dùng đến tiền ngân sách như một số quốc gia đã từng thực hiện.
Cùng đó, cộng đồng DN cũng rất linh hoạt, đổi mới phương thức hoạt động, kinh doanh. Đặc biệt, việc cơ cấu lại thị trường đã giúp loại bỏ các “tay chơi nghiệp dư” nhảy vào lĩnh vực BĐS, kể cả những “ông lớn” nhưng không chuyên nghiệp.
Các luật liên quan đến thị trường ra đời, cùng trợ lực của hàng loạt nghị định đã tạo sự thuận lợi giải thoát những khó khăn cho thị trường. Mặc dù có những mảng được mở rộng, thoáng đãng như bán nhà cho người nước ngoài, nhưng cũng có những mảng siết chặt như mua bán nhà ở hình thành trong tương lai, quy định chuyển nhượng - mua bán, huy động vốn, thế chấp bảo lãnh ngân hàng… Một trong những thay đổi đáng được ghi nhận tại VnREA hiện nay, là chất lượng hội viên thay đổi mạnh. Trước đó, nhiều DN lớn đứng ngoài, không tham gia “cuộc chơi”.
Tuy nhiên, 5 năm qua, VnREA đã phát huy vai trò, tiếng nói của hiệp hội nghề nghiệp và quy tụ sự tham gia của nhiều DN lớn. Trong nhiệp kỳ tới đây, hàng loạt “đại gia” trong làng địa ốc như VinGroup, FLC Group, Alphanam, Hòa Bình, HD Mon, The Empire… cũng sẽ chính thức đứng dưới mái nhà VnREA.
Tại Đại hội IV của VnREA dự kiến sẽ bầu ra 91 người trong Ban chấp hành, 33 người trong Thường vụ, 1 Chủ tịch và 9 Phó Chủ tịch. Hy vọng với những thành quả đạt được trong nhiệm kỳ III, nhiệm kỳ IV 2016 - 2021 VNREA sẽ tiếp tục cất cao tiếng nói là điểm tựa, “mái nhà chung” cho các DN BĐS cả nước đoàn kết, phát triển bền vững.
Thanh Loan