Thông tin mới nhất từ một số sàn phân phối về dự án như sau: tổ hợp Khu văn phòng, dịch vụ và nhà ở tại số 99 Lê Văn Lương và 164 Khuất Duy Tiến (Việt Đức Complex) do Liên danh chủ đầu tư công ty CP đầu tư Sông Đà – Việt Đức (đại diện)- Tập đoàn xây dựng và thiết bị công nghiệp (CIE Corp) – công ty CP Kinh doanh Vật tư & Xây dựng CMC thực hiện.
Mục tiêu dự án nhắm tới dòng sản phẩm chung cư cao cấp với 4 tòa tháp căn hộ (tổng số 704 căn). Đất Xanh Miền Bắc, Lanmak Res và CIE Land (thuộc Cie Corp) sẽ đảm nhiệm khâu phân phối.
Quá khứ dữ dội
Tháng 11/2011, Sở Xây dựng Hà Nội cấp GPXD 135/GPXD cho công ty CP Tập đoàn Xây dựng và thiết bị công nghiệp (nay là CIE Group) và công ty CP kinh doanh vật tư và Xây dựng (đơn vị hợp tác đầu tư là công ty CP Đầu tư xây dựng và kỹ thuật Vinaconex) được phép xây dựng công trình Khu văn phòng – dịch vụ và nhà ở tại ngõ 164 Khuất Duy Tiến.
Theo hiệu lực giấy phép, dự án sẽ khởi công xây dựng trong thời hạn 12 tháng kể từ ngày cấp, nếu quá hạn mà chưa khởi công thì chủ đầu tư phải xin gia hạn. Tuy nhiên, tới tận quý II/2016 (gần 5 năm kể từ khi được cấp GPXD), dự án mới nhúc nhích công trường? Ở điểm này cũng cần nói rõ hơn, năm 2015, dự án ghi nhận sự thay đổi về liên danh nhà đầu tư cũng như được điều chỉnh số lượng căn hộ.
![]() |
CIE đặt quá nhiều tham vọng vào dự án "không dành cho người yếu tim"?
Hồ sơ pháp lý còn cho thấy dự án đã dính “phốt” cách đây chưa lâu, đúng thời điểm công trình đang gấp gáp những hạng mục đầu tiên. Ngày 14/6/2016, UBND quận Thanh Xuân ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động xây dựng đối với dự án này. Dự án bị buộc dừng thi công, liên hệ cơ quan thẩm quyền để được…. điều chỉnh GPXD.
Tháng 9 – tức 3 tháng sau khi dự án bị “tuýt còi”, Sở Xây dựng Hà Nội có văn bản về việc phụ lục GPXD 135/GPXD. Với “giấy thông hành” này, Sông Đà – Việt Đức (đại diện liên danh đầu tư) gửi văn bản tới Sở và chính quyền sở tại nhằm thông báo tiếp tục thi công dự án từ 3/10.
Liên quan tới pháp lý dự án, việc hoàn thành nghĩa vụ tài chính thuê đất được xem là “ưu điểm” hiếm hoi của liên danh chủ đầu tư. Theo đó, trong gần 12.000m2 (tổng diện tích khu đất dự án), ghi nhận ngót 5.400m2 đất dành xây dựng công trình văn phòng – nhà ở cao tầng (Nhà nước giao đất có thu tiền sử dụng đất, sử dụng lâu dài) và phần còn lại phục vụ cho hạng mục sân, đường nội bộ, cây xanh (thuê đất 50 năm, trả tiền hàng năm).
Năm 2011 (trước thời điểm được cấp GPXD), CIE – tư cách đại diện liên danh, đã thanh toán ngót nghét 178,5 tỷ đồng cho phần đất đầu tư xây công trình; cùng tiền thuê hơn 6.000m2 đất hạ tầng, tiện ích cảnh quan. Tuy nhiên, việc khu đất phục vụ xây sân vườn, cây xanh đã được chủ đầu tư đóng tiền thuê đầy đủ với cơ quan chức năng trong thời gian từ 2012 đến nay vẫn là dấu hỏi.
Không dành cho kẻ yếu tim…
Thời điểm hiện tại, một số cá nhân môi giới (được cho là thuộc sàn Đất Xanh Miền Bắc) đang marketing các suất căn hộ với mức giá 26-32 triệu đồng/m2 tùy diện tích, tháp. Được biết, dự án gồm 4 tòa nhà căn hộ: 2 tòa A,B cao 23 tầng nổi; 2 tòa C,D cao 27 tầng nổi.
Đáng chú ý, các căn ở tòa C và D sẽ có giá cao hơn vì… view đẹp (hồ điều hòa Trung Hòa Nhân Chính). Cụ thể, ở tầng 15, căn 92-109m2 có giá vượt 32 triệu đồng/m2. Ngược lại, vì vị trí “bất lợi” (gần sát khuôn viên nghĩa trang Quán Dền), những căn ở tòa A,B có giá… mềm hơn (khoảng 26-27 triệu đồng/m2).
Về điều này, không ít chuyên gia BĐS am hiểu về thông thủy đã cảnh báo về yếu tố tâm linh đối với các dự án nhà ở hiện nay. Thậm chí, việc “âm dương cùng cõi” cũng từng khiến nhiều dự án điêu đứng bởi cách xử lý thiếu đầu cuối của chủ đầu tư.
Với pháp lý gần như đầy đủ (chưa ghi nhận ngân hàng bảo lãnh tiến độ bàn giao cho người mua), dự án rục rịch mở bán trong tháng 12. Tuy nhiên, giới đầu tư sành sỏi tỏ ra cân nhắc trước khi rót tiền vào dự án. Ngoài “tử huyệt” là vị trí địa lý của khu đất, dường như chủ đầu tư (CIE là hạt nhân chính) đang quyết “gỡ” lại chi phí cơ hội đã đầu tư 5 năm qua.
Năm 2010, Hà Nội cấp chứng nhận đầu tư dự án cho liên danh CIE-CMC-Vinaconex với mức vốn đầu tư dự kiến gần 1.413 tỷ đồng. Trong đó, vốn tự có của ba nhà đầu tư chỉ vỏn vẹn 213 tỷ đồng (còn lại là vay và tự huy động).
Tới nửa cuối 2015, Vinaconex bất chợt bỏ cuộc chơi và nhượng lại phần góp vốn tham gia dự án cho công ty CP Đầu tư Sông Đà – Việt Đức. Sự kiện này mở ra trang mới cho dự án: Tên mới Việt Đức Complex; Khởi công quý I/2015 – Tiến độ hoàn thành được delay tới quý IV/2017; quy mô vốn ngót 1.500 tỷ đồng. Cũng trong năm 2015, lượng căn hộ dự án đã được cơ quan chức năng cho phép điều chỉnh tăng lên 704 căn (từ 510 căn ban đầu).
Với việc thanh toán trọn vẹn 178,5 tỷ đồng tiền thuế đất (cho diện tích xây dựng công trình nhà ở cao tầng), cộng thêm những chiêu thức âm thầm rót vốn để “nuôi” dự án từ năm 2015, CIE cũng như liên danh hoàn toàn có lý do để gấp gáp cho dự án lên sóng ngay thời điểm chỉ còn một tháng trước Tết.
Cần nói thêm, các nguồn môi giới đều quảng cáo dự án sẽ bàn giao dự kiến trong năm 2018. Tạm hiểu, dự án sẽ chậm tiến độ so với chính cam kết ban đầu của chủ đầu tư!?
Nguyễn Cảnh